Chữ xuân trong ca dao người Việt
Nội dung thường thấy là xuândùng để diễn đạt thời gian:
Kể từ bạn trúc với mai
Xuân qua hè lại đã vài ba năm
Xuândùng để biểu đạt tuổi đời:
Trăng lên khỏi núi trăng tròn
Xuânxanh em mất mà giòn rứa em?
Xuânlà thời gian, xuânlà tuổi đời và xuâncũng là sức khoẻ, là sự cường tráng của cơ thể, sự minh mẫn của trí tuệ:
Mỗi năm mỗi tuổi như đuổi xuân đi
Cái già sồng sộc nó thì theo sau
Tuổi trẻ đi qua rất nhanh và cái già của con người ta đến cũng rất nhanh. Khi đã đến độ già nua thì sự cường tráng minh mẫn cũng không còn là bao. Bởi thế người đi trước đã có lời khuyên người đi sau thật thấm thía:
Chơi xuân quá lứa đi rồi
Vắt tay mà ngẫm cõi đời mà lo
Trông gương luống những thẹn thò
Da mồi tóc bạc lưng gù,
Thương thay xuân chẳng đợi chờ
Tiếc thay xuân những hững hờ với xuân
Câu ca dao đọng lại ở sự thương hại và tiếc nuối. Thương vì ai đó đã để tuổi trẻ qua đi trong những thú vui tầm thường dễ dãi. Tiếc vì xuân những hững hờ với xuân. Hai chữ xuânmang hai nghĩa khác nhau. Chữ xuânthứ nhất chỉ người trẻ tuổi nào đó. Chữ xuânthứ hai là nói về những ngày đẹp đẽ đó có thể làm nên sự nghiệp vẻ vang mà bị bỏ phí.
Người xưa còn dùng xuân xuânlàm ẩn dụ để bộc lộ tâm trạng trong những tình huống của quan hệ lứa đôi yêu đương.
Đây là nỗi niềm của chàng trai đã yêu nhưng chưa được tiếp nhận tình yêu:
Chúa xuân còn ở vườn đào
Ong qua bướm lại biết bao nhiêu lần
Còn đây là một tấm tình si quyết bền gan cùng năm tháng:
Xuân khứ, xuân lai, xuân bất tận
Mấy năm nay lận đận với má hồng
Đã làm trai phải trả nợ tang bồng
Dù mấy năm đi nữa
Đây vẫn một lòng chờ xuân
Cái hay của câu ca dao này là ở chỗ dùng tới bốn chữ xuânđể nói đến hai đối tượng. Đối tượng thứ nhất là thời gian. Thời gian chảy trôi, thời gian không ngừng nghỉ nên câu thơ cũng miên man Xuân khứ xuân lai xuân bất tận(Mùa xuân qua, mùa xuân đến).
Hạt mưa xuân mát lành không còn là gì thi vị nữa. Hạt mưa xuân chỉ khơi dậy những suy tưởng chát chua. Mưa trời rơi đâu biết đấy, mưa đâu có được kén chọn nơi rơi, cũng như người đàn bà xưa mấy ai thoát cảnh cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Lời than thở dưới đây làm sầm tối cả trời xuân:
Chữ rằng: xuân bất tái lai
Ngày nay hoa nở, e mai hoa tàn
Mùa xuân trẻ trung của con người chẳng bao giờ thắm lại: Xuân bất tái lai. Hoa xuân nở rực rỡ hôm nay sẽ héo tàn ngày mai. Cuộc đời ngắn ngủi quá.
Chữ xuâncũng xuất hiện cả trong mối quan hệ không lành mạnh, quan hệ chơi bời nhăng nhít.
Có thể đây là lời níu kéo ở chốn mua vui:
Chưa chi anh đã vội về
Hay là xuân gọi anh về với xuân
Có thể coi đây là lời khuyên của người vợ hiền:
Chơi xuân nở nhớ đến hoa
Anh hãy về nhà xuân lại thêm xuân
Chữ xuâncũng được dùng đến khi xướng hoạ cùng nhau:
Nữ xướng: Cô xuân mà đi chợ Hạ
Mua cá Thu về chợ hãy còn Đông
Em đây là gái chưa chồng
Anh mà đối đặng em theo không anh về
Namhoạ: Namthanh lịch ngồi hàng thuốc Bắc
Gái Đông sàng cảm bệnh lầu Tây
Hai ta tình nặng nghĩa dày
Xướng lên hoạ lại lúc này tính sao?
Nữ ta đố rằng bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Nam giải đố bằng bốn phương Đông Tây Nam Bắc. Thật là cân xứng. Thật là thông minh. Thật là hóm hỉnh.
Ngày xuân, khảo về chữ xuântrong ca dao dân gian thấy rõ tiếng Việt của chúng ta hay lắm, đẹp lắm. Trong tiếng Việt, từ này chuyển từ nghĩa cụ thể đến nghĩa khái quát, trừu tượng, từ nghĩa đen đến nghĩa bóng, từ nghĩa hẹp đến nghĩa rộng… để ta có từ mùa xuân của đất trời đến mùa xuân của lòng người. Những nghệ sĩ dân gian của chúng ta xứng đáng là bậc thầy trong cách vận dụng cái hay cái đẹp của ngôn ngữ mẹ đẻ, tạo ra những ấn tượng thẩm mĩ ở cấp độ rất cao.