“Chính danh” bắt đầu từ đâu?
Đạo đức kết hợp chính trị, chính trị kết hợp đạo đức là chuyện từ thời Tây Chu, cách thời Khổng Tử những hơn nửa thiên niên kỷ.
“Danh” gồm chữ “tịch” là “tối”, chữ “khẩu” là miệng để gọi. “Danh” có nghĩa là “gọi”, là "tên gọi", cũng có nghĩa là “chức danh”, “danh phận”. Hoá ra cái “danh”ở đời lại “mờ mờ ảo ảo như người đi đêm”, thoáng có, thoáng không, biết bao người sống chết vì nó. Bởi vì “mờ mờ ảo ảo” cho nên thiên hạ muốn nói nhăng nói cuội thế nào mà chẳng được, có ai nhìn thấy gì đâu!
Chữ “chính” trong văn Giáp cốt tượng trưng bước chân hướng về thành, ấp. Chữ “chính” thuộc về “chính trị” và chữ “chinh” là “chinh phạt” thuộc về “quân sự” đều có nguồn gốc từ chữ “chính”. Nếu “chính” có tính đạo đức thì đạo đức từ xưa đã có mối liên hệ chặt chẽ với chính trị và quân sự.
“Chính danh” (Rectification of Names) có nghĩa là làm cho cái “danh” và cái “thực” thống nhất với nhau. Nói cách khác, mọi người trong xã hội ai có danh phận, chức danh gì thì phải xứng đáng với danh phận, chức danh mà mình vốn có. Nếu như danh phận, chức danh được xem là “số mệnh”, là tính “thụ động” thì “chính danh” lại là tính “năng động”. Chẳng hạn như “vua”, “quan” là do số mệnh an bài chứ không phải chủ yếu là do đạo đức hay năng lực. Vậy thì khi đã may mắn được “mệnh trời” ban cho thì cũng phải cố gắng lên một chút để thể hiện tính “năng động”. Như vậy, “chính danh” có tác dụng bổ sung cho tính hạn chế của thuyết “số mệnh”. Khổng Tử nghĩ ra được điều đó kể cũng khá chu đáo, vừa có tính khách thể vừa có tính chủ thể.
Nguyên tắc là như vậy, nhưng chính trị trước sau vẫn là chuyện đại sự của nhân loại, đâu phải chuyện chơi. Cho nên chẳng có vua chúa quan lại nào mà không suốt ngày luôn miệng bàn về chính trị - đạo đức. Chỉ trong có hai thiên Nhan Uyên và Tứ Lộ trong sách Luận ngữ cũng đã thấy nhan nhản đủ loại chất vấn Khổng Tử về chính trị. Nào là Quý Khang Tử, Tề Cảnh Công, Tử Cống, Tử Trương, Tử Lộ... Chẳng hạn ở thiên Nhan Uyên chép:
“Quý Khang Tử hỏi Khổng Tử thế nào gọi là chính trị? Khổng Tử đáp: “Chính” có nghĩa là đoan chính, ngay thẳng (chính giả, chính dã). Nếu ngài tự mình nêu gương đoan chính, ngay thẳng trước tiên thì đố có ai dám không ngay thẳng”.
“Chính trị” có nghĩa là cai trị, quản lý xã hội một cách đúng đắn (chính), ngay thẳng chứ không phải cong queo, úp úp mở mở. Như vậy, chính trị trước hết là ngay thẳng. Nhưng muốn ngay thẳng thì trước hết phải làm gì? Muốn chính trị được ngay thẳng thì trước hết phải “chính danh”.
Từ Lộ hỏi thầy Khổng Tử nếu như vua nước Vệ giao cho Thầy quản lý chính sự thì việc đầu tiên Thầy sẽ làm là gì? Khổng Tử đáp: “tất nhiên việc đầu tiên là phải chính danh”. Từ Lộ có vẻ không tán thành: “Làm gì có chuyện như vậy, Thầy đúng là trên trời rớt xuống”, “chính danh” cần thiết đến vậy sao!” Khổng Tử bực mình quát: “Nhà ngươi quả là tên hồ đồ, cái gì chưa hiểu thì hãy lắng nghe, chưa chi đã vội nói nắng khiếm nhã. Danh không chính thì nói năng chẳng ai nghe. Nói năng chẳng ai nghe thì công việc sẽ thất bại. Công việc thất bại thì nghi lễ (lễ nhạc) không thể tiến hành được. Nghi lễ không thể tiến hành được thì pháp luật (hình phạt) không thể chính xác được. Luật pháp không chính xác thì dân biết ăn sao nói sao bây giờ”.
![]() |
“Chính danh” là việc hàng đầu và cũng là mục đích cuối cùng. Cho nên hơn ai hết Tề Cảnh Công nhận ra điều đó:
Tề Cảnh Công hỏi Khổng Tử về chính trị. Khổng Tử đáp: “Vua phải ra vua, tôi phải ra tôi, cha phải ra cha, con phải ra con” (quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử). Tề Cảnh Công không giấu nổi vui mừng: “Thiện tai! nếu như vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi, cha chẳng ra cha, con chẳng ra con thì dẫu cho lương thực có chất thành núi đi nữa thì ta cũng không thể có cái mà ăn” (Nhan Uyên).
