Cây Ba chẽ
Ba chẽ là cây bụi nhỏ, sống lâu năm, thân tròn, phân nhiều cành. Cao từ 0,5 – 2,5 m. Cành non hình tam giác dẹt, có nhiều lông màu trắng, khi già hết lông trở thành tròn nhẵn. Lá kép, mọc so le có 3 lá chét, lá chét giữa to hơn. Phiến lá chét nguyên, hình trứng hoặc hình thoi, bầu dục. Cả hai mặt lá đều có lông mềm, nhưng mặt dưới lông dày, dài và mềm hơn, có màu ánh bạc rất dễ nhận ra khi nhìn xa. Các lá non ở ngọn có lớp lông tơ màu trắng bạc phủ kín. Hoa ở kẽ lá mọc thành chùm ngắn. Hoa nhỏ, màu trắng, mỗi chùm có 10 – 12 hoa. Quả đậu, không cuống, thắt lại giữa các hạt thành 2 – 3 đốt. Vỏ quả có lông mềm, màu trắng bạc, trong chứa 3 – 5 hạt hình thận, màu vàng xanh, dài 2,5 – 3mm, rộng 1,5 – 2mm, cuống hạt dai dính vào vỏ; vỏ quả rất dai không tự mở như các loại quả trong họ đậu. Mùa hoa: tháng 7 – 9. Mùa quả tháng 10 -12. Tháng giêng năm sau quả bắt đầu khô. Hạt thường bị chuột, kiến, gà ăn. Trẻ em chăn trâu thường tuốt quả già về phơi khô rang đến khi có mùi thơm, xát bỏ vỏ ngoài lấy hạt ăn ngon như đậu tương rang. (Ăn nhiều vòa lúc đói có thể say).
Ba chẽ là cây mọc hoang nơi đất ẩm, nhiều ánh sáng ở trung du miền núi, thường gặp từng bãi dưới chân núi, chân đồi, ven rừng thứ sinh (tới độ cao 1.000 so với mặt biển).
Thành phần hóa học
Lá Ba chẽ có alcaloid, axit hữu cơ, flavonoid, tanin.
Tác dụng dược lý
Tác dụng kháng sinh: lá Ba chẽ thu hái vào các tháng mùa hoa: 7, 8, 9. Chiết bằng dung môi nước, có tác dụng kháng sinh rõ rệt với trực khuẩn lỵ Shegella shigaevà Sh. Dysenteriaecó tác dụng ức chế với tụ cầu vàng Staphylococcus aureus- ức chế yếu với trực khuẩn lỵ Shigella flexnerivà Sh. Sonnei;vi khuẩn ruột. Nếu chiết bằng dung môi cồn thì tác dụng kháng sinh kém hơn.
Tác dụng gây thu teo tuyến ức chuột cống non: khá mạnh (làm giảm sức đề kháng).
Tác dụng chống viêm: rõ rệt với cả 2 giai đoạn cấp và bán cấp của phản ứng gây viêm thực nghiệm.
Độc tính
Lá Ba chẽ không độc trong các thử nghiệm độc tính cấp và bán cấp.
Lá Ba chẽ tươi hoặc phơi sấy khô còn màu xanh (hái vào 3 tháng ra hoa) đều có tác dụng. Nếu khi phơi sấy hoặc bảo quản làm mất màu xanh (lá vàng, bạc màu) thì kém hoặc mất tác dụng.
Công dụng
Theo kinh nghiệm dân gian, lá Ba chẽ dùng chữa rắn cắn và đi tiêu lỏng, lỵ có kết quả.
Chữa rắn cắn: lá Ba chẽ tươi một nắm, giã nát hoặc nhai nuốt nước, lấy bã đắp vào chỗ rắn cắn.
Chữa đi lỏng, lỵ: hái khoảng 300 – 400g lá Ba chẽ tươi, cắt nhỏ, sao khô rồi sắc với nước để sôi trong 30 phút, bỏ bã, cô lại còn 300 ml chia làm 3 lần uống trong ngày đến khi khỏi (trung bình từ 5 – 7 ngày). Người đi tiêu lỏng nhiều lần mất nước, cần cho uống dung dịch bù nước và chất điện giải hoặc nước cháo loãng (gạo, khoai, muối) cả ngày 1.000 – 1.500 ml.
Ba chẽ là dược liệu được ghi trong danh mục thuốc thiết yếu ở Việt Nam lần thứ V (2006), nhóm thuốc chữa hội chứng lỵ. Đây là cây mọc hoang với trữ lượng lớn (hàng trăm tấn ở miền núi nước ta. Nó là nguồn kháng sinh thực vật quý và không độc để chữa tiêu chảy và lỵ trực khuẩn. Nên tổ chức thu hái lá Ba chẽ đúng thời vụ (tháng 7, 8, 9), chế biến công nghiệp thành cao khô làm nguyên liệu bào chế viên Ba chẽ 0,25g. Mặt khác nên trồng cây ba chẽ nưoi đất dốc để bảo vệ đất, chống xói mòn rửa trôi, bổ sung chất đạm và mùn cho đất.