Chàng thanh niên say mê chế tạo máy
Sinh ra trong một gia đình đông con có hoàn cảnh khó khăn nên học chưa hết cấp II anh Chương đã phải nghỉ học để về làm nông cùng gia đình. Gắn bó với nghề nông, anh luôn trăn trở làm sao để người nông dân đỡ vất vả và sản xuất hiệu quả trên chính đồng ruộng của mình. Từ một người không được học hành nhiều và chưa biết đến khoa học là gì, anh đã bắt tay vào nghiên cứu mày mò để chế tạo máy áp dụng cho sản xuất nông nghiệp. Trong những ngày mới bắt tay vào nghiên cứu và sản xuất chạy thử, nhiều người cho anh là một “kẻ khùng”. Tuy vậy, anh vẫn không nản lòng và năm 2004 anh đã thiết kế lắp ráp thành công chiếc xe đa năng dùng để bơm thuốc bảo vệ thực vật và vận chuyển hàng hóa rất thuận tiện, giảm được nhiều công lao động, tiết kiệm thời gian, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ những thành công bước đầu, anh đã tiếp tục nghiên cứu và cải tiến thành công cần bơm thuốc 2 vòi. Cần bơm này có thể bơm với tốc độ 6-7 ngàn m 3/h và giảm được thời gian và sự tiếp xúc của người lao động khi bơm thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, cần bơm cải tiến của anh Chương đang được bà con nông dân địa phương sử dụng rất phổ biến.
Một điểm nhấn quan trọng nữa trong “sự nghiệp nghiên cứu” của anh Chương đó là năm 2007 khi anh nghiên cứu lắp ráp và chế tạo thành công chiếc máy gieo hạt chân không . Chiếc máy này rất hữu ích cho các nhà nông khi làm vườn ươm công nghệ cao, vì nó rất thích hợp cho rất nhiều loại hạt giống nhỏ mà khi gieo thủ công bằng tay tốn rất nhiều thời gian, công sức và không đảm bảo kỹ thuật. Máy gieo hạt chân không của anh có thể thích hợp với các loại hạt giống có kích thước từ 0,5 đến 3mm như: cải, sú, cà chua, xà lách, củ dền, bó xôi… Anh cho biết chiếc máy gieo hạt này có thể hoạt động thay thế được từ 8 đến 12 lao động trên 1 ngày. Cơ chế hoạt động của máy là chạy bằng năng lượng điện và dùng lực hút chân không để đưa hạt vào bầu (vỉ xốp) và sau đó dịn chặt đất bằng các chân dập tự động. Hiện nay, cơ sở của anh đã xuất xưởng được hơn 50 máy gieo hạt chân không ra thị trường trong và ngoài tỉnh với giá là 56 triệu đồng/1máy.
Đến nay thì bà con nông dân địa phương cũng như những người xung quanh đã rất khâm phục và tin tưởng vào tài năng của “nhà khoa học chân đất” Nguyễn Hồng Chương. Không dừng lại ở đó, sau khi chiếc máy gieo hạt hoạt động thành công và anh cảm thấy vẫn chưa toại nguyện vì công việc của các nông dân làm vườn ươm vẫn còn nặng nề bởi khâu đóng đất vào vỉ rất vất vả và năng suất thấp. Từ đó anh lại tiếp tục nghiên cứu mày mò để cho ra đời chiếc máy dồn đất vào vỉ xốp tự động . Máy tự động hóa, trong 1 giờ có thể đóng được 8 trăm vỉ xốp, thay thế cho 8 nhân công làm cùng thời gian. Như lời ông chủ cơ sở Hồng Chương cho biết thì lợi thế của chiếc máy này là đóng bầu nhanh, đều, đảm bảo độ tơi xốp cho đất trong vỉ và tiêu hao năng lượng ít. Với việc chế tạo thành công chiếc máy tự động dồn đất vào vỉ xốp, anh Nguyễn Hồng Chương đã được trao giải Ba trong Hội thi sáng tạo và kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ IV năm 2008.
Miệt mài nghiên cứu và thành công nối tiếp thành công, Nguyễn Hồng Chương đã lắp ráp cải tiến thành công chiếc máy xay đất mùn liên hợpdùng để xay đất mùn trộn vào giá thể đóng bầu. So với máy cũ thì máy cải tiến của anh Chương có nhiều ưu điểm như: đất sau khi xay đạt độ mịn hơn, tiêu hao ít nhiên liệu hơn và năng suất hoạt động cao hơn.
Sau gần 6 năm nghiên cứu lắp ráp, chạy thử và thí nghiệm thành công, đến nay “Kỹ sư tay ngang”, Nguyễn Hồng Chương đã chế tạo, lắp ráp, cải tiến thành công nhiều loại máy móc tự động áp dụng cho sản xuất nông nghiệp từ khâu xay đất, dồn đất vào bầu, gieo hạt đến bơm thuốc bảo vệ thực vật và vận chuyển. Các máy móc do anh chế tạo, cải tiến hiện nay không chỉ có mặt ở địa phương, trong tỉnh mà được bà con nông dân ở nhiều vùng trên cả nước đặt mua tiêu thụ như, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc… Cơ sở của anh hiện nay đang tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định cho 10 lao động.
Nhận xét về anh, ông Nguyễn Văn Tiến – Chủ tịch xã Lạc Lâm – Đơn Dương, cho biết: “Anh Nguyễn Hồng Chương là một nông dân tiêu biểu, điển hình trong xã. Từ hai bàn tay trắng anh đã vươn lên mày mò học hỏi và sản xuất ra các loại máy móc giúp ích cho nhà nông và tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương. Chúng tôi sẵn sàng tạo mọi điều kiện để anh Chương tiếp tục mở rộng nhà xưởng, quy mô sản xuất để đóng góp nhiều hơn nữa cho nông dân địa phương.”
Tuy đã có những thành công rực rỡ trong việc nghiên cứu, lắp ráp, chế tạo ra các loại máy móc để đưa khoa học công nghệ áp dụng trong nông nghiệp, nhưng anh Chương vẫn chưa dừng lại ở những kết quả đã đạt được của mình. Anh cho biết: “Với tôi bấy nhiêu thôi là chưa đủ, hiện nay tôi đang đầu tư nhà xưởng, tiếp tục nghiên cứu, chế tạo chạy thử để cho ra đời nhiều loại máy sử dụng trong nông nghiệp khác để đáp ứng nhu cầu thiết thực cho người nông dân. Những ý tưởng cũng như mô hình phác thảo tôi đã có nhưng giờ còn thiếu vốn và mặt bằng xây dựng nhà xưởng để sản xuất. Tôi sẽ cố gắng để cho ra đời những sản phẩm tiếp theo trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra tôi còn muốn mở rộng nhà xưởng để dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho thanh niên và những lao động thiếu việc làm tại địa phương”.
Với những thành tích đã đạt được trong lĩnh vực nghiên cứu và chế tạo các loại máy áp dụng trong sản xuất nông nghiệp cũng như những đóng góp của anh trong các hoạt động tại địa phương, anh Nguyễn Hồng Chương đã được UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước 2005 – 2010. UBND Đơn Dương cũng đã tặng giấy khen “Nông dân điển hình tiên tiến 2005 – 2010”. Anh cũng đã vinh dự được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Đình Của và giấy chứng nhận “Điển hình sáng tạo Việt Nam” do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cấp.