Cậu bé Ba Na và cuộc thi về môi trường
Ý tưởng từ hồi còn nhỏ
Trước ngày A Mĩm và Y Tô Ngọc Huyền ra Hà Nội nhận giải, chúng tôi đã tìm về làng Kon Jơ Ri, xã Đắk Rơ Wa (Thành phố Kon Tum - Kon Tum) để gặp gỡ các em. Trò chuyện với tôi trong ngôi nhà ẩn mình bên con dốc cuối làng, A Mĩm cho biết: Kon Jơ Ri quê em nằm lọt thỏm giữa một dòng sông và ba con suối. Do được thiên nhiên ưu đãi nên 103 hộ trong thôn chỉ sử dụng ba giọt nước đầu làng. Hồi còn nhỏ, Mĩm thường xuyên theo mẹ cùng dân làng đi cõng nước từ giọt về dùng. Tuy nhiên, do thói quen sinh hoạt và sự vô ý thức của người dân nên nguồn nước của thôn dần bị ô nhiễm nặng.
Năm học 2004 - 2005, Mĩm được gia đình chuyển vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Được nắm bắt những kiến thức sâu rộng về bảo vệ nguồn nước và môi trường, A Mĩm nghĩ, phải làm gì để bà con hiểu, nhận thức đúng và giữ gìn, bảo vệ quà tặng của thiên nhiên? ý tưởng xây dựng đề tài được ấp ủ từ đây...
Từ ý tưởng ấy, cùng với sự trợ giúp của gia đình, thầy cô giáo và bạn bè, Mĩm bắt tay vào nghiên cứu đề tài: “Nâng cao nhận thức, năng lực bảo vệ nguồn nước và xây dựng các biện pháp chống ô nhiễm - suy thoái nguồn nước cho cộng đồng làng Kon Jơ Ri”. Theo A Mĩm, nếu thành công thì đề tài không chỉ giúp bà con nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn nguồn nước cho cuộc sống, mà còn giúp người dân có nguồn nước sạch sinh hoạt.
Để thực hiện đề tài, A Mĩm và Y Tô Ngọc Huyền đã mất gần 3 tháng đến gõ cửa từng gia đình để phỏng vấn. Với phương pháp ghi chép, thống kê và phỏng vấn 15 câu hỏi đối với 70 người trong làng, hai em đã thu thập được những con số đáng báo động. Ví như, trong số 70 người được phỏng vấn thì có đến 92,8% cho rằng việc sinh hoạt hàng ngày không ảnh hưởng tới nguồn nước; 92,8% cho rằng chăn nuôi gia súc thả rông không gây ô nhiễm nguồn nước; 88,5% người dân trong làng không có biện pháp xử lý và bảo vệ nguồn nước...
Để có được những con số thống kê đáng báo động trên, hai em đã nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn này. Cứ mỗi sáng chủ nhật, hai em lại dậy sớm chuẩn bị giấy bút và khăn gói lên đường. Với nỗ lực vượt khó, mong muốn cộng đồng được sống trong môi trường và nguồn nước trong lành, các em đã thành công.
Nâng cao nhận thức về môi trường: Mục tiêu của đề tài
Qua việc thực hiện đề tài, A Mĩm và Y Tô Ngọc Huyền không chỉ nêu lên thực trạng đáng báo động về ý thức bảo vệ môi trường của người dân và nguồn nước hiện nay ở làng Kon Jơ Ri mà còn nêu lên những giải pháp cụ thể nhằm giải quyết vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường tại địa phương mình sinh sống như: Cần tuyên truyền giúp bà con hiểu và thấy được tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay là do vứt rác bừa bãi; không có nhà vệ sinh, nhà tắm; chăn nuôi gia súc thả rông và nhốt dưới gầm nhà. Tuyên truyền cho bà con nhân dân về lợi ích của việc thu gom rác thải, xây dựng hệ thống biogas kết hợp chăn nuôi.Ngoài ra, hai em còn đề xuất các giải pháp như: Xây dựng các câu lạc bộ tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường trong các trường học, các tổ chức đoàn, hội, đội mà nòng cốt là học sinh, sinh viên và đoàn viên thanh niên. Đưa nội dung bảo vệ nguồn nước, môi trường vào hương ước của làng...
Tuy đã trở thành một trong 10 đề tài xuất sắc nhất nhưng em vẫn thấy mình may mắn bởi mục đích chính của Mĩm khi triển khai đề tài là để nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ nguồn nước và môi trường.
Trao đổi với chúng tôi về đứa con yêu quý của mình, ông A Djưng, bố của A Mĩm cho biết: “Mĩm là cậu bé ngoan và chăm học nhất trong bốn đứa con của gia đình. Ngoài thời gian ở trường, về nhà cháu lại lao vào học, năm nào cháu cũng đạt học sinh giỏi của trường. Năm ngoái, Mĩm còn đoạt giải khuyến khích tại Hội thi tin học trẻ không chuyên do Tỉnh Đoàn Kon Tum tổ chức”.
Được biết, trong số 10 đề tài lọt vào vòng phỏng vấn, chỉ có A Mĩm và Y Tô Ngọc Huyền là người dân tộc thiểu số. Điều đó chứng tỏ, lớp trẻ ở những vùng khó khăn vẫn đang cố gắng vươn lên, khẳng định mình. Với việc chăm học, chăm làm và say mê nghiên cứu, A Mĩm xứng đáng với biệt danh “chim đầu đàn” mà các bạn dành tặng.