Cày hai lưỡi của ông Bốn Vấn
Tên thật của ông là Đào Văn Huy, năm nay 64 tuổi ở thôn 1, xã Nghĩa Lâm, H.Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Tuy nhiên, hỏi tên thật rất ít người biết, mà đã từ lâu người dân trong làng vẫn quen gọi tên “cúng cơm” mà cha mẹ đặt cho ông là Bốn Vấn.
“Xã Nghĩa Lâm ngày nay đổi thay rất nhiều, nông dân đã có của ăn, của để, con cái được đến trường chứ ngày trước khổ lắm. Nhà nào cũng nghèo xơ xác, quanh năm đầu tắt mặt tối mà vẫn không đủ ăn nói chi đến chuyện học hành”, ông Bốn Vấn nhớ lại.
Ước mơ cháy bỏng được học hành đến nơi đến chốn đành phải gác lại khi chưa hết cấp 2, ông Bốn Vấn cùng cha mẹ, anh chị ra đồng. “Con trâu đi trước, cái cày đi sau” - hình ảnh mãi đến bây giờ ông không thể nào quên. Nghĩa Lâm ruộng lúa thì ít nhưng đất trồng mía, mì thì nhiều nên từ lâu được xem là “thủ phủ” của cây mía ở Quảng Ngãi. Làm ruộng lúa vất vả một thì trồng mía vất vả mười. Chỉ khâu làm đất, mỗi lần muốn phá gốc mía cũ để trồng mới không thể dùng trâu, bò cày được mà chỉ dựa vào sức người dùng cuốc phá từng gốc mía, tốn rất nhiều thời gian, công sức. Ông Bốn Vấn bộc bạch: “Nhìn những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt, ướt đẫm cả áo của vợ đang cố sức bổ những nhát cuốc thật sâu để đánh bật gốc mía, tui thương lắm nhưng cũng chỉ biết động viên ráng thôi bà ơi”.
Dù học hành ít nhưng ông Bốn Vấn là người rất sáng dạ (từng làm thợ may, thợ mộc rất giỏi) nên luôn ao ước “giá gì làm ra được một công cụ thay thế cho sức người đỡ tốn nhiều mồ hôi, công sức với ruộng đồng”. Ao ước thì có thừa nhưng cái khó đối với ông là mọi thứ đều bắt đầu từ con số 0. “Đang loay hoay không biết bắt đầu từ đâu thì một nông dân trong thôn mua dàn cày 2 lưỡi về gắn vào chiếc máy kéo, nhưng khi cày phá bỏ gốc mía, lưỡi cày không ăn sâu xuống mà cứ trợt trợt trên mặt đất nên kêu tui đến xem thử. Chỉnh sửa mãi, rốt cuộc đành chào thua”, ông Bốn Vấn kể. Không sửa được dàn cày cho người nông dân kia nhưng đó chính là cơ duyên đem lại sự thành công cho Bốn Vấn chế tạo dàn cày làm đất đa năng và trở thành “kỹ sư chân đất” của làng.
Trở thành “kỹ sư làng”
Có được ý tưởng, năm 1997, ông Bốn Vấn bắt tay ngay vào công việc. Nhưng ngặt nỗi xã Nghĩa Lâm chưa có điện nên để chế tạo ra dàn cày là cả một kỳ công, khó nhọc và đầy vất vả không chỉ mình ông mà cả vợ. “Dụng cụ trong nhà lúc ấy chỉ là một cái cưa sắt cũ mèm nên hai vợ chồng cứ cút ca, cút kít, mấy ngày trời mới cưa đứt được những thanh sắt to tướng mà muốn rớt cả tay”, bà Thu, vợ ông kể.
Cả tháng trời ròng rã, mày mò nghiên cứu, đạp xe vượt hơn 20 km lên xuống TP Quảng Ngãi (lúc đó là thị xã) không biết bao nhiêu lần để vừa thuê làm những bộ phận mà ông không có dụng cụ làm, cũng vừa để “học lỏm” cái đang bí. Cuối cùng, dàn cày đầu tiên đã “xuất xưởng” nhưng cả nhà đều mừng hụt vì khi đem ra cày thử gốc mía vẫn... còn nguyên dưới đất! Ông Bốn Vấn đi tới, đi lui thẫn thờ không hiểu vì sao, còn vợ con mặt mày buồn thiu. “Khó mấy cũng phải làm cho bằng được”, ông nói như đinh đóng cột. Thêm một tháng nữa, rã cả dàn cày ra nghiên cứu ông mới biết mình chẳng hiểu gì về nguyên lý cơ khí cả nên cày không ăn sâu theo ý muốn được, bởi thanh kéo và thanh đẩy cự ly không phù hợp.
Thực ra, dàn cày làm đất đa năng của ông Bốn Vấn chế tạo có những bộ phận chính như thanh đẩy, thanh kéo, khối chữ A để nối bệ gắn vào phía sau máy kéo, khung trượt hình chữ nhật... Tuy những chi tiết rất đơn giản nhưng để lắp ráp sao có thể điều chỉnh được độ nông, sâu trong khi cày và khoảng cách giữa các hàng theo ý muốn là điều không dễ chút nào. Ưu điểm là chung trong một cụm thiết bị nên tháo lắp rất dễ dàng, nhanh chóng; hai trạnh cày nối so le, mỗi đường cày rộng 70 - 80 cm, có thể điều chỉnh độ xuyên của trạnh cày để thích ứng với từng loại chân đất, điều chỉnh được độ sâu từ 20 - 30 cm. Để đường cày sát bờ, chỉ cần thao tác nhẹ nhàng là nới 4 bu-lông dịch chuyển sang một bên. Việc kéo hàng và điều chỉnh cỡ hàng cách hàng phù hợp với từng loại cây trồng như mía, bắp, mì cũng đơn giản, chỉ cần dịch chuyển lưỡi cày rộng hoặc hẹp tùy ý dọc theo hàng bu-lông đã định sẵn kích cỡ trên thanh trượt.
Anh Tôn Long Tùng, một nông dân cứ tấm tắc khen: “Dàn cày làm đất đa năng của ông Bốn Vấn là số dách ở xứ này đó, đường cày lật úp rất đẹp, cày được sát bờ, sát góc mà các loại cày hiện đang bán trên thị trường không làm được”. Không chỉ anh Tùng mà hơn 100 nông dân các vùng lân cận đã mua dàn cày đa năng của ông Bốn Vấn (giá khoảng 8 triệu đồng/dàn) đều có nhận xét như vậy.
Hơn 10 năm trở thành “kỹ sư”, nhà ông Bốn Vấn giờ trở thành xưởng cơ khí nho nhỏ nằm khuất sau con đường làng. Khi nghe hỏi sao không đem sáng chế của mình đi dự thi hoặc đăng ký “bản quyền”, ông Bốn Vấn cười mộc mạc: “Tui nông dân quê mùa, nghĩ sao làm vậy chứ có sáng kiến, sáng chế gì đâu mà đăng ký. Ai biết đến đặt thì làm và làm đến chừng nào già hết sức thì thôi. Rảnh rỗi còn sửa chữa những hỏng hóc của động cơ máy móc nông nghiệp giúp nông dân, kiếm đồng ra đồng vào”.