Cách mạng Tháng Tám ở Vĩnh Long
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là bước ngoặt lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, phát xít Nhật, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tinh thần Cách mạng Tháng Tám và mồng 2/9/1945 là bất diệt.
Vào những ngày mùa thu tháng 8/1945 ở Vĩnh Long, những trận mưa giữa mùa chiều chiều tuôn xối xả. Dòng nước Cổ Chiên đỏ ối phù sa cuồn cuộn đổ về theo nhịp thủy triều, dâng khắp vườn ruộng làng quê. Nằm trên trục lộ giao thông huyết mạch của Đồng bằng Nam Bộ nhiều tin tức, thời sự nóng hổi dội về: hết lực lượng đồng minh đánh bại phát xít Đức- Ý, đến Liên Xô tuyên chiến với Nhật; ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào quyết định tổng khởi nghĩa toàn quốc; sang ngày sau, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện...
Thời cơ đến làm nức lòng người dân Vĩnh Long, ngày 14/8 bùng lên một cuộc biểu tình lớn của hơn một ngàn người thuộc các tầng lớp nông dân, thợ thuyền, tiểu thương, tiểu chủ, học sinh, công chức... do lực lượng thanh niên ở Châu Thành và TX Vĩnh Long tổ chức. Trước khí thế sục sôi cách mạng, chính quyền binh lính địch án binh bất động. Tin cuộc biểu tình ở Vĩnh Long lan nhanh khắp tỉnh và trong vùng.
Ngày 16/8/1945, diễn ra sự kiện Đại hội quốc dân ở Tân Trào thông qua lệnh tổng khởi nghĩa, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch kêu gọi “Giờ phút quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy nổi dậy, đem sức ta mà giải phóng cho ta”.
Ngày 19/8/1945, Thủ đô Hà Nội tổng khởi nghĩa thắng lợi. Ngày 20/8/1945, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định đưa Việt Minh ra hoạt động công khai, thành lập ban lãnh đạo khởi nghĩa và chủ trương vận động nhân dân toàn xứ giành chính quyền vào ngày 25/8. 3 ngày sau, ngày 23/8/1945, Mặt trận Việt Minh tỉnh Vĩnh Long ra tuyên bố công khai kêu gọi toàn dân sẵn sàng làm tổng khởi nghĩa.
Thực hiện chỉ thị của Xứ ủy Nam Kỳ, sáng sớm ngày 25/8/1945, hàng vạn quần chúng được tổ chức thành đoàn thuộc TX Vĩnh Long và các huyện lỵ đổ về giương cao cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm, biểu ngữ và hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Việt Minh muôn năm!...”
Các đoàn biểu tình rầm rộ từ các ngả đường vào thị xã, diễu hành qua các dãy phố rồi tiến về tập trung trước trụ sở chính quyền tỉnh nghe hiệu triệu của Ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh Vĩnh Long và các chính sách lớn của Việt Minh do các đồng chí Nguyễn Văn Thiệt, Nguyễn Hữu Thế, Trương Ngọc Quế diễn thuyết.
Run sợ trước khí thế của quần chúng, tỉnh trưởng Vĩnh Long Trương Khắc Nhạc không dám chống cự và buộc phải giao chính quyền cho cách mạng lúc 10 giờ trưa ngày 25/8/1945.
Cùng ngày 25/8, tổng khởi nghĩa ở huyện Tam Bình giành thắng lợi tiếp ngày sau 26/8, Việt Minh giành chính quyền ở huyện Trà Ôn và Vũng Liêm. Ngày 27/8, chính quyền về tay nhân dân ở huyện Chợ Lách và 27/8 cũng là ngày sụp đổ của toàn bộ hệ thống chính quyền cũ của phát xít Nhật và bè lũ tay sai từ tỉnh tới huyện, thị, xã, ấp ở Vĩnh Long.
Sáng ngày 28/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa Vĩnh Long tổ chức mít tinh trọng thể trước hàng chục ngàn người, Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn chính quyền cũ, thành lập chính quyền mới, chính quyền của nhân dân từ tỉnh đến huyện, thị, xã, ấp.
Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ở Vĩnh Long đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 chỉ trong vòng 15 ngày, Cách mạng Tháng Tám đã giành được chính quyền về tay nhân dân trong toàn quốc.
Trên cơ sở thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ lâm thời đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra và giành thắng lợi ở Vĩnh Long có 3 ngày và trong toàn quốc có 15 ngày, nhưng phải chuẩn bị trước đó 15 năm và sau đó là cả quá trình liên tục chiến đấu hy sinh để bảo vệ, phát huy thành quả của cách mạng. Đó là ngay từ những ngày đầu chính quyền non trẻ của ta đã phải vượt qua biết bao khó khăn thử thách. Nhân dân cả nước ta nói chung, Vĩnh Long ta nói riêng phải tiến hành 2 cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống Pháp và 20 năm chống đế quốc Mỹ xâm lược, rồi chiến tranh biên giới phía Tây Nam, ta lại phải giúp bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của chế độ Pôn Pốt.
Để có được mảnh đất phì nhiêu màu mỡ như ngày nay, nhân dân Vĩnh Long ta đã đổ biết bao mồ hôi, máu và nước mắt. Và rồi để có độc lập tự do, Vĩnh Long ta đã phải chiến đấu và hy sinh suốt nửa thế kỷ qua. Bao người ngã xuống, bao thế hệ nối tiếp cha anh, hàng ngàn thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ mất mát, đau thương, bao nhà cửa, ruộng vườn bị tàn phá,... Thương tích của chiến tranh do địch gây ra suốt mấy chục năm ròng đã hằn sâu trong mọi gia đình, khu phố, làng quê.
Có lẽ khác bất cứ đâu và hơn bất cứ dân tộc nào “Độc lập tự do” là chân lý, là lẽ sống của Việt Nam ”. “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”- lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch của Tổ quốc luôn vang vọng bên tai mỗi chúng ta.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta. Chấm dứt 80 năm đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật, giành độc lập, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc Việt Nam đã góp phần quyết định đập tan chế độ thực dân cũ và mới của bọn đế quốc. Ý nghĩa Cách mạng Tháng Tám và 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ xâm lược là vậy. Nhưng có kẻ lại mưu toan đi ngược dòng nước. Họ đặt lại vấn đề: “Việt Nam có cần làm Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, Mỹ không? Trong khi nhiều nước ở quanh ta không làm cách mạng cũng trở thành con rồng”. Họ quên rằng hoàn cảnh lịch sử cụ thể của dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm nô lệ dưới chế độ phong kiến Bắc thuộc, hàng trăm năm dưới chế độ tư bản đế quốc nên chỉ có độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dân chủ thì mới có hạnh phúc thật sự cho nhân dân.
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội khoa học luôn là định hướng chính trị của mỗi chúng ta. Tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mồng 2/9 là bất diệt.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Vĩnh Long là mốc son lịch sử đã lùi dần về quá khứ nhưng “Cái thuở ban đầu dân quốc ấy, nghìn năm hồ dễ mấy ai quên” (Xuân Diệu).