"Cha đẻ" của những giống lúa mới
Xuất thân từ lính quân y, trải qua nhiều nghề nhưng cuối cùng, anh Tính lại gắn bó đời mình với cây lúa. Lúc đầu, anh trồng các giống lúa 98, 99, 1960, AS996,... năng suất tương đối ổn định nhưng có nhiều nhược điểm (khả năng thích nghi chưa cao, kháng bệnh thấp...). Từ đó, anh luôn băn khoăn, trăn trở làm sao nâng cao năng suất cây trồng mà vẫn giữ được đặc tính tốt của nó.
Sau khi được tham dự lớp tập huấn kỹ thuật, tìm hiểu kỹ năng trồng cây do ngành chức năng tổ chức, anh mạnh dạn lai tạo giống lúa mới. Với niềm đam mê nghiên cứu, cộng với bản lĩnh, sự siêng năng, chỉ sau một thời gian anh đã lai tạo thành công giống lúa mới có tên HĐ1. Anh cho biết: “HĐ1 được lấy từ dòng phân ly hệ F2: mẹ AS96 kết hợp với bố MTL156 (miền Tây lúa 156), trải qua thời gian dài nghiên cứu, chắt lọc đã cho ra giống lúa thuần HĐ1”.
Sau khi đưa vào thực nghiệm, HĐ1 được đánh giá là giống lúa có nhiều đặc tính ưu việt như thời gian sinh trưởng ngắn (89-92 ngày); năng suất cao (6-8 tấn /ha); gạo dẻo, thơm, ngon; khả năng chống chịu sâu bệnh khá; ít đổ ngã; thích nghi trên nhiều loại đất và tốn ít phân bón. HĐ1 còn được đánh giá là giống lúa kháng rầy, phèn, mặn tốt nên được bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long ưa chuộng và đưa vào sản xuất trên diện tích lớn.
HĐ1 đã được anh Tính đăng kí khảo nghiệm giống quốc gia tháng 12/2006 và vượt qua các cuộc khảo nghiệm về giá trị canh tác và sử dụng (VCU), tính khác biệt, tính đồng nhất và ổn định (DUS), là 1 trong 10 giống lúa có triển vọng. Anh cho biết: “Hồ sơ đăng kí công nhận HĐ1 là giống mới cấp quốc gia đã hoàn tất, tôi đã nộp cho Cục Trồng trọt (Văn phòng phía Nam) để tiếp tục trình Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận cho sản xuất thử”. Ông Lê Thanh Tùng, cán bộ Cục Trồng trọt cho biết: “HĐ1 sẽ được công nhận cho sản xuất thử trong quý I /2009”.
Ngoài HĐ1, anh Tính còn lai tạo thành công một số giống lúa mới như HĐ6, HĐ8, HĐ9 và đang đưa vào sản xuất thử nghiệm. Ngoài những đặc tính ưu việt như HĐ1, các giống lúa trên còn có khả năng kháng bệnh bạc lá, chất lượng gạo thơm ngon, thời gian sinh trưởng 85-90 ngày, năng suất 7- 8 tấn/ha. Không dừng lại ở đó, anh còn tiếp tục lai tạo tổ hợp lai L550 (MTL550) chọn dòng F3 hè thu 2008 với thời gian sinh trưởng 93 ngày, chiều cao cây 88cm, bông trung bình, hạt dài; và tổ hợp L516 có thời gian sinh trưởng 98 ngày, chiều cao cây 98cm, bông trung bình, hạt nở...
Với những thành công trong việc lai tạo giống lúa, anh Tính đã được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cấp giấy chứng nhận Điển hình sáng tạo Việt Nam về công trình lai tạo giống năm 2007. Năm 2008, tại Hội thi đa dạng giống cây trồng, giống lúa của anh đoạt giải nhất.
Khi hỏi về dự định trong tương lai, anh tâm sự: “Tôi sẽ tiếp tục lai tạo giống và phục tráng các giống lúa tốt ở địa phương. Hiện tôi đang ấp ủ phục tráng giống Jasmine85 đã bị lẫn nhiều tạp chất nhằm đưa giống lúa này trở về những đặc tính ban đầu: thơm, dẻo, năng suất 7- 8 tấn/ha, thích nghi với vùng đất nhiễm phèn...”.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc bao tiêu sản phẩm, nhưng với niềm đam mê sáng tạo, hy vọng trong thời gian tới anh Tính sẽ lai tạo thành công nhiều giống mới có chất lượng cao, góp phần giúp bà con chuyển đổi cơ cấu giống và nâng cao năng suất lúa vùng đất “chín rồng”.