Cây tầm phỏng
Theo Y học cổ truyền, Tầm phỏng có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, mát huyết, giải đọc, tiêu sưng, giảm đau. Sách Nam Dược Thần Hiệucủa Tuệ Tĩnh viết: để trị trúng phong cho phụ nữ có thai hoặc sau khi đẻ thì lấy lá Tầm phỏng giã nát, chế đồng tiện (nước tiểu của trẻ em khoẻ mạnh), rồi vắt lấy nước cốt cho uống. Lãn Ông dùng lá Tầm phỏng giã đắp vết thương, sưng tấy, hoặc đun nước tắm để trị chốc lở, viêm mủ da. Ngày dùng 20 - 40g, sắc uống. Rễ Tầm phỏng làm ra mồ hôi, hạ nhiệt, lợi tiểu, gây nôn và nhuận tràng (Ấn Độ).
Cây Tầm phỏng có tên khoa học Cardiosspermum halicacabumL., thuộc ho Bồ hòn (Sapindaceae). Đây là cây thảo (H.1), mọc trườn hoặc leo bằng tua cuốn, thân mềm dài đến 3 - 4m, màu xanh, có khía dọc. Lá mọc so le, kép hai lần hình lông chim, dài 5 - 12cm, lá chét hình trứng, phân thuỳ, có răng cưa tù. Lá kèm hình mũi mác, rụng sớm. Cụm hoa là một chùm ngắn ở kẽ lá, dài 7 - 15cm, cuống cụm hoa có 2 tua cuốn mọc đối, nhiều lông ngắn. Hoa nhỏ, lưỡng tính, màu trắng; Lá đài 4, rời, hình trứng đến tròn, dài 1 - 2,5mm; Cánh hoa 4, hình trứng ngược đến tròn, kích thước 1,5 - 2 x 1 - 2mm. Triền tuyến mật gồm 4 u lồi, không có lông. Nhị 8, chỉ nhị dài tới 2,5mm, màu nâu nhạt, bao phấn hình bầu dục, dài 0,5mm. Bầu 3 ô, mỗi ô có một noãn, đính noãn trung trục, vòi nhuỵ phân 3 thuỳ. Quả nang, ba ô, vỏ quả mỏng, phồng to trông như chiếc đèn lồng màu xanh lục (H. 2). Hạt gần hình cầu, đường kính khoảng 4mm, phía rốn hạt có cáo hạt giả hình tim màu trắng. Cây mọc hoang khắp nơi trong nước ta, ở ven đường, bờ bụi, đồi cỏ, hoặc bãi hoang.