Chính sách văn hoá của triều Nguyễn trong bối cảnh đất nước thế kỷ XIX
1. Bối cảnh quốc tế
Việc phát minh ra máy hơi nước ở Anh cuối thế kỷ XVIII đã đánh dấu sự ra đời của cuộc cách mạng công nghiệp. Một quá trình công nghiệp hóa diễn ra rầm rộ ở Châu Âu đã làm thay đổi cách thức sản xuất từ lao động bằng tay sang sử dụng máy móc và từng bước hình thành một cơ cấu công nghiệp hoàn chỉnh; từ sản xuất quy mô nhỏ lên sản xuất quy mô lớn với sự ra đời của các nhà máy và các khu công nghiệp, khiến cho loài người trong vòng chưa đầy một trăm năm, có thể sáng tạo nên một lực lượng vật chất to lớn hơn và độ sộ hơn tất cả các thế hệ trước cộng lại, theo đánh giá của C.Mác và Ph. Ănghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Hệ quả là đời sống xã hội có những thay đổi lớn lao: hình thành các giai cấp xã hội mới (giai cấp tư sản và giai cấp vô sản), dân số tăng nhanh, đô thị phát triển, pháp lý hóa chế độ gia đình một vợ một chồng… Chủ nghĩa tư bản ở Tây Âu đã bành trướng ra khắp thế giới, một mặt để cướp các nguồn nhiên liệu ở các vùng đất nước chưa được khai thác, mặt khác để chiếm các thị trường tiêu thụ ở những nước đông dân cư. Châu Á đất rộng người đông, nơi có nền kinh tế, chính trị lạc hậu trở thành miếng mồi béo bở cho các nước tư bản phương Tây.
Đến những năm đầu thế kỷ XIX, các nước châu Á, trong đó có Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ bị biến thành thuộc địa của các nước tư bản châu Âu. Nhưng những thử thách của lịch sử không chỉ đến từ ngoài biên giới mà trong bản thân mỗi quốc gia châu Âu lúc này đều bộc lộ hàng loạt các vấn đề đòi hỏi phải được giải quyết.
Nhìn chung, đến thế kỷ XIX, các nước trong khu vực châu Á đều trở nên suy yếu cả về kinh tế và chính trị, xã hội. Các quốc gia như Cao Miên, Xiêm… từ lâu đã không thuộc phạm vi, hình mẫu tham chiếu, học hỏi của các triều đình phong kiến Đại Việt. Còn Trung Hoa thế kỷ XIX dẫu vẫn khoác áo "Thiên triều" trong chính sách bang giao của triều Nguyễn nhưng cũng không đủ sức, đủ trí để đương đầu với phương Tây. Không phải đến triều Tự Đức, nước Đại Nam mới phải đối mặt với Pháp và Trung Hoa, mà sự lựa chọn mô hình phát triển nào đã đặt ra ngay từ khi vua Gia Long khai sáng vương triều Nguyễn vào năm 1802.
2. Tình hình trong nước
Triều Nguyễn được thiết lập trong một bối cảnh lịch sử đầy biến động. Sự tranh giành quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn, Tây Sơn - Nguyễn đã đưa đến những hệ quả hết sức bất lợi cho sự phát triển của một quốc gia: loạn ly và chia cắt, cát cứ và phân lập, chiến tranh bao gồm cả nội chiến và chống ngoại xâm…
Nhà Nguyễn sau khi đánh bại triều Tây Sơn, làm chủ một lãnh thổ thống nhất gồm Đàng Trong, Đàng Ngoài cũ. Đến năm 1802, lần đầu tiên sau gần 300 năm, đất nước được thống nhất trọn vẹn, nhưng không phải trên quy mô như điểm xuất phát của nó. Thừa hưởng thành quả đấu tranh của các thế hệ người Việt Nam kiên cường, bền bỉ, lần đầu tiên trong lịch sử, lãnh thổ Việt Nam đã mở rộng nhất, trải dài từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau.
