Từ năm 1901, người thầy thứ hai của Nguyễn Sinh Cung là cử nhân Vương Thúc Quý, dạy cậu những năm cậu trở lại làng Sen. Thầy là con độc nhất của tú tài Vương Thúc Mậu, lãnh tụ Cần Vương của huyện Nam Đàn đã hy sinh trong cuộc bao vây của giặc Pháp tại Kim Liên. Mang nặng thù nhà, nợ nước, thầy đã không ra làm quan mà ở quê mở trường dạy học và cùng Phan Bội Châu bàn mưu chống Pháp. Thầy đã từng tham gia Đội sĩ tử Cần Vương. Cũng như Phan Bội Châu, thầy Vương Thúc Quý có lòng yêu nước sâu sắc. Học trò của thầy không đông nhưng đều là những thanh niên ưu tú. Thầy không dạy theo lối sách vở, tầm chương, trích cú, mà mượn những đoạn văn tích cực để dạy cho học trò về đạo lý làm người, biết sống ích nước lợi dân, ca ngợi nghĩa khí của các bậc anh hùng đã xả thân vì nghĩa lớn và nguyền rủa quân thù cướp nước.
Để nung nấu lòng yêu nước và căm thù giặc cho học trò, hằng ngày thầy thường xuyên thắp đèn, đốt hương trên bàn thờ cha trước lúc giảng bài. Có lần khi thắp đèn, thầy sơ ý để đổ dầu trên bàn thờ. Nhân việc này, thầy ra một vế đối để muốn học trò tỏ rõ cảm thụ của mình. Vế câu đối đó là: “Thắp đèn lên, dầu vương ra đế”. Một trò đã nhạy cảm đối ngay: “Đốt hương rồi, gió quạt tàn bay”. Các bạn khen vế đối hay. Riêng Nguyễn Sinh Cung cũng làm một vế đối có nội dung cảm thụ sâu xa như gợi ý của thầy: “Cỡi ngựa dong, thẳng tấn lên đường”, vừa có nghĩa là thẳng tiến lên đường, tỏ rõ chí nguyện của mình, mà vừa có nghĩa nhà Tấn lập ngôi vua, nhà Đường lập ngôi đế.
Thầy Quý nhớ mãi vế đối này và lúc tiễn cha con ông Phó bảng lên đường vào Huế lần thứ hai, thầy đã nhắc lại và chúc trò “lên đường thẳng tiến”, vững tin ở tương lai của cậu.
Đến đây phải nói đến những bậc thầy khác tuy không trực tiếp dạy Nguyễn Sinh Cung nhưng đã ảnh hưởng và tác động đến lòng yêu nước và con đường cứu nước của cậu sau này . Đó là nhiều nhà khoa bảng yêu nước có quan hệ với cha mình. Trước hết là các vị trong “Nam Đàn tứ hổ”, không kể thầy Quý trong đó là người đã dạy cậu, “tứ hổ” đã ghi trong giai thoại của xứ Nghệ là “tài hoa bất như Song, uyên bác bất như San, thông minh bất như Quý, cường ký bất như Lương” (tài hoa ai bằng Song, uyên bác ai bằng Lan, thông minh ai bằng Quý, nhớ khỏe ai bằng Lương).
Làng Kim Liên, quê nội Bác Hồ. | Ông Giải nguyên (đỗ đầu thi Hương) Phan Văn San tức Phan Bội Châu được coi là thần thơ, thường đàm đạo với ông Sắc. Cậu Cung đứng hầu trà, rất mê những lời thơ sục sôi tinh thần ái quốc của ông và nhớ mãi câu mà ông Giải San hay ngâm: “Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch/Lập thân tối hạ thị văn chương”. Dịch nghĩa: “Mỗi bữa không quên ghi sử sách/ Lập thân hèn nhất ấy văn chương”, ý muốn khuyên các sĩ phu và lớp trẻ từ bỏ con đường thi cử lỗi thời để lo việc cứu nước. Điều làm cho cả cha con Nguyễn Sinh Sắc suy nghĩ đến tâm đắc là nhiều lần bàn về việc học, Tiến sĩ Nguyễn Quý Song thường nói: “Bây giờ chúng mình muốn đánh được Tây thì phải hiểu người Tây, nên phải học tiếng Tây”. Những sự chỉ vẽ của thầy học và các bậc cha, chú về truyền thống chống giặc giữ nước của dân tộc không đủ thỏa mãn nhiều điều mà cậu muốn biết, cậu tìm đọc các sách sử mà ông Phan Bội Châu giới thiệu và còn rủ bạn xuống thành phố Vinh tìm mua “Nam sử”, tức là sách viết về lịch sử nước ta... Năm 1905, ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc lại có giấy triều đình gọi ra làm quan. Không còn lý do để từ chối, ông buộc phải vào kinh đô nhận việc. Lúc cùng hai con trai lên đường vào Huế, ông đã để lại trong tâm trí giới sĩ phu yêu nước một câu nói nổi tiếng: “Quan trường thị nô trung chi nô lệ hựu nô lệ” (nghĩa là: quan trường là nô lệ trong đám nô lệ càng nô lệ hơn).
Tại Huế, ông nhận một chức quan nhỏ: Thừa biện Bộ Lễ. Ở một căn nhà nhỏ, với cuộc sống thanh bạch, Nguyễn Sinh Cung lúc này là Tất Thành và anh trai Tất Đạt được cha xin cho vào học Trường tiểu học Pháp Việt tỉnh Thừa Thiên.
Năm 1906, anