"Cha đẻ" của 3 loại máy nông nghiệp
Chế tạo máy vì thương bà con
Văn Đức Huynh sinh ra ở Quảng Trị, vùng đất khô cằn, sỏi đá. Khi thấy nông dân mỗi vụ thu hoạch ngô phải dùng tay tách hạt hết sức cực khổ lại tốn nhiều thời gian, công sức, anh luôn đau đáu phải làm thế nào để giảm bớt gánh nặng cho bà con. Nghĩ vậy, đầu năm 2004, anh bắt đầu mày mò chế tạo máy tách hạt ngô.
Không phải là thợ cơ khí, cũng chưa từng được đào tạo nên việc bắt tay thực hiện ý tưởng gặp muôn vàn khó khăn.
Thời gian đầu, suốt ngày anh hì hục với những miếng sắt vụn, rồi xì xoẹt hàn tiện. Vất vả một thời gian dài, chiếc máy cũng hoàn thiện đúng mùa bà con thu hoạch ngô. Để thử nghiệm, anh lấy ngô nhà mình rồi kéo máy vào trong nhà dân, xin bà con cho chạy thử. Cứ như vậy, vụ này qua vụ khác, anh Huynh cặm cụi kéo máy đến từng nhà dân. Vừa phục vụ bà con trong vùng, anh vừa sửa chữa những khiếm khuyết để chế tạo ra chiếc máy hoàn hảo.
Năm 2007, máy tách hạt ngô của anh Huynh hoàn thành với năng suất tách hạt đạt 250 - 300kg/giờ, có thể thay thế 8 - 10 lao động. Anh Huynh chia sẻ: “Máy tách hạt ngô hoạt động theo nguyên lý tương đối đơn giản. Khi trục chính quay, bắp ngô sẽ quay theo, ở thanh trượt dẫn hướng có bộ phận điều chỉnh để tách hạt. Hạt theo máng dẫn, còn cùi thì theo thanh trượt ra ngoài. Cấu tạo của máy cũng không quá phức tạp, gồm một trục chính, một rãnh dẫn hướng trong lồng sắt với bánh đà, thanh trượt. Thân cao 0,75m, rộng 0,4m, dài 0,6m, chiều dài trục chính 0,5m, nặng khoảng 45kg”.
Anh tự hào: “Tui phải mất gần 4 năm mới hoàn thành được chiếc máy ni. Cứ tới mùa bắp (ngô) là tui lại kéo máy đi khắp nơi, bà con thấy tui xuống là giúp đỡ nhiệt tình, đem ngô ra để cho tui thử nghiệm. Dù hoạt động rất hiệu quả, nhưng tui không nghĩ lại sớm được bà con tiếp nhận đến vậy”.
Vang danh Nam - Bắc
Sau khi máy tách hạt ngô hoàn thành, anh tiếp tục tìm hiểu, chế tạo máy tuốt lạc và máy cắt đa năng. Anh bảo: “Chịu khó mày mò tui thấy tính năng có khác nhưng nguyên lý hoạt động không khác nhau là mấy nên làm 2 máy sau nhanh hơn”.
Theo anh Huynh, máy tuốt quả lạc hoạt động theo nguyên lý động cơ máy nổ truyền chuyển động qua bánh đai và dây đai làm 2 trục chuyển động ngược chiều. Người vận hành nắm thân cây lạc đưa qua rãnh tuốt, quả sẽ theo máng ra ngoài ở phía trước. Máy sử dụng động cơ điện 1-1,5KW, hoặc có thể sử dụng máy nổ.
Máy tuốt lạc cũng lần đầu tiên có mặt trên thị trường Quảng Trị. Thân máy cao 0,9m, rộng 0,4m, dài 0,8m, chiều dài trục chính 0,5m, tốc độ trục quay 1.100 -1.300 vòng/phút, máy có thể tuốt khoảng 150 - 250kg quả/giờ, tương đương 8-9 lao động.
Riêng máy cắt đa năng lại được anh Huynh chế tạo khá linh hoạt. Anh cho biết: “Máy có thể cắt sắn, khoai, chuối... thành từng lát mỏng. Máy phù hợp với mọi địa hình và hộ gia đình có nhu cầu sử dụng. Máy hoạt động theo nguyên lý cơ điện truyền chuyển động qua bánh đà và dây đai làm quay trục chuyển động có gắn đĩa chứa 3 lưỡi dao cắt, người vận hành chỉ cần đưa nguyên liệu vào cửa máng, vòng quay của lưỡi dao sẽ cắt nguyên liệu và chuyển ra ngoài”.
Vừa nghiên cứu thử nghiệm, anh Huynh vừa đến từng nhà dân tiếp thị máy. Đến nay, 3 sản phẩm máy cắt, tách, tuốt do anh tự sáng chế không chỉ tiêu thụ tại Quảng Trị mà còn bán rộng rãi trên thị trường cả nước. Với giá bán trung bình 4 triệu đồng/chiếc, anh thu lãi khoảng 500.000 đồng.
Máy do anh Huynh chế tạo từng đoạt giải 3 Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ nhất do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức và được mang đi tham dự Hội chợ Nông dân sáng tạo ở TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) năm 2008 và Hội chợ Techmart tại Đà Nẵng (2007), Lạng Sơn (2008), Chợ Techmart VN ASEAN + 3 (2009).
Anh Huynh tâm sự: “Khi sản phẩm do mình sáng chế, cải tiến được bà con ưng, tui vui lắm. Cũng chính vì được bà con đặt niềm tin nên tui sẽ cố gắng sáng chế ra máy móc giúp nông dân bớt phần khổ cực”.