Tuy nhiên, triều đình nhà Nguyễn đứng trước nhiều vấn đề của thời đại và đất nước đặt ra, trong đó có những vấn đề liên quan trực tiếp đến văn hóa:
Về mặt chính trị, nhiệm vụ đầu tiên mà vị vua khai sáng một triều đại phải giải quyết là thiết lập một bộ máy quản lý, điều hành đất nước. Một khó khăn lớn về chính trị của triều Nguyễn là xây dựng chính quyền địa phương. Năm 1802, khi làm chủ được Bắc hà và quyết định xem Phú Xuân là quốc đô, triều Nguyễn lập ra 2 trấn Bắc Thành và Gia Định, tổ chức chính quyền địa phương gần như tồn tại 2 khu vực độc lập ở bắc và nam. Ngoài việc chia sẻ vinh quang và quyền lực cho các công thần như các nhà nghiên cứu thường nhận định thì việc phân chia 2 trấn Bắc Thành và Gia Định phần nào cũng phản ánh việc thống nhất đất nước trên mọi phương diện không phải là công việc một sớm một chiều. Bước đầu, vị vua đầu triều Nguyễn đã tạm chấp nhận tình trạng "kẻ Bắc người Nam ". Tuy nhiên, đó chỉ là một giải pháp có tính chất quá độ, "quyền nghi đặt tạm" như nhận định của Minh Mạng, gây nhiều khó khăn cho sự thống trị của nhà Nguyễn. Phải đến năm 1831 - 1832, khi Minh Mạng tiến hành một cuộc cải cách hành chính địa phương, tình trạng các tổng trấn mới được xoá bỏ.
Triều Nguyễn được thiết lập sau khi đánh bại Tây Sơn. Vị vua đầu tiên triều Nguyễn sẽ phải giải quyết những vấn đề hậu chiến: Ứng xử ra sao với đội ngũ những công thần, võ tướng cả cuộc đời vào sinh ra tử cùng nhà vua sáng lập nên một triều đại mới? Ứng xử như thế nào với những cựu thần của nhà Lê? Xây dựng đất nước trong thời bình đặt ra những yêu cầu mới đối với bộ máy quản lý đất nước, nó đòi hỏi không chỉ tăng về số lượng nhân sự mà còn phải gia tăng về chất lượng và năng lực quản lý đa lĩnh vực.
Quan hệ bang giao với các nước cũng là một vấn đề khác mà triều Nguyễn phải giải quyết. Khác với các thế kỷ trước, đến thế kỷ XIX, quan hệ bang giao không chỉ giới hạn trong phạm vi với các nước láng giềng quen thuộc mà phải tính đến những vùng đất xa lạ hơn. Các nước Âu Mỹ đã xuất hiện với những đề nghị đặt quan hệ ngoại giao hoặc quan hệ thông thương. Như vậy, trong chính sách ngoại giao của triều Nguyễn không chỉ có Xiêm La, Vạn Tượng, Ai Lao hay Trung Hoa nữa mà còn có các nước phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ.
Về mặt kinh tế,dưới thời Nguyễn, Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp, công thương nghiệp hầu như không phát triển. Chính sách của triều đình là trọng nông. Nguồn lợi số một của nhà nước là thu thuế điền, thuế đinh. Nếu như hơn 200 năm đàng trong, các chúa Nguyễn đã tạo nên những trải nghiệm mới trong lịch sử kinh tế của dân tộc khi chú ý đến việc phát triển kinh tế hàng hóa nông nghiệp thì đến thời các vua Nguyễn, rất tiếc các kinh nghiệm đó không được áp dụng. Chiến tranh liên miên khiến người dân phiêu tán tứ xứ, ruộng đất nhiều nơi trở nên hoang hoá. Sự chú trọng đến công tác thủy lợi, đê điều, khai hoang lập ấp cùng chế độ doanh điền cũng là những nỗ lực đáng ghi nhận của triều Nguyễn nhằm phát triển nông nghiệp. Việc di dân đi khai khẩn những vùng đất mới cũng đặt ra những vấn đề văn hóa phải giải quyết.
Đầu thế kỷ XIX điều kiện để phát triển thương nghiệp rất thuận lợi, đất nước thống nhất, hệ thống giao thông Bắc Nam, liên tỉnh được sửa chữa, nhiều kênh sông được khai đào… Thế nhưng nhà nước phong kiến đã không biến các cơ hội đó thành hiện thực. Chính sách thuế khóa và thể lệ kiểm soát nghiêm ngặt, phức tạp đã hạn chế sự phát triển thương nghiệp.
