Chàng kỹ sư “10 tỉ đồng”
Luôn mang trong mình mong muốn được làm việc trên mảnh đất quê hương nên năm 2004, sau khi tốt nghiệp khoa Tự động hóa, ĐH Bách khoa Hà Nội, Hoàng Ngọc Thoan đã về làm việc tại Nhà máy gạch ceramic của Công ty cổ phần gốm sứ và xây dựng Cosevco Quảng Bình. Đây là Nhà máy gạch ceramic duy nhất trên địa bàn có công suất 1 triệu m2 sản phẩm mỗi năm, sử dụng công nghệ sản xuất đồng bộ của Ý. Nhiên liệu chủ yếu để đốt lò sấy phun, sấy đứng và lò nung là dầu diesel. Mỗi năm, Nhà máy gạch ceramic sử dụng 2.720.000 lít dầu. Trong cơ cấu giá thành sản phẩm của gạch ceramic thì nhiên liệu dầu chiếm hơn 50%.
Nhiều giải thưởng Kỹ sư Hoàng Ngọc Thoan từng được bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Bình lần thứ 2, giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Bình lần thứ 3; danh hiệu "Người thợ trẻ giỏi toàn quốc năm 2009" do T.Ư Đoàn tổ chức lần thứ I tại Hà Nội và nhiều danh hiệu, kỷ niệm chương khác. Hiện anh Thoan đã chuyển đến làm việc tại Công ty xăng dầu Quảng Bình, hằng ngày anh vẫn chăm chú làm việc, học tập và tìm tòi nhằm mang lại lợi ích cho công ty. |
Trong thời điểm ấy, sự biến động của giá xăng dầu đã tạo áp lực lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh cũng như hiệu quả kinh tế của công ty. Một vấn đề mang tính chất "sống còn" đặt ra cho công ty: muốn duy trì sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường tạo hiệu quả kinh doanh thì nhất định phải ứng dụng tiến bộ khoa học và cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ. Cốt lõi là tìm ra được nguồn nhiên liệu khác thay thế dầu diesel có giá thành rẻ và mang tính ổn định hơn. Công ty họp bàn đề ra ý tưởng, trách nhiệm phần nào đặt nặng lên phòng kỹ thuật.
Anh Thoan cho biết: "Với phương pháp cũ tốn rất nhiều nhiên liệu dầu trong khi giá cả ngày càng tăng. Vì vậy, khi chúng tôi đưa ra ý tưởng sử dụng phương pháp mới là dùng than đá thay thế dầu diesel, lãnh đạo công ty nhất trí cao và tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi thực hiện".
Một lãnh đạo nhà máy cho hay trước đây sử dụng công nghệ đốt bằng dầu diesel thì mỗi ngày mất khoản chi phí gần 90 triệu đồng, hiện nay chỉ tiêu tốn 45 triệu đồng, tiết kiệm được khoảng 40 triệu đồng. Như vậy, việc ứng dụng công nghệ mới đã làm lợi cho nhà máy trên dưới 10 tỉ đồng mỗi năm.
Nói về công việc thì anh say sưa nhưng khi hỏi đến chuyện riêng tư, chuyện thành tích thì anh lại tỏ ra dè dặt. Tuy nhiên, "bộ sưu tập" của chàng kỹ sư tuổi 30 này khiến nhiều người nể phục.