Chiếc giường chuyển bệnh
Chiếc giường có kích thước bằng với giường y tế đang sử dụng rộng rãi hiện nay, chỉ khác là thêm một khung sắt có chức năng nâng người bệnh lên và có thể trượt đi để đưa bệnh nhân sang giường bên cạnh. Nhờ mẹ vợ nặng khoảng 53 kg làm “bệnh nhân”, anh Phương cho chúng tôi tận mắt chứng kiến sự hoạt động của chiếc giường.
Bệnh nhân nằm trên một miếng vải bố có kích thước bằng với diện tích của giường. Vải bố có gắn móc ở 4 góc, 4 móc này nối với 4 móc trên khung trượt, chỉ cần bấm nút, khung sắt sẽ nâng bệnh nhân lên cao, lúc này bệnh nhân được nằm trên chiếc võng rất êm ái. Sau đó bấm nút khác, khung sắt di chuyển đưa người bệnh sang giường bên cạnh. Bấm nút tiếp theo, khung sắt từ từ hạ xuống, đặt người bệnh lên giường bên kia.
Mất chưa đầy 3 phút để đưa người bệnh từ giường này sang giường kia một cách nhẹ nhàng tiện lợi, chỉ cần một cô y tá và bấm nút, thế là xong. Không cần đến 4 người mạnh khỏe để chuyển bệnh từ giường này sang giường khác như thường thấy ở các bệnh viện hiện nay, đồng thời chiếc giường giúp cho bệnh nhân tránh khỏi những cơn đau khủng khiếp khi phải di chuyển ở trạng thái mất cân bằng. Đó là một trong những mục đích đạt được mà chiếc giường của anh Phương mang lại.
Nói về quá trình sáng chế, anh Phương tâm sự: “Tốn nhiều công sức anh ạ. Sau giờ làm việc ở một cơ sở sửa chữa máy móc tư nhân, tôi tranh thủ về nhà mày mò. Nhiều lần thất bại, nhất là với động cơ cho chiếc giường hoạt động, cuối cùng tôi đã thành công”.
Mong mỏi lớn nhất của anh Phương là mang sáng chế của mình phục vụ cộng đồng, nhất là tại phòng cấp cứu của các bệnh viện. Theo anh Phương, giá thành của một chiếc giường này chừng 10 triệu đồng, một bệnh viện chỉ cần trang bị vài chiếc giường thì việc chuyển bệnh từ giường này sang giường khác sẽ đơn giản và tiện lợi rất nhiều.
Hiện anh Phương đã sáng chế được thêm một chiếc giường tương tự bằng inox, nhẹ, gọn và tiện lợi hơn so với chiếc giường ban đầu mà anh chế tạo. Anh Phương cho biết chiếc giường này đã đoạt được giải khuyến khích trong Hội thi sáng tạo trẻ của tỉnh Đồng Nai vào tháng 12.2010, và anh cũng báo một tin vui là sản phẩm của anh đã được Phòng Quản lý sở hữu trí tuệ - Sở Khoa học - Công nghệ Đồng Nai giúp anh hoàn thành hồ sơ và đã gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chờ xem xét cấp bằng sáng chế.