Lo ngại trước nguy cơ bị xâm lược bởi các nước phương Tây, triều đình nhà Nguyễn nắm độc quyền ngoại thương. Việc buôn bán với nước ngoài chủ yếu được tiến hành với các nước trong khu vực như Trung Hoa, Xiêm, Mã Lai. Và ngay cả với những đối tượng này, chính quyền phong kiến cũng luôn dè chừng, cảnh giác.
Từ năm 1824, vua Minh Mạng có cho người tìm hiểu thị trường trong khu vực. Thực tế, ông đã cử thuyền đem gạo, đường, lâm thổ sản… sang bán ở Singapore, Inđônêxia, Philippin, Thái Lan… và mua về len, dạ, vũ khí, đạn dược. Nhưng việc buôn bán như vậy cũng không phải là phổ biến, càng không thể là đặc điểm nổi bật của ngoại thương nước nhà trong giai đoạn này.
Sự phát triển hạn chế của công thương nghiệp ở nửa đầu thế kỷ XIX không tạo nên được những điều kiện cần thiết cho sự biến chuyển xã hội.
Về mặt xã hội, cũng như ở các triều đại trước, dưới thời Nguyễn, xã hội Việt Nam chia thành 2 giai cấp lớn: Thống trị và bị trị. Việt Nam thế kỷ XIX là nước nông nghiệp, hầu hết nhân dân sống về nghề nông và đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng nhất. Cho nên nói giai cấp trong xã hội giai đoạn này là nói những lớp người hoặc có hoặc không có (hay có rất ít) đất trong tay. Như vậy, địa chủ và nông dân là hai giai cấp chính của xã hội Việt Nam thế kỷ XIX. Ngoài ra, còn có những tầng lớp không đông đúc, không thành giai cấp nhưng cũng cần phải được kể đến, đó là thợ thủ công, thương gia, nho sĩ.
Nhà Nguyễn xây thành, đắp luỹ, dựng lăng tẩm… to và nhiều hơn bất cứ triều đại nào. Sự xa hoa lãng phí của các vua chúa, quan lại hoàn toàn đối lập với đời sống ngày càng bị bần cùng hóa của nhân dân. Cùng với nạn phu phen tạp dịch, người dân còn phải hứng chịu thiên tai, bệnh dịch. Mâu thuẫn (giai cấp) trong xã hội ngày càng trở nên sâu sắc. Kết quả là phong trào nông dân lan rộng và diễn ra liên tục suốt nửa đầu thế kỷ XIX.
Một điểm đáng lưu ý là trong các cuộc khởi nghĩa nông dân, có rất nhiều các cuộc khởi nghĩa của đồng bào dân tộc ít người ở miền núi phía Bắc, ở phía Tây Nam bộ. Sự phản ứng của đồng bào dân tộc thiểu số phản ánh sự không thoả đáng trong chính sách dân tộc của triều đình Nguyễn.
Về mặt văn hóa, đến triều Nguyễn, trên lãnh thổ nước ta có sự phân vùng văn hóa với sự hiện diện của 3 trung tâm văn hóa lớn: Văn hoá Thăng Long, văn hóa Phú Xuân và văn hóa Gia Định, nó như một đặc điểm lớn của văn hóa Đại Nam . Tính địa phương đem lại sự phong phú, đa dạng nhưng mặt khác, nó cũng gây ra những trở ngại nhất định trong quá trình quản lý đất nước.
Với đặc điểm lãnh thổ trải dài từ Bắc đến Nam, là nơi cư trú của nhiều tộc người, lại trải qua một thời gian dài chia cắt nên phong tục, tập quán, lối sống, nếp sống, tôn giáo, tín ngưỡng… của các cộng đồng dân cư trong cả nước rất phong phú.
Khi người Việt tiến về phương Nam khai hoang, lập ấp mới, họ mang theo văn hóa của quê hương mình, mang theo cả phương thức sản xuất, tâm thức cộng đồng làng xã, thậm chỉ cả tên đất tên làng, thần linh đến vùng đất mới. Tại đó, có sự gặp gỡ, giao thoa về lối sống, phong tục, tập quán giữa cư dân cũ và cư dân mới. Kết quả là có thể làm xuất hiện đến những hiện tượng văn hóa mới.
