Cây bách bệnh
Bách bệnh, hay Bá bịnh (tên Việt Nam ); Tho nan (Lào, Tày); Antongsar (Campuchia) là cây gỗ nhỏ, cao 4 – 8 m hoặc hơn, thân nhỏ ít phân cành. Lá kép hình lông chim lẻ, mọc so le, gồm 13 đến 41 lá chét mọc đối, hình mác hay bầu dục, gốc lá thuôn, đầu nhọn, mặt trên bóng, mặc dưới có lông màu xám, cuống rất ngắn. Cụm hoa là một chùm kép ở ngọn thân hoặc đầu cành, cuống có lông màu gỉ sắt. Hoa màu vàng, đơn tính khác gốc; đài hoa gồm 5 – 6 lá đài nhỏ hình tam giác, có tuyến ở lưng, 5 cánh hoa cũng có tuyến nhị 5, bầu có 5 lá noãn, hơi dính nhau ở gốc. Quả hạch, hình trứng, dài 1 – 2 cm, rộng 0,5 – 1cm, nhẵn, có rãnh dọc, khi chín màu đỏ sẫm, chứa một hạt.
Cây bách bệnh phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới Nam Á và Đông Nam Á, từ Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Myamar, Thái Lan, các nước Đông Dương, đến Indonesia, Malaysia và Philippines. Ở Việt Nam , cây này mọc phổ biến trong rừng thưa ở Tây Nguyên và miền Trung, cũng có ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Vỏ thân và gỗ Bách bệnh có vị đắng, chứa các hợp chất quassinoid như eurycomalacton, các triterpen loại tirucalan như niloticin, dihydroniloticin. Các alcaloid loại canthin – 6 – on và carbolin. Từ rễ đã phân lập được eurycomanol.
Nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng dược lý của cây Bách bệnh đã được các nhà khoa học của Malaysia , Thái Lan và Mỹ công bố. Các tác giả đã đề cập đến tác dụng tăng cường khả năng sinh dục nam, do làm tăng testosteron trong huyết thanh. Lượng testosteron cao ở tuổi 20, sau đó giảm dần hằng năm. Hoạt chất của cây Bách bệnh giúp tăng cường mức testosteron bị thiếu hụt ở nam giới tuổi trung niêm trở lên. Rễ có tác dụng mạnh hơn.
Các quassinoid từ rễ còn có tác dụng diệt ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparumở bệnh nhân đã kháng chloroquin.
Theo kinh nghiệm dân gian, vỏ cây Bách bệnh dùng chữa chứng ăn không tiêu, nôn mửa, tiêu chảy, kiết lỵ, lưng đau mỏi do thấp (ngày dùng 6 – 12 gam dưới dạng thuốc sắc). Quả dùng chữa lỵ. Nước sắc của lá dùng tắm ghẻ, trị lở ngứa. Ở Campuchia, rễ Bách bệnh được dùng để trị giun, chữa ngộ độc và giải độc rượu. Ở Indonesia , nước sắc của lá hoặc vỏ thân Bách bệnh được dùng để chữa bệnh sốt rét.
Toàn cây đều dùng làm thuốc và có thể chữa trị được nhiều chứng bệnh nên mới có tên là Bách bệnh (bách là trăm).
Đây là một cây thuốc quý, mọc hoang dã trong tự nhiên, nhưng khả năng sinh trưởng chậm, nên chú ý bảo vệ và phát triển (trồng từ hạt) để có nguồn nguyên liệu khi cần.
Nguồn Thuốc & Sức khỏe, số 329, 1/4/2008, tr 25.