Chàng trai đất võ thanh lọc nước luộc gỗ
Quy trình công nghệ xử lý này đã đạt Giải thưởng Khoa học kỹ thuật thanh niên lần thứ 18 và được đưa vào ứng dụng cho 15 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp.
Hoài bão của “kẻ mê môi trường”
Sinh ra và lớn lên trên đất võ Bình Định trong một gia đình buôn bán nhỏ nhưng Lê Ngọc Tân lại sớm có sở thích đến với thiên nhiên. Với hoài bão làm được điều gì đó để bảo vệ môi trường cho quê hương, năm 1999, Tân quyết định thi vào Khoa môi trường, ĐH Bách Khoa TP HCM.
Năm 2004 ra trường, Tân về công tác tại Trung Tâm nghiên cứu và kiểm nghiệm tỉnh Bình Định. Vẫn ấp ủ hoài bão từ những ngày trên ghế giảng đường, chàng trai thế hệ 8X này lao vào nghiên cứu khoa học và tập trung vào các đề tài xử lý nước thải.
Năm 2005, trong chuyến công tác tại Khu công nghiệp Phú Tài, thành phố Quy Nhơn, Bình Định, Lê Ngọc Tân nhận thấy ở đây có rất nhiều doanh nghiệp chế biến về lâm sản và vấn đề ô nhiễm do nước thải luộc gỗ gây ra trầm trọng. Tân bắt tay vào nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải luộc gỗ đạt tiêu chuẩn môi trường.
Sau gần một năm, Tân đã nghiên cứu thành công quy trình xử lý nước thải luộc gỗ với dây chuyền công nghệ - thiết bị, chi phí xử lý và trình độ vận hành phù hợp với các doanh nghiệp chế biến lâm sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Mong có nhiều đơn vị áp dụng
Quy trình công nghệ xử lý nước thải luộc gỗ gồm các bước: xử lý sơ bộ, xử lý hóa lý, xử lý sinh học, xử lý hóa học.
Kỹ sư Tân cho biết, nước thải sau khi luộc gỗ được dẫn về bể chứa một. Tại đây, các hạt đất đá, bụi gỗ, mạt cưa sẽ chìm xuống đáy còn váng dầu nổi trên bề mặt được hút ra. Nước sau khi tách dầu được dẫn sang bể điều hòa rồi bơm lên bồn keo tụ lọc thêm một lần nữa.
Sau đó, nước chảy qua bể lọc cát bằng đường ống tự chảy vào bể chứa hai, bể xử lý sinh học hiếu khí. Tại đây, vi sinh vật phân hủy các chất bẩn hữu cơ với hiệu quả xử lý đạt 60 - 80%, sau đó tự chảy sang bể chứa ba.
Ở đây, nước thải được bơm lên bồn oxy hóa. Quá trình oxy hóa sẽ tiêu diệt nốt lượng vi sinh vật, nước thải sau đó đã đạt tiêu chuẩn và được đấu nối vào hệ xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp, hoặc có thể tái sử dụng để luộc gỗ và dùng cho các mục đích khác.
Điểm nhấn của quy trình công nghệ là có khả năng xử lý nước thải luộc gỗ có nồng độ ô nhiễm cao (lớn hơn 3.000 mg/l), điều mà các công nghệ khác chưa thể xử lý được. Hơn nữa, vì là hệ thống bán tự động nên các thiết bị dùng cho xử lý dễ vận hành và sửa chữa, chi phí bảo trì thấp.
Quy trình công nghệ này đã đạt Giải thưởng Khoa học kỹ thuật thanh niên lần thứ 18 và được đưa vào ứng dụng cho 15 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp. Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Định cũng đã cấp giấy đạt tiêu chuẩn môi trường cho quy trình.
Một năm cho một công trình mới không phải là khoảng thời gian quá ngắn nhưng cũng đủ dài để Tân nhận ra để một công trình khoa học được ứng dụng vào thực tế không phải là chuyện “ngày một ngày hai”. Vì thế, mong muốn của Tân là công nghệ xử lý nước thải luộc gỗ này sẽ được nhiều doanh nghiệp biết đến và áp dụng.
Ngành khai thác chế biến lâm sản đang trở thành một ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng trong cả nước. Chỉ riêng ở Bình Định, ngành chế biến lâm sản chiếm hơn 70% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên ngành này mà chủ yếu là nước luộc gỗ cũng trở thành một nguồn gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. |