Giáo dục thi cử ở Bắc Bộ và Nam Bộ chịu ảnh hưởng của chiến tranh nên đã có sự phát triển không đồng đều. Nếu như ở Bắc Bộ, việc giáo dục, khoa cử diễn ra thường xuyên, quy củ thì trái lại, ở Nam Bộ, giáo dục, khoa cử còn khá lỏng lẻo. Để đáp ứng nhu cầu kiện toàn bộ máy nhân sự quản lý đất nước, việc đẩy mạnh giáo dục thi cử trên quy mô toàn quốc trở thành yêu cầu cấp bách.
3. Những yêu cầu đặt ra đối với chính sách văn hóa triều Nguyễn
Những yêu cầu lịch sử đặt ra này đối với vương triều Nguyễn là bảo vệ vương triều, phục hồi, thống nhất quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, phát triển kinh tế văn hoá, "mở cửa" cho đất nước vươn ra thế giới bên ngoài, kích thích sản xuất hàng hóa và giao lưu trong nước, tiếp thu và vận dụng những luồng tư tưởng mới và thực tiễn Việt Nam, từ đó mà đáp ứng xu thế thời đại và đối phó nguy cơ ngoại xâm.
Vậy thì vấn đề quan trọng hàng đầu đối với triều Nguyễn là phải lựa chọn một định hướng lãnh đạo đất nước nhằm bảo tồn độc lập dân tộc và đương nhiên gắn với nó là quyền lợi của dòng họ Nguyễn. Nói cách khác, triều Nguyễn phải xác định một "quốc sách" và từ một quốc sách như thế nào đó sẽ chi phối mọi chính sách cụ thể trên mọi lĩnh vực, kinh tế, chính trị, văn hóa…
Xét về khách quan, bối cảnh của đất nước và thời đại đã đặt ra hàng loạt các vấn đề đòi hỏi chính sách văn hóa triều Nguyễn phải tập trung giải quyết:
Thứ nhất, yêu cầu thống nhất văn hóa được đặt lên hàng đầu. Sự phân hóa về phong tục, tập quán, ý thức hệ, lối sống, nếp nghĩ… giữa các vùng miền đã gây ra những khó khăn trong việc lãnh đạo, quản lý đất nước. Thống nhất văn hóa góp phần vào việc thống nhất đất nước.
Thêm vào đó, triều Nguyễn lên ngôi trong thế đoạt quyền của nhà Tây Sơn, chính vì thế, sự nghi kỵ, oán thán trong xã hội không phải không có. Chính sách văn hóa phải giúp triều đình củng cố vương quyền, gia tăng sức mạnh về tinh thần, thu phục nhân tâm.
Thứ hai, để giúp thực hiện mục tiêu thứ nhất, cần phải chọn một hệ tư tưởng làm ngọn cờ dẫn đường. Hệ tư tưởng chính trị quy định trực tiếp đường lối và chính sách văn hóa.
Yêu cầu khách quan đặt ra cho triều Nguyễn là phải chọn lựa một hệ tư tưởng tiến bộ, phù hợp với xu thế của thời đại. Hệ tư tưởng đó vừa phải bảo vệ được vương triều, thống nhất được đất nước, vừa phải hóa giải được những thách thức mà thời đại đặt ra.
Thứ ba, khi Nguyễn Ánh lên ngôi, giống như nhiều quốc gia châu Á khác, nước Đại Nam đối mặt với nguy cơ trở thành thuộc địa của các nước phương Tây. Vì vậy, một vấn đề đặt ra cấp bách lúc này là phải lựa chọn một đường lối ngoại giao khôn khéo, mềm mỏng nhưng cương quyết để tránh nạn ngoại xâm. Chính sách văn hóa với nước ngoài của triều đình nhà Nguyễn phải thể hiện được tinh thần của đường lối ngoại gia đó. Việc "đóng cửa" hay "mở cửa" lúc này có ý nghĩa quan trọng, liên quan đến sự tồn vong của vương triều, đến sinh mệnh của đất nước.
Thứ tư, giao lưu và kế thừa là quy luật vận động và phát triển của văn hóa. Chính sách văn hoá phải chú ý đồng thời đến cả 2 mặt, kế thừa và phát huy những nhân tố tích cực trong nền văn hóa cổ truyền, đồng thời phải làm mới mình bằng những giá trị ngoại sinh được tiếp thu một cách chắt lọc trong quá trình tiếp xúc văn hóa với nước ngoài. Cho đến thời Nguyễn, lịch sử dân tộc đã chứng minh điều đó qua lần tiếp xúc và vượt thoát khỏi sự đồng hoá của văn hóa Hán trong thiên niên kỷ thứ nhất sau công nguyên. Giáo sư Phan Ngọc gọi những cuộc tiếp xúc văn hóa lớn trong lịch sử dân tộc đó là những lần tái cấu trúc văn hoá dân tộc, đưa văn hóa dân tộc phát triển lên một tầm cao mới. Đến triều Nguyễn, lịch sử một lần nữa lại đặt dân tộc ta trước một cuộc giao lưu văn hóa lớn, với một nền văn hóa tương đối xa lạ với những giá trị văn hóa phương Đông truyền thống.
Thứ năm, chính sách văn hóa phải thể hiện được tinh thần khoan dung văn hoá. Trước hết, chính sách văn hoá phải tôn trọng sự khác biệt về văn hóa giữa các tộc người trên cùng một lãnh thổ. Sự đa dạng sắc thái văn hóa tộc người của đất nước cần được nhìn nhận với một thái độ tích cực. Điều này cần được đặc biệt quan tâm đối với một quốc gia có nhiều tộc người như Đại Nam. Tiếp đó, chính sách văn hoá phải tôn trọng sự khác biệt văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc. Nếu chính sách văn hóa thiếu đi tinh thần khoan dung văn hóa, không xử lý tốt mối quan hệ giữa các tộc người sẽ dẫn đến những xung đột về mặt sắc tộc, ở bình diện rộng hơn là xung đột giữa các quốc gia.
Thứ sáu, chính sách văn hóa thể hiện các quan điểm chính trị của giai cấp thống trị trên lĩnh vực văn hóa và sự ra đời của nó nhằm đáp ứng nhu cầu văn hoá cấp bách đang đặt ra. Chính sách văn hóa tương đối thống nhất với các chính sách chính trị, kinh tế, xã hội ở mục tiêu góp phần duy trì trật tự xã hội, ổn định xã hội và tiến tới thúc đẩy sự phát triển xã hội. Trực thuộc kiến trúc thượng tầng xã hội, chính sách văn hóa đòi hỏi phải được xây dựng trên một nền tảng cơ sở hạ tầng xã hội tương ứng. Đây chính là điều kiện để đảm bảo quá trình thực thi chính sách có hiệu quả trong đời sống thực tiễn. Muốn vậy, chính sách văn hóa phải được bắt rễ từ chính cuộc sống, được đời sống kiểm nghiệm. Nếu chỉ dừng lại ở những văn bản chốn triều đình chính thì đó chỉ là chính sách văn hóa về mặt hình thức.
Sự phức tạp, sôi động của đời sống văn hoá đất nước nửa đầu thế kỷ XIX đã đặt ra hàng loạt yêu cầu khách quan, đòi hỏi chính sách văn hóa của triều đình Nguyễn phải giải quyết. Trong đó nổi bật lên hai vấn đề lớn liên quan đến sự an nguy của quốc gia, đó là củng cố sự thống nhất đất nước và đối mặt với nguy cơ ngoại xâm. Các vị vua đầu triều Nguyễn từ Gia Long đến Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này. Chính vì vậy, triều đình nhà Nguyễn đã ban hành nhiều chính sách văn hóa trong một nỗ lực củng cố vương quyền, giữ vững nền độc lập quốc gia, tránh nguy cơ mất nước: Chính sách giáo dục, chính sách phát triển văn chương nghệ thuật, chính sách thống nhất văn hóa, chính sách tôn giáo, chính sách giao lưu với nước ngoài… cùng với việc xây dựng một hệ thống thiết chế văn hóa tương ứng. Tuy nhiên, giữa nhận thức về yêu cầu khách quan của việc xây dựng chính sách cho đến thực thi chính sách là một quá trình luôn tiềm ẩn những nguy cơ sai lệch. Vì việc nhận diện và xây dựng chính sách phải thông qua lăng kính chủ quan của những người đứng đầu bộ máy nhà nước. Nếu đó là những nhãn quan chính trị sáng suốt, nắm bắt được xu thế vận động của thời đại và am tường đời sống văn hóa của đất nước thì chính sách văn hóa đó sẽ đảm bảo được tính khách quan, tính toàn diện và tính kịp thời. Ngược lại, chính sách văn hóa đó sẽ nhanh chóng bị cuộc sống vượt qua, trở nên lạc hậu, thất bại.