Chiến dịch Biên giới năm 1950
Ngày 27 tháng 11 năm 1950, Hội nghị tổng kết chiến dịch Biên giới được tổ chức tại Chợ Đồn, Thái Nguyên. Những đơn vị đã tham dự chiến dịch trên mặt trận chính, các mặt trận phối hợp ở miền Bắc đều về dự đông đủ. Chúng ta còn mời thêm hai đại biểu từ Liên khu 5 và Bình Trị Thiên ra, đồng chí Nguyễn Chánh và đồng chí Trần Quý Hai.
Những tràng pháo tay nổi lên không ngớt khi Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện. Bác đã có mặt ở biên giới từ trước ngày mở chiến dịch. Người cùng đi với dân công, thanh niên xung phong. Người tìm hiểu tâm tư cán bộ, chiến sĩ trước trận đánh. Người ở sở chỉ huy chiến dịch, lên đài quan sát, theo dõi từng giờ những diễn biến của mặt trận và có những quyết định, chỉ thị kịp thời. Trong suốt chiến dịch, với những lời hiệu triệu, những bức thư ngắn gửi bộ đội, đồng bào, mọi người lúc nào cũng như thấy Bác ở bên. Sau chiến thắng, Bác đi thăm thương binh, thăm bộ đội, gặp cả Lơpagiơ, Sáctông trong bộ quần áo cải trang, chuyện trò để tìm hiểu tâm trạng của những viên chỉ huy thất trận…
Bác chính là linh hồn của chiến dịch, linh hồn của chiến thắng.
Bác đã có một bài phát biểu rất quan trọng với hội nghị.
“… Chiến dịch này có nhiều kinh nghiệm, tốt xấu đều có, cần phải tổng kết, phổ biến và học tập. Tóm lại có mấy điểm chính:
Trung ương lãnh đạo sáng suốt. Các cấp địa phương chỉ đạo đúng đắn. Các cơ quan quân, dân, chính đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, hành động nhất trí.
Chiến sĩ ta rất hăng hái, anh dũng. Những gương chặt nốt tay bị thương cho dễ xung phong, ôm thuốc nổ nhảy vào công sự địch, nhịn đói ba bốn ngày vẫn cứ hăng, tích cực và quả cảm chiến đấu… đã tỏ rõ điều đó.
Nhân dân ta rất tốt. Chưa bao giờ có những đoàn phụ nữ Kinh, Mán, Thổ, Nùng… đi tiếp tế vận tải đông đảo như vậy. Khó nhọc, khổ sở, nguy hiểm mà vẫn hăng hái, vui vẻ, dũng cảm. Thật là đáng khâm phục.
Giặc chủ quan, khinh địch, không ngờ ta mạnh như vậy và tiến bộ nhanh như vậy, nên chúng hớ hênh không đề phòng cẩn thận.
… Chớ chủ quan tếu, cho rằng từ nay về sau sẽ thắng lợi mãi, không gặp khó khăn thất bại nữa. Trận thắng này mới chỉ là một thắng lợi bước đầu. (…) Từ nay cho tới khi hoàn toàn thắng lợi, ta còn gặp nhiều khó khăn, có thể còn phải trải qua nhiều thất bại. Đánh nhau có thắng bại là thường. Điều cốt yếu là ta giành được thắng lợi cuối cùng.
… Chớ khinh địch. Không phải địch co lại để nằm yên, mà co lại để nhảy ra.
Chúng ta cố tranh thủ thời gian chuẩn bị. Đó là một điều kiện để thắng đối phương. Trong quân sự, thời gian rất quan trọng… Có tranh thủ thời gian, mới bảo đảm được yếu tố thắng địch. Cũng để tranh thủ thời gian mà hội nghị này phải họp ngắn. Báo cáo phải gọn gàng nêu cho được điểm chính cần thiết, không nên nói dài dòng, mất thì giờ vô ích…”.
Những điều Bác căn dặn không chỉ có giá trị quan trọng trong thời gian sắp tới mà trong cả cuộc chiến tranh.
Chúng ta đã rút ra nhiều bài học lớn từ chiến dịch Biên giới.
Về chỉ đạo chiến dịch, có ưu điểm lớn là chọn dúng điểm đột phá chiến dịch, kiên trì chờ viện, tập trung lực lượng tiêu diệt từng bộ phận quân viện tiến tới tiêu diệt hoàn toàn. Khuyết điểm là không dự kiến được sự tan vỡ của quân địch trên toàn tuyến đường số 4 nên bở lỡ thời cơ tiêu diệt quân địch khi rút chạy.
Trong tác chiến, bộ đội đánh vận động lớn lần đầu rất tốt, chỉ sử dụng những lực lượng không nhiều mà vẫn tiêu diệt được những bộ phận đông quân địch và ít bị tiêu hao. Tuy nhiên, có một số khuyết điểm. Trận Đông Khê, công tác điều tra chưa tốt, không nắm được những hỏa điểm ngầm trong đồn địch, chọn hướng đột phá không đúng, ngày đầu một mũi tiến công đi lạc, nên mặc dù lực lượng ta đông, quân địch trong cứ điểm thấp hơn mức dự kiến (chỉ có 2 đại hội tăng cường) mà trận đánh kéo dài, bộ dội tiêu hao nhiều… Đại đoàn 308 để trống trận địa một ngày bỏ lỡ cơ hội tiêu diện quân viện khi chúng đi qua. Tham mưu không nắm kịp thời địch rút Cao Bằng nên ta không kịp tổ chức đánh địch trên đường di chuyển.
Vấn đề nổi bật trong chiến dịch là chiến thuật đánh điểm diệt viện. Các bạn Trung Quốc đặc biệt coi trọng chiến thuật này. Trước đây do trang bị vũ khí yếu kém, ta chủ trương tránh lực lượng cơ động của địch, chúng bao giờ cũng có hỏa lực mạnh và thường được không quân vào pháo binh yểm trợ. Chúng ta chỉ đánh những trận phục kích nhanh ban ngày nhắm vào những đoàn quân xa, hoặc những đơn vị nhỏ di chuyển. Những trận đánh cứ điểm nhỏ của ta đều phải kết thúc trong đêm…
Công tác tham mưu đã có một bước trưởng thành trong chiến dịch. Tuy cán bộ chỉ huy được đào tạo, rèn luyện qua thực tế chiến đấu, còn mang tác phong của chiến tranh du kích, phương tiện thông tin và trinh sát thiếu thốn, nhưng cơ quan tham mưu đã có nỗ lực lớn trong đánh giá tình hình địch, quán triệt đường lối quân sự của Đảng, phát huy sự hiểu biết và kinh nghiệm giúp Bộ chỉ huy chỉ đạo chiến dịch và hạ quyết tâm kịp thời.
Công tác hậu cần trong chiến dịch giữ một vai trò quan trọng góp phần vào thắng lợi. Đây là lần đầu tiên ngành hậu cần bảo đảm một chiến dịch quy mô lớn và dài ngày trên một địa bàn dân cư thưa thớt và rất thiếu lương thực. Trong toàn chiến dịch, cơ quan hậu cần đã cung cấp 1.886 tấn gạo, thực phẩm, 41 tấn đạn, cấp cứu 1.200 thương binh, nuôi dưỡng 3.500 tù binh. Các địa phương ở Việt Bắc, đặc biệt là hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn đã có đóng góp rất lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi đồng bào ba tỉnh Cao – Bắc – Lạng với lời cảm ơn: “Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ và Quân đội cảm tạ đồng bào”…
Nhân dân tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, mặc dù được giải phóng chưa lâu, còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đã hết lòng đóng góp lương thực cho chiến dịch. Những đoàn xe vận tải của Quân giải phóng Trung Quốc chạy thâu đêm cả tháng ròng trên những con đường cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc.
Cho tới hết năm 1950, ta tiếp nhận của Trung Quốc: 1.020 tấn vũ khí đạn dược, 180 tấn quân trang quân dụng, 2.634 tấn gạo, 20 tấn thuốc và dụng cụ quân y, 800 tấn hàng quân giới, 30 ô tô, 120 tấn xăng dầu và phụ tùng ô tô. Viện trợ của Trung Quốc là nguồn cung cấp quan trọng và hiệu quả cho chiến dịch.
Chiến dịch Biên giới xứng đáng mở đầu cho một thời kỳ mới, thời kỳ chuyển sang phản công và tiến công của quân đội ta. Đây là một chiến dịch vận động tiến công điển hình trong kháng chiến chống Pháp. Đã có một sự trưởng thành trong chỉ đạo chiến dịch, trong nghệ thuật quân sự thể hiện từ khâu chọn điểm đột phá, bày trận chờ địch, điều binh, chuyển hóa thế trận nhanh chóng, tập trung giải quyết những vấn đề then chốt. Chúng ta đã biết khai thác tối đa những sai lầm của địch, vận dụng tốt đa sức mạnh binh lực còn hạn chế của ta, biến kẻ địch mạnh thành kẻ địch yếu, biết khắc phục những sơ suất, những nhược điểm của bộ đội ta lần đầu tiên hành một trận đánh lớn, để cuối cùng giành toàn thắng.
Trong chiến dich, hôm lên đài quan sát theo dõi trận Đông KHê, Bác đã làm một bài thơ chữ Hán.
Đăng sơn
Huề trượng đăng sơn quan trận địa
Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân
Nghĩa binh tráng khí thốn ngưu đẩu
Thệ diệt sài lang xâm lược quân.
Nhà thơ Xuân Diệu dịch như sau:
Chống gậy lên non xem trận địa
Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây
Quân ta khí mạnh nuốt ngưu đẩu
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.
Bản dịch hay, chỉ tiếc hai chữ “sài lang” dịch thành “sói cầy” chưa ổn.
Qua bài thơ hiện lên hình ảnh quen thuộc của Người, phong thái ung dung, tự tại giữa chiến trường, hào khí chiến đấu của các chiến sĩ hòa quyện với khí thiêng sông núi. Được làm ra giữa lúc trận đánh mở màn đang gặp khó khăn, nó là sự tiên đoán chiến thắng to lớn trong chiến dịch. Bài Đăng sơngợi nhớ những câu thơ bất hủ của Lý Thường Kiệt sau khi đánh thắng giặc Tống 900 năm trước, được coi là Tuyên ngôn Độc lập lần thứ nhất của Việt Nam: “ Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”.
Ít ngày sau chiến thắng Cao Lạng, chúng tôi nhận được mấy câu thơ chúc mừng chiến thắng bằng chữ Hán của Chủ tịch Mao Trạch Đông:
Thanh niên đích Việt Nam quân
Nhất minh kinh nhân.
Tạm dịch:
Quân đội Việt Nam trẻ tuổi
Cất một tiếng người người kinh sợ.
Sở Trang Vương thời Đông Chulên làm vua đã ba năm, chỉ ham mê săn bắn, vui chơi với mĩ nữ trong cung. Một triều thần kể với nhà vua câu chuyện: “ Có một con chim lớn, lông đủ năm sắc, đậu trên gò cao nước Sở, đã ba năm nay không bay, không kêu, không biết là con chim gì?” Sở Trang Vương hiểu ý nói: “ Con chim ấy không phải chim thường, ba năm không bay, bay tất cao đến tận trời; ba năm không kêu, kêu tất làm cho người ta khiếp sợ(Tam niên bất minh, Nhất minh kinh nhân)”. Sau đó Sở Trang Vương được xếp vào một trong “ngũ bá” thời Xuân Thu.
Chủ tịch Mao chỉ mượn bốn chữ của người xưa, mà nói lên được chiến thắng vang dội lần đầu của quân và dân ta trong chiến dịch Biên giới.
Chiến dịch Biên giới cũng chính là trận đánh vận động lớn ta khơi luồng đi tới trận đánh quyết định sau này.