Cảnh báo về ô nhiễm PCB
Thế giới sản xuất và sử dụng PCB rộng rãi từ năm 1930, mỗi một năm sản xuất khoảng 26.000 tấn. Từ những năm 40 của thế kỷ trước, Việt Nam cũng đã nhập khẩu khoảng từ 27.000 đến 30.000 tấn PCB từ Nga, Trung Quốc và Rumani, chủ yếu làm chất cách điện trong biến thế.
Mãi tới đầu những năm 60 của thế trước, các nhà khoa học mới phát hiện ra PCB có tính độc, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người. Có nhiều vụ ngộ độc PCB đã xảy ra, trong đó vụ Yusho ở Nhật Bản năm 1968 và vụ Yucheng ở Đài Loan năm 1979 đã gây ra hàng trăm người chết và hàng ngàn người bị các ảnh hưởng khác nhau.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, PCB có khả năng gây ung thư và hàng loạt ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch, hệ nội liệt, hệ sinh dục của con người. Mức độ ảnh hưởng tuỳ từng chất trong nhóm PCB.
PCB đi vào môi trường theo ba con đường chính: do thải bỏ chất thải có PCB ra các bãi rác rồi từ đó PCB xâm nhập vào nước ngầm, ra sông, ra biển; do thiêu đốt không hoàn toàn chất thải có chứa PCB khiến PCB có thể phân tán vào khí quyển; và do sự dò rỉ PCB từ các thiết bị điện như biến thế, tụ điện. Sự vận chuyển của PCB trong môi trường là do các tác động của không khí, nước, động vật và một số con đường khác…
PBC có thể tích tụ trong mỡ, sữa, não, huyết thanh, gan, cơ bắp của con người, và có thể đào thải khỏi cơ thể qua phân nước tiểu, qua sữa mẹ mà truyền sang con.
Sau khi phát hiện tính độc của PCB, nhiều nước trên thế giới đã lần lượt cấm sản xuất và sử dụng PCB. Tại Việt Nam , PCB bị hạn chế sử dụng từ năm 1992. Nhưng tính chung trên toàn thế giới, PCB vẫn được sản xuất khoảng 16.000 tấn/năm trong thời gian các năm từ 1980 đến 1984, khoảng 10.000 tấn/năm trong các năm từ 1984 đến 1989. Đó là chưa kể PCB từ các hoạt động công nghiệp đã xâm nhập tích tụ từ trước đáy vào môi trường. Cho nên vẫn rất cần cảnh báo về ô nhiễm bởi PCB.
Thông qua số liệu phân tích của các tác giả khác và chúng tôi về hàm lượng PCB trong đất ở các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Trị, trong thời gian từ năm 1992 đến 2002, đã có thể phát hiện thấy PCB trong mọi mẫu đất, chứng tỏ tình trạng ô nhiễm PCB đang xảy ra ở Việt Nam, và mức độ ô nhiễm tăng dần theo các năm. Hàm lượng PCB trong các mẫu đất lấy ở các trung tâm công nghiệp ở các thành phố lớn là cao hơn so với các mẫu đất lấy ở các vùng nông thôn.
Như vậy, ở các thành phố lớn là nơi có các hoạt động công nghiệp, mạng lưới điện phát triển cần sử dụng nhiều biến thế thì tình trạng ô nhiễm bởi PCB thể hiện rất rõ. Ở các tỉnh, nơi có tốc độ phát triển kinh tế thấp hơn thì mức độ ô nhiễm bởi PCB có thấp hơn, nhưng vẫn xu hướng tăng lên theo thời gian.
Như đã nêu ở trên, PCB là chất có khả năng gây ung thư và các bệnh tật khác, mà lại khó phân huỷ trong môi trường. Vì vậy theo chúng tôi rất cần tổ chức thực hiện việc đánh giá hiện trạng ô nhiễm PCB ở các địa phương trong toàn quốc, đánh giá các nguồn có khả năng gây ô nhiễm PCB để từ đó có cách quản lý, xử lý, thay thế thích hợp.
Hiện tại, ở Việt Nam chưa có các tiêu chuẩn về PCB trong môi trường (đất, nước, không khí), giới hạn nòng độ PCB phát thải sau khi xử lý ở lò thiêu đốt. Cần dựa trên đặc điểm của Việt Namvà ý kiến của các chuyên gia, để xây dựng tiêu chuẩn về PCB phù hợp với Việt Nam . Các tiêu chuẩn được xây dựng sẽ là công cụ đắc lực trong quản lý PCB.
Chúng ta không thể xử lý toàn bộ nguồn PCB ở nước ta trong thời gian ngắn, vì vậy coi trọng việc lưu trữ PCB trước khi xử lý là cần thiết. Cần có quy định về thiết kế và xây dựng kho lưu trữ PCB. Việc dán nhãn các thiết bị có sử dụng tới PCB là hết sức hữu hiệu cho việc quản lý, thực hiện các chương trình thay thế PCB khỏi các thiết bị điện. Cũng cần có và thực hiện các qui định về vận chuyển đất ô nhiễm và thiết bị, vật liệu có chứa PCB tới nơi lưu trữ trước khi xử lý, hoặc địa điểm xử lý, phù hợp với Công ước quốc tế về vận chuyển chất thải nguy hại, tránh nguy cơ rò rỉ PCB ra môi trường.
Chúng ta rất cần điều tra số lượng PCB trong các thiết bị điện để chọn giải pháp công nghệ xử lý phù hợp (thiêu đốt, xử lý hoá học…).
Tình trạng ô nhiễm bởi PCB ở nước ta là đang xảy ra, và những đề xuất của chúng tôi sau thời gian nghiên cứu bước đầu về ô nhiễm PCB trong đất ở một số địa phương trong cả nước, mong được các cơ quan hữu trách quan tâm xem xét.