Chiếc máy thở
Thành phần tạo nên chiếc máy này là quả bóng thở bóp bằng tay và một mô-tơ đã qua cải biến cùng vài dụng cụ đơn giản khác.
Món quà cho cha…
Cha của anh Đức là ông Võ Văn Tùng, một thương binh 64 tuổi. Tháng 3.2010, do bị biến chứng từ chứng cảm lạnh, ông Tùng nhập viện trong tình trạng suy hô hấp cấp, phải đặt nội khí quản. Gần 5 tháng trời, ông phải sống bằng máy thở tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An. Đến tháng 8, ông Tùng được đưa về nhà, sống bằng quả bóng thở bóp bằng tay, có ống thở luồn vào tận phế quản.
Từ thực tế trên, anh Đức trăn trở: Tại sao mình không sử dụng một dụng cụ chạy bằng điện để thay cho đôi tay cứ phải liên tục bóp quả bóng thở? Vốn có chút kinh nghiệm trong nghề sửa chữa điện dân dụng, anh nghĩ đến một mô-tơ kéo cái đòn để bóp quả bóng thay cho đôi tay. Mô hình được vẽ lên giấy, và anh xác định cần phải tìm cho được một mô-tơ có trục hoạt động như dạng của mô-tơ lò nướng gà, vịt, heo để thực hiện chức năng đó.
Thế là anh Đức xuống tới TP Vinh. Cả ngày trời lục khắp các xó xỉnh nhưng không tìm thấy cái mô-tơ nào phù hợp. Hôm sau, anh chạy lên thị trấn huyện, tìm đến nhà người quen cùng làm nghề sửa chữa điện dân dụng hỏi dò. Người này cho anh một mô-tơ chạy điện 220V, nói có thể dùng được. Anh Đức mang về, chế lại cho nó chạy điện 12V và cho chạy thử một buổi nhưng không bị nóng. Anh mừng thầm. Hai ngày sau, chiếc máy bóp bóng thở được đưa ra chạy thử, nhưng mô-tơ lại chạy với tốc độ kinh hoàng hơn lần trước. Anh tiếp tục mò mẫm 20 ngày để điều chế lại tốc độ quay của mô-tơ, cuối cùng thì nó cũng chịu quay với tốc độ 20 vòng/phút như mong muốn.
Ngày anh Đức mang chiếc máy ra chạy thử, cả xóm đến xem phải trầm trồ. Khi đưa máy thở vào bóp bóng thở cho ông Tùng, chạy được một lúc ông gật đầu ý nói nó chạy tốt hơn, dễ chịu hơn nhiều so với bóp bằng tay vì nhịp thở ổn định. Chiếc máy như món quà anh Đức tặng cha. Máy đã giúp ông Tùng thở đều đặn hơn 4 tháng trời sau đó cho đến ngày ông mất vì bệnh tình quá nặng.
… và giúp người khác
Tính đến nay, anh Đức đã làm đến cái máy thứ ba. Máy thứ hai làm cho một người ở xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), đã chạy gần một tháng nay. “Tháng trước, tui có liên hệ Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh hỏi thủ tục đăng ký để làm tiếp những cái máy khác, vì một số người đang có nhu cầu đặt làm, nhưng họ bảo phải chờ đã. Họ nói cái ni nó liên quan đến y tế nên phải có ý kiến, thẩm định của ngành y trước đã. Vì còn vướng thủ tục nên tui chưa dám làm nhiều, ai cần thì làm giúp thôi”, anh Đức nói.
Cái máy dùng cho ông Tùng nay đang được sử dụng cho ông Hai ở phường Hà Huy Tập, TP Vinh. Ông Hai cũng bị bệnh suy hô hấp, phải thở bằng quả bóng thở bóp tay từ nhiều tháng nay. Anh Đức kể, sau khi ông Tùng mất, người nhà ông Hai hay tin mới chạy lên hỏi mua lại cái máy. Anh Đức không lấy tiền mà biếu lại và xuống tận nhà hướng dẫn người thân sử dụng, điều chỉnh lại tốc độ vòng quay cho phù hợp với nhịp thở của ông Hai. Sau gần hai tháng, đến nay chiếc máy này vẫn hoạt động tốt và chưa có trục trặc gì.
Tuy nhiên, vẫn còn vài điểm cần phải cải tiến ở chiếc máy thở, như nút điều chỉnh nhịp thở, thay đổi lại mẫu mã, hình thức. Anh Đức trăn trở: “Tui đang tìm cách để cải tiến dần. Mong sớm được cơ quan chức năng thẩm định cho phép để tui làm giúp cho những người bệnh. Tui rất hiểu nỗi khổ của người nhà bệnh nhân bị căn bệnh đường hô hấp ni, sự sống của bệnh nhân hoàn toàn phụ thuộc vào sự trợ giúp của người khác, mà việc túc trực để bóp quả bóng thở không phải là điều dễ dàng chi…”.
Giúp kéo dài sự sống cho bệnh nhân Bác sĩ Vũ Ngọc Lân -Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Nghệ An “Tôi đánh cao sáng kiến của anh Đức. Chiếc máy thở cá nhân này ra đời còn giúp giảm được nhiều chi phí, công sức của gia đình bệnh nhân cũng như của bệnh viện. Tôi tin và mong máy thở của anh sẽ được ứng dụng rộng rãi”. Bác sĩ Nguyễn Danh Linh -Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nghệ An |