Cảnh báo mực nước biển toàn cầu có thể tăng đột ngột
Tiến sĩ Nick Golledge thuộc ĐH Victoria (Úc) cho biết họ đã sử dụng mô hình khí hậu và mảng băng phức tạp để tái tạo các mảng băng Nam Cực lúc kết thúc thời kỳ băng hà cuối cùng, khi cả đại dương và bầu khí quyển đều ấm lên nhanh chóng. Kết quả cho thấy những thay đổi của đại dương có thể gây ra thay đổi đáng kể đối với sự ổn định của mảng băng Nam Cực, dẫn đến sự gia tăng mực nước biển toàn cầu.
Nhóm nghiên cứu - gồm các nhà khoa học từ ĐH Victoria (Úc), Viện Địa chất và khoa học hạt nhân của chính phủ New Zealand và ĐH New South Wales (Úc), nhận thấy rằng khi các đại dương quanh Nam Cực trở nên phân tầng nhiều hơn, hay có nhiều lớp hơn, nước ấm ở độ sâu sẽ làm tan chảy lớp băng Nam Cực nhanh hơn so với khi đại dương ít phân tầng.
Một ví dụ ấn tượng của quá trình này xảy ra vào khoảng 14.000 năm trước đây, và đã dẫn đến sự gia tăng đột ngột của mực nước biển toàn cầu: tăng gần 3m chỉ trong vài thế kỷ.
Theo TS Golledge, với 10% dân số thế giới đang sống ở những khu vực thấp 10m so với mực nước biển, nghiên cứu này “nhấn mạnh sự cần thiết phải xác định rõ hơn mối quan hệ phức tạp giữa Nam Cực và các vùng biển phía Nam”.
Ngân hàng thế giới (WB) đáng giá Việt Nam là một trong năm nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mực nước biển dâng.
Theo Trung tâm công trình đồng bằng ven biển và đê điều, Viện Thủy công (Viện khoa học thủy lợi Việt Nam), nếu mực nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng 10% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, khoảng 90% diện tích trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị ngập hoàn toàn, 4,4% lãnh thổ Việt Nam bị ngập vĩnh viễn, đồng nghĩa với khoảng 20% xã trên cả nước, 9.200 km đường bộ bị xóa sổ...