Cao Chi: nhà vật lý với tâm hồn nghệ sĩ
Mới đấy mà hôm nay GS.TS Cao Chi đã 80 tuổi, với 60 năm cống hiến miệt mài. Cao Chi là một nhà vật lý, một nhà sư phạm, một nghệ sĩ. Mừng ông dịp này, Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành cuốn sách khá đồ sộ của ông: Vật lý hiện đại - Những vấn đề thời sự, từ Bigbounce đến vũ trụ toàn ảnh.
Đọc sách của ông sẽ thấy ông còn trẻ, ông vẫn là một nhân vật đương đại. Bạn cứ nhìn kỹ tên sách là sẽ hiểu điều đó: điểm xuất phát của vũ trụ chúng ta không còn là Bigbang, mà là một giả thuyết mới về Bigbounce (sự nẩy bật lớn), khi quá trình bùng nổ là bước nối tiếp của quá trình co nén (Bigcrunch). Cao Chi vẫn bám sát vật lý hiện đại và trình bày nó một cách hấp dẫn nhờ khả năng diễn đạt sâu sắc và giản dị hiếm có.
Từ “thần đồng Bình Định” đến Lomonosov và Doubna
"Những bài viết của bạn ấy (Cao Chi) dù về các vấn đề chuyên môn cũng đẹp về nhiều mặt: ý tứ, lời văn, tình nghĩa và trách nhiệm tương hỗ giữa người viết và người đọc" GS TẠ QUANG BỬU |
Cao Chi sinh năm 1931 tại Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, sau này học ở Trường quốc học Võ Tánh, Bình Định. Ông Thái Quảng, thời làm chủ nhiệm khoa khoa học cơ bản Học viện Kỹ thuật quân sự hay kể chuyện về Cao Chi, luôn nhấn mạnh: “Ngày đi học, “thần đồng Bình Định” là biệt danh của anh ấy”.
Sau thời đi học, Cao Chi dạy học ở vùng chiến khu kháng chiến. Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc và được chọn trong lứa học sinh Việt Nam đầu tiên đi đào tạo tại Liên Xô. Thoạt đầu trong danh sách nghề nghiệp, Cao Chi đi học ngành thủy điện. Trong quá trình học ngoại ngữ, cô giáo bảo “đáng ra em nên học ngôn ngữ và văn học Nga”. Nhưng rồi cuối cùng Cao Chi trở thành sinh viên khoa vật lý, nơi ông đã được nghe những bài giảng thần thoại của Landau, Ivanenko..., khi giảng đường còn đông đảo hơn bất cứ một buổi biểu diễn văn nghệ nào.
Bây giờ nhớ lại, Cao Chi vẫn luôn nói rằng đấy là số phận của ông, và ông luôn ghi nhớ sự trang nghiêm cao cả của giảng đường Lomonosov, “đúng, phải nói rằng đấy là một thánh đường”. Rồi Cao Chi trở thành một nhà vật lý lý thuyết, cùng với Đào Vọng Đức, người sống chung phòng với ông thời gian học ở Matxcơva.
Năm 1962-1963, thầy Cao Chi dạy học ở Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị Lê Hương Quỳnh, tiến sĩ vật lý hạt nhân, kể lại một câu chuyện vui: món quà mà chị chọn để tặng người yêu của mình ngày đi học, anh Lê Đình Phương - một người làm điện ảnh - là mời anh đi dự nghe... một bài giảng của thầy Cao Chi về cơ học lượng tử. Ngày ấy, các thầy dạy vật lý có sức hút thật lớn, cái sức hút để tạo nên đội ngũ đông đảo nhà vật lý sau này, dù đó không phải là nghề nghiệp dễ dàng.
Năm 1963, cùng với một số nhà vật lý khác, Cao Chi được gửi đi làm việc tại Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Doubna, Liên Xô. Ông nhớ lại: “Đích thân anh Tạ Quang Bửu chọn người. Đích thân anh Tạ Quang Bửu gọi lên giao nhiệm vụ”. Rồi ông kể thêm nhiệm vụ lúc ấy không phải là học vị hay học hàm gì đâu, không nhất thiết phải bảo vệ luận án, nhưng nhất thiết phải theo kịp trình độ khoa học tiên tiến, trong một lĩnh vực tiên tiến, để rồi tìm ra cách đưa nền khoa học Việt Nam tiến lên toàn diện.
Lại chính cố bộ trưởng Tạ Quang Bửu là người khởi xướng một chiến lược mới về khoa học công nghệ. Chúng ta biết ở Doubna có GS Nguyễn Đình Tứ làm về thực nghiệm. Còn đây là nhóm lý thuyết do GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đứng đầu. Cả hai nhóm đều đã thu được những thành tựu xuất sắc. Có thể nói từ Doubna, nền vật lý non trẻ của Việt Nam đã bắt đầu góp mặt với thế giới.
Trường lượng tử và năng lượng hạt nhân
Năm 1983, GS Tạ Quang Bửu viết: “Bạn Cao Chi là một chuyên gia về thuyết trường lượng tử và là một nhà toán học sâu sắc, cái gì bạn ấy viết cũng đều đã được suy tính kỹ. Những bài viết của bạn ấy dù về các vấn đề chuyên môn cũng đẹp về nhiều mặt: ý tứ, lời văn, tình nghĩa và trách nhiệm tương hỗ giữa người viết và người đọc”.
Sau khi rời Viện Khoa học Việt Nam, cho đến năm 1995, GS Cao Chi công tác tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Ông là chủ nhiệm chương trình nghiên cứu cấp nhà nước mang mã số KC 09-17 với tên gọi “Nghiên cứu chiến lược phát triển khoa học kỹ thuật hạt nhân và năng lượng hạt nhân nhằm nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân vào các ngành kinh tế và khả năng đưa điện nguyên tử vào Việt Nam”. Một trong những kết quả mà chương trình này đề xuất: có khả năng đưa điện nguyên tử vào Việt Nam trong khoảng thời gian 2015-2020. Đúng như thực tế đang diễn ra hiện nay.
GS.TS Cao Chi ký tặng sách trong dịp mừng sinh nhật 80 của ông |
GS Cao Chi nhận xét: “Chúng ta đang đứng trước một bài toán nhiều mâu thuẫn. Một mặt, chúng ta rất cần năng lượng, rất thiếu năng lượng. Mà công nghệ hạt nhân là một khả năng đáp ứng yêu cầu này rất tốt, khi cả thủy điện lẫn nhiệt điện đều có hạn chế, còn năng lượng sạch vẫn còn xa lại đắt. Tiết kiệm năng lượng cũng gặp khó khăn vì nhìn chung các công nghệ sản xuất của ta còn lạc hậu. Nhưng mặt khác, yêu cầu an toàn phải đề ra rất cao, nhất là sau sự cố vừa qua ở Fukushima. Đây cũng lại là vấn đề vốn và vấn đề công nghệ. Cho nên, phải suy nghĩ toàn diện và thực hiện thận trọng từng bước mới có giải pháp được”.
Chiến lược năng lượng không chỉ là vấn đề của Việt Nam, mà còn là vấn đề rất nóng bỏng của toàn thế giới. GS Cao Chi cũng đang suy nghĩ và làm việc trong lĩnh vực này.
Nghệ sĩ Cao Chi
Nhìn lại những bước đường đã qua của GS Cao Chi, có một điều nổi bật: ông như chưa hề giữ qua một chức vụ hành chính đáng kể nào. Đấy là một “chuyên viên cao cấp” điển hình, nghĩa là phi hành chính, chỉ có khoa học và... nghệ thuật. Cũng không có gì là nói quá lên nếu chúng ta nói Cao Chi là một nghệ sĩ.
Bây giờ nhìn lại, Cao Chi vẫn nói những ngày đi học ở Tuy Hòa là những ngày rất đẹp. Đấy là mảnh đất gần gũi Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Yến Lan...Và nếu tiếp xúc với GS Cao Chi, chúng ta dễ thấy ở ông cái tính nghệ sĩ trong tác phong, trong giọng nói, trong dáng vẻ và cả trong suy nghĩ.
Trong Tạp chí Nghệ Thuật số 5-1983, Cao Chi có một bài viết khá độc đáo: “Đối xứng, sự phá vỡ đối xứng và nguyên lý của cái đẹp”. Bên cạnh đó là bài “Khoa học và nghệ thuật, đôi cánh của nhân loại”. Đây cũng là nội dung, là chủ đề trong phần 4 và phần 5 của cuốn sách vừa xuất bản của ông. Những bài viết ngay từ đầu đã có tiếng vang và có sức cộng hưởng, đã để lại nhiều suy nghĩ về sau.
GS Cao Chi đã nghiên cứu về đối xứng và biến điệu trong văn chương, đối xứng trong âm nhạc, trong hội họa, kiến trúc và trong phim ảnh để đi tới kết luận rằng: trên nền một đối xứng cơ sở, vi phạm đối xứng là một quy luật của tự nhiên. Đấy là nguồn gốc của cái đẹp, là sự thống nhất giữa khoa học vật lý và nghệ thuật.
Lẽ đương nhiên, nhà khoa học và nghệ sĩ có sứ mệnh khác nhau, có phương pháp làm việc khác nhau, nhưng luôn gắn bó và có quan hệ tương hỗ với nhau. Cao Chi đã chứng minh rằng lỗ đen trong vật lý lý thuyết hiện đại đã có mặt trong truyện Một cuộc đi xuống vực xoáy của Edgar Poe và hơn nữa, đã được trình bày trong một bức tranh khắc gỗ từ thế kỷ 19 mang tên Maelstrom.
Ông viết: “Những khía cạnh đó có thể là cuộc đời, có thể là cách mô tả thế giới khách quan, có thể là cách vận dụng tư duy và trí tưởng tượng. Những khía cạnh đó có nhiều điểm giống nhau mặc dù quá trình sáng tạo khoa học và nghệ thuật đi qua những mê lộ khác nhau của logic và trực giác”.
Với GS Cao Chi, với thầy Cao Chi, với ông Cao Chi, với nghệ sĩ Cao Chi thì tất cả những khía cạnh ấy đã thống nhất làm một.
Những người mở đường
Những năm 1965-1970, khoa vật lý Trường đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán ở xã Văn Yên, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Giảng đường và phòng thí nghiệm được xây dựng trong điều kiện phòng chống máy bay bắn phá, ẩn kín dưới những tán lá, trong vùng đất nửa ruộng nửa đồi. Chủ nhiệm khoa ngày ấy là thầy Hoàng Phương, người có khả năng kỳ lạ trong việc khơi dậy và cổ vũ niềm say mê, khao khát học hành ở lứa sinh viên trẻ.
Năm 1968, bộ ba các nhà vật lý lý thuyết từ Doubna trở về cũng tạo nên âm hưởng lớn. Đó là Đào Vọng Đức, Cao Chi, Đoàn Nhượng - cả ba là thành viên trong nhóm Nguyễn Văn Hiệu. Họ về nước, góp phần xây dựng Viện Vật lý. Đấy là những người thầy, những người anh, những người mở đường.
Ngày 26-4-2011, tại buổi lễ ra mắt cuốn sách mới và kỷ niệm 80 năm ngày sinh của GS Cao Chi, bè bạn, đồng nghiệp và học trò đã đến dự rất đông tại hội trường Nhà xuất bản Tri Thức (53 Nguyễn Du, Hà Nội). Buổi lễ rất cảm động, và với cuốn sách của mình, GS Cao Chi vẫn như tiếp tục mở ra những con đường mới.