Cần tạo điều kiện cho nước mưa ngấm xuống đất
Tình trạng này hiện đang làm các nhà khoa học hết sức lo lắng. "70% diện tích ao hồ đã biến mất do bị người dân san lấp mặt bằng để xây dựng nhà cửa", Phó giáo sư Đoàn Cảnh thuộc Viện Sinh học nhiệt đới cho biết. Theo ông, diện tích ao hồ, vùng trũng bị thu hẹp sẽ làm mất đi vùng lưu giữ nước tự nhiên, khiến cho nguồn cung cấp nước tự nhiên không được bổ cập. Trong khi đó môi trường đô thị hiện bị ô nhiễm nghiêm trọng do sản xuất công nghiệp và chất thải sinh hoạt. Khoảng 30% lượng nước mưa bị nhiễm bẩn bởi các chất thải.
Theo các nhà khoa học, nước mưa không những bổ sung cho nguồn dự trữ nước mặt và nước ngầm của TP HCM vốn đã thiếu hụt sau sử dụng theo chu kỳ mùa (nhiều nơi trong thành phố mức sụt giảm nước ngầm đã đến 2m/năm), mà còn giữ áp suất địa tĩnh chống lún sụt vùng đô thị. Nước mưa cũng pha loãng nguồn nước bị ô nhiễm nặng để phục hồi các quá trình hóa học và sinh học vốn có nhưng đang bị kiềm chế vì độ nhiễm bẩn. Nước mưa ngấm vào đất mang theo nhiều chất ô nhiễm rửa trôi từ môi trường.
Nguồn nước ngọt, quan trọng nhất đối với sự sống con người, chiếm 2,5% tổng sản lượng nước trên Trái đất. Trong đó chỉ 0,4% nước mặt là quan hệ trực tiếp đến sự sống gồm: 1,6% nước sông ngòi, 67,4% ao hồ, 9,5% hơi nước trong không khí và 12,2% nước thấm vào trong đất. Tại Việt Nam, thiếu nước đang là vấn đề bức xúc. Ước tính có khoảng 70% dân số Việt Nam dễ bị đe dọa bởi các thảm họa liên quan đến nước, trung bình 1 triệu người/năm cần sự hỗ trợ khẩn cấp. |
Các nhà khoa học còn cho rằng, sự tiến bộ của khoa học và công nghệ đã làm tăng năng lực ứng xử không hợp lý và phi kinh tế của con người đối với nước mưa, biểu hiện rõ nhất là những biện pháp nhằm đẩy nước mưa rời khỏi mặt đất càng nhanh càng tốt. Đơn cử như hệ thống kênh rạch đã gom nhanh nước mưa tại chỗ hoặc từ thượng nguồn đổ về để trút ra sông lớn rồi xả nhanh ra biển. Do đó cứ mưa lớn thì các khu vực đô thị ngập nước nặng, nhưng khi nước rút lại không giữ được lượng nước thấm vào đất để bổ sung cho các nguồn nước sinh hoạt. Trong khi đó hệ thống đê sông, đê biển ngăn không cho nước mặn tràn vào nội đồng cũng vô hình ngăn cản nguồn nước mưa, ép chúng đi theo luồng nhất định và đẩy ra biển...
Ông Nguyễn Thành Tín, chuyên gia tư vấn về chất lượng nước nói: "Hệ thống kênh thu gom hỗn hợp (mưa + nước thải sinh hoạt) nhằm tiêu thoát càng nhanh càng tốt sẽ mang đến nhiều nguy hại cho môi trường". Theo ông Tín, kỹ thuật tiêu thoát nước đô thị hiện nay đang gây ra các hậu quả nghiêm trọng như gây úng lụt cho các vùng thấp trũng, xói mòn các kênh tự nhiên, tải thẳng các chất ô nhiễm ra nguồn tiếp nhận. Kỹ thuật này cũng phá hủy nơi cư trú của động vật hoang dã, giết chết nhiều động vật làm giảm tính đa dạng sinh học.
Để khắc phục tình trạng này, các nhà khoa học đề nghị các cơ quan chức năng có kế hoạch tiếp cận và quản trị thông minh lượng nước mưa. Phó giáo sư, tiến sĩ Đoàn Cảnh cho rằng, cần quản lý nước mưa ngay từ khi rơi xuống, phân bố trên mặt bằng, thảm phủ, ngấm vào đất và đi vào các khu vực gom nước (sông, suối, hồ chứa và ra biển).
Ông Nguyễn Thành Tín cũng ngỏ ý mong muốn đưa Hệ thống tiêu thoát nước đô thị bền vững (SUDS - Sustainable Urban Drainage Systems) nằm trong Chương trình City Blues do EU tài trợ ứng dụng vào quy hoạch nước mưa của TP HCM. Theo đó, để quản lý nước mưa hiệu quả, phải sử dụng các thành phần đô thị như bề mặt thấm nước, bẫy bụi cát, địa hình lõm, vùng trũng thấp và các đầm lầy, vùng đất ngập nước... thay vì thoát nước thật nhanh, Hệ thống tiêu thoát sẽ làm chậm quá trình thoát nước và đưa nước mưa trở lại cộng đồng.
"Quản lý nước mưa đô thị là giải pháp tiếp cận tổng hợp giữa chống úng ngập và nâng cao chất lượng nước trong từng khâu từ quy hoạch xây dựng đô thị đến vận hành, giảm tối đa ô nhiễm các nguồn nước", Tiến sĩ Lê Thành Bảo Đức, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi và phòng chống lụt bão TP HCM nói. Tuy nhiên muốn làm được điều này, theo các nhà khoa học, cần phải có sự hợp tác của lãnh đạo thành phố và các ban ngành liên quan, đặc biệt là trong quy hoạch kiến trúc xây dựng thành phố.
Nguồn: vnexpress.net 20/6/2005