Theo Phan Bội Châu thì Khổng Tử muốn “nói rằng vô luận vua hay tôi, cha hay con, chỉ cốt người nào cho đúng đạo lý người ấy, chẳng có gì là tuyệt đối cả. Nếu nhà chính trị mà thấy được như thế, có làm gì đến nỗi quốc vong, dân khốn nữa đâu” (1).
Thực ra Tề Cảnh Công vui mừng không phải vì “kết thúc” của “chính danh” mà vì “kết thúc” vì “mục đích” của “chính danh”. “Chính danh” quan trọng đến sự sống còn của thể chế chính trị chứ không phải chỉ là vài cái “tên gọi” suông như Tử Lộ đã cạn nghĩ. Tuy nhiên, không phải chỉ có Tử Lộ mà vua chúa chư hầu các nước lúc bấy có phải ai cũng thực sự “rửa tai” lắng nghe thuyết “chính danh” của Khổng Tử đâu!
Tại sao vậy? Tại vì xã hội Khổng Tử lúc bấy giờ cũng chẳng thiếu gì những thứ chướng tai gai mắt. “Chính danh” của Khổng Tử là muốn kéo cái chướng tai gai mắt, kéo cái “thực” đó trở về với cái “danh”, dựa vào cái “danh” để sửa đổi cái “thực” của cuộc sống cứ hùng hục tiến về phía trước, chẳng quan tâm gì đến cái “danh” cổ lỗ sĩ cả. Cho nên Tuân Tử, nhà tư tưởng cuối cùng ở thời Chiến Quốc (Quách Mạt Nhược) đã “đổi mới” thuyết “chính danh” của Khổng Tử. “Chính danh” của Khổng Tử là muốn kéo cái “thực” về với cái “danh”, còn “chính danh” của Tuân Tử thì lại muốn kéo cái “danh” theo với cái “thực. Chắc Tuân Tử cũng chẳng ngờ rằng ý tưởng của mình đã được đệ tử Hàn Phi, Lý Tư biến thể thành thuyết pháp trị, giúp Tần Thủy Hoàng đại nhất thống thiên hạ. Khác với Khổng Tử, Hàn Phi cho rằng vua quan chẳng cần phải nêu gương đạo đức chân chính gì cả, miễn làm sao nắm cho chắc pháp luật, quyền lực trong tay là đủ. Dùng mọi thủ đoạn, mưu mà chước quỷ để có ngôi vị, để có chức quyền mà lại phải rèn luyện đạo đức, cần, kiệm, kiêm, chính... thì đúng là chủ trương “tréo cẳng ngỗng”, lý luận xa thực tế. Làm vua làm quan mà không ăn chơi, không hưởng phước thì làm vua làm quan để làm gì kia chứ? Cho nên cái mà Hàn Phi cần không phải là “chính danh”, bởi vì có “danh” gì đâu mà “chính”! Đạo đức ư? Chẳng có đạo đức nào cả, “vô đạo đức” (immoral) mới là đạo đức! Hàn Phi thích chơi ván bài “lật ngửa” chứ không thích chơi ván bài “lật úp”. Cho nên thay vì “chính danh” thì chính quyền lực mới là thức thời. Nếu như cần phải “chính danh” thì “chính” từ dưới chứ không phải “chính” từ trên.
Hồ Qúy Ly quan tâm là quan tâm đến quyền lực của mình có “chính” hay không. Vì vậy nên ông đã dịch Nôm, phổ biến thiên Vô dật trong Kinh thiđể tự ví mình như Chu Công Đán, đại công thần thời Tây Chu. Tưởng rằng chính thể của mình như vậy cũng có thể gọi là “chính”, nhưng cuối cùng chính thể của ông ta chỉ vẻn vẹn tồn tại có 7 năm mà thôi. Thực ra đâu phải chỉ Hồ Quý Ly mới mang tiếng đó, ngay cả nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần, trong con mắt của các sử gia phong kiến thì cũng đâu có phải đã là “danh chính”. Chẳng cần “danh” có “chính” hay không, xét về thành tựu xây dựng đất nước cũng như chiến công “hãn mã” của họ trong công cuộc chống ngoại xâm cũng đã xoá nhoà mọi “thị, phi” về cái gọi là “danh” chính hay không chính. “Danh” chính thường dựa vào cái gọi là “cha truyền con nối”, dựa vào huyết thống “con ông cháu cha” gì đó. Hình như dân tộc Việt Nam vẫn chọn “chính danh” hơn là cái “danh” chính theo kiểu đó.
