Cải tiến máy phun thuốc đeo vai
Sử dụng máy phun đeo vai để phun thuốc là công việc hết sức nặng nhọc. Người sử dụng phải mang vác máy có trọng lượng 35kg, khó khăn khi di chuyển đặc biệt khi đi lại trong vườn cà phê. Việc thực hiện kỹ thuật phun khó khăn khi phải khom, cúi người để phun dưới tán lá cây, trong các góc hẹp, trong nhà vệ sinh. Ngoài ra, người sử dụng còn phải đưa vòi phun lên cao tối đa 3m và luôn chịu ảnh hưởng tiếng ồn do máy phát ra.
Trong kỹ thuật phun tồn lưu tường vách để diệt côn trùng, phun thuốc trên cây trồng đạt được hiệu quả và kỹ thuật theo tiêu chuẩn lượng dung dịch đã pha (nước) cho 1m 2từ 40 đến 50ml. Nếu lượng nước lớn hơn 50ml/m 2thì các hạt nước sẽ kết dính lại tạo thành đòng chảy không đạt tiêu chuẩn và lãng phí thuốc, nếu lượng nước dưới 40ml thì các hạt nước không phủ kín bề mặt, chưa đạt kỹ thuật. Có khi nước thuốc chảy dính vào cơ thể người phun, làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Từ thức tế công việc thường nhật của một cán bộ phòng chống côn trùng, anh Đặng Thành Tình đã mày mò tìm ra giải pháp khá hữu ích. Với những vật liệu khá đơn giản, gồm ống sắt dài 50cm đường kính khoảng 1-1,5cm để làm trục đỡ và càng tay cầm để kéo; hai bánh xe nhựa hoặc cao su đường kính 10- 20cm làm bánh lăn để kéo máy trên mặt đất; dây phun đường kính 0,7-1cm dài 10-20m (tuỳ theo nhu cầu của người sử dụng) thay dây cũ của máy chỉ dài 1,5m; vít chốt mức ga và công lắp ghép, tất cả chỉ tốn 235.000 đồng, anh Tình đã tạo ra chiếc máy phun thuộc có thể kéo trên mặt đất khá thuận tiện.
Tác giả cho biết: Sau khi pha thuốc vào bình phun, người sử dụng kéo máy đến địa điểm cần phun, khởi động máy, tăng ga lên mức cố định, kéo dây đến các vị trí phun. Ở những nơi có mặt nền tương đối phẳng, người phun có thể vừa kéo máy vừa phun. Có thể đặt máy một chỗ, kéo dây phun được ở những vị trí khác như tầng hầm, tầng lầu hoặc buộc cần vào sào đưa lên phun trên trần nhà, những cây cao 4-5m mà lượng nước phun ra đều, áp suất phun luôn ổn định. Nếu phải tác nghiệp ở đồng ruộng rộng, bùn lầy, người sử dụng có thể tháo gỡ hết các phụ kiện kèm theo, để vác máy lên vai.
Về hiệu quả kinh tế, ở kỹ thuật phun tồn lưu tường vách, máy do anh Tình cải tiến cho phép phun được dung tích tối đa 500 lít (máy đeo vai chỉ 250 lít), bề mặt 10.000m 2(máy đeo vai chỉ 5.000m 2), thời gian nghỉ 2h/8h (máy đeo vai 4h/8h). Nếu so sánh hiệu quả kỹ thuật phun thuốc trên cây cà phê, chi phí nhân công và xăng khi sử dụng máy cải tiến là 534.000đ/ ha, máy cũ là 864.000đ/ ha (đã giảm được 02 công phun và lượng xăng cũng ít hơn 1,5 lít), tổng số tiền làm lợi khoảng 320.000đ/ha cà phê.
Được biết, anh Tình đã cung cấp máy phun cải tiến cho cho Công ty TNHH Phòng chống côn trùng và nông dân ở các huyện Iagrai, Chư Pãh, Mang Yang. Một số hộ có máy phun cải tiến, ngoài việc phun thuốc cho gia đình còn làm dịch vụ phun thuốc trừ sâu. Giá dịch vụ phun thuốc trừ sâu cho một ha cà phê hiện nay là 1.200.000đ/ha, nhưng nếu sử dụng máy phun cải tiến thì chi phí chỉ còn một nửa.
Máy phun cải tiến có thể được sử dụng trong phun tồn lưu tường vách và phun thuốc cho cây trồng trong nông nghiệp, phù hợp với các hộ sản xuất kinh tế trang trại vừa và nhỏ. Ngoài ra, có thể dùng máy để phun thuốc khử trùng cho trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.