Tuy nhiên, chính quyền lực mà Hàn Phi đã du nhập vào nước Tần lại tỏ ra quá lộ liễu, không “tế nhị” lắm trong thời bình. Chính vì vậy, nên thể chế quyền lực hùng mạnh của nhà Tần cũng chỉ kéo dài không quá 15 năm. Ván bài “úp úp mở mở” xem ra có vẻ được ưa chuộng hơn là ván bài “lật ngửa”. Đói bụng mà kêu la đói bụng là dở, đói bụng mà vẫn hát “cuộc đời vẫn đẹp sao” mới là hay. Vì vậy, nên từ đời Hán về sau thuyết “chính danh” của Khổng Tử lại được phục hưng. Nhưng theo Đàm Tự Đồng thì đó cũng chỉ là phục hưng về hình thức mà thôi, bên ngoài là Khổng Tử, bên trong lại là Hàn Phi (ngoại Nho, nội Pháp).
Thuyết “chính danh” của Khổng Tử đương nhiên là điều hay, nhưng cũng có cái khó của nó. Cái khó của nó là ở chỗ bắt đầu từ trên chứ không phải từ dưới. Có ông vua nào lại khoái “chính danh” bắt đầu từ mình đâu? Quý Khang Tử cũng vậy thôi, ông ta muốn bắt đầu từ dưới trước cho nên mới hỏi ý kiến Khổng Tử:
Quý Khang Tử hỏi Khổng Tử về chính trị, rằng: ”Nếu giết những kẻ xấu xa để xã hội được tốt đẹp, như vậy có được không?”. Khổng Tử đáp: “Ngài nắm quyền hành tại sao cứ phải chết chóc? Nếu ngài tự mình làm điều thiện thì dân chúng tự khắc sẽ làm điều thiện. Người quân tử giống như cơn gió, thổi theo hướng nào thì lau cỏ sẽ ngả theo hướng nấy” (Nhan Uyên).
Tử Trương hỏi về chính trị, Khổng Tử nói: “Những việc gì khó phải tự mình làm trước, phải vất trước thiên hạ” (Tiên chi, lao chi).
Hồ Chí Minh cũng chủ trương “chính danh” phải bắt đầu từ trên chứ không phải từ dưới”
“Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên” (2).
“Tôi lấy thí dụ như trong việc cứu nạn đói, mình khuyên dân 10 ngày nhịn ăn một bữa, mà chính đến ngày nhịn, mình lại cứ chén tỳ tỳ thì nghe sao được. Đáng lý dân nhịn một bữa mình phải nhịn hai bữa mới phải. Về việc khuyến nông cũng vậy, bảo người ta đào đất trồng ngô, trồng khoai mà lúc người ta làm mình lại ngủ thì sao được?”
Hồ Chí Minh đã chỉ ra sự khác biệt cơ bản giữa đạo đức mới và đạo đức cũ là ở chỗ nói và làm, “chính danh” bắt đầu từ trên:
“Bọn phong kiến ngày xưa nêu ra cần, kiệm, liêm, chính nhưng không bao giờ làm mà lại bắt nhân dân phải tuân theo để phụng sự quyền lợi cho chúng” (3).
Đó là căn bệnh trầm kha của xã hội mà nguyên nhân ở chỗ giai cấp thống trị luôn “nhầm lẫn” giữa quyền lợi và chức vụ. Chức vụ thường gắn liền với quyền lợi hơn là nghĩa vụ. Nghĩa vụ chẳng qua cũng chỉ là bình bông trang trí cho đẹp mà thôi. Có quyền có chức thì có tất cả, kể cả đạo đức và trí tuệ tự phong, đâu cần “chính danh” làm gì cho mệt. Chẳng phải ông chủ tịch tỉnh, ông hiệu trưởng cũng như nhiều vị có chức có quyền nào đó tuy miệng không ngớt “hô khẩu hiệu” nhưng trong lòng thì mưu mô, tính toán “cố tranh cho được làm ủy viên này, chủ tịch kia… lo ăn ngon, mặc đẹp, lo chiếm của công làm của tư, lợi dụng địa vị và công tác của mình mà buôn bán phát tài, lo việc riêng hơn việc công. Đạo đức cách mạng thế nào, dư luận chê bai thế nào cũng mặc” (4). Không làm cho dân mến, dân thương mà lại “vác mặt làm quan cách mạng cho dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ” (5)đó sao? Nhưng khổ nỗi thiên hạ lại không “nghe” tôi “nói” mà cứ “xem” tôi “làm”. Cho nên càng hô hào “chính danh” bao nhiêu thì cái “danh” càng xa cái “thực” bấy nhiêu!
Một dân tộc hàng nghìn năm văn hiến lẽ nào lại dửng dưng trước tình trạng xã hội thừa cái “danh” thiếu cái “thực”? Hãy để cho “chính danh” bắt đầu như nó vốn đã được bắt đầu.
Chú thích:
(1) Phan Bội Châu, Khổng học đăng, Nxb Anh Minh, Huế, 1957, tr.78
(2) Hồ Chí Minh, Về đạo đức cách mạng, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.39
(3) Sđđ, tr.41
(4) Sđđ, tr.28
(5) Sđđ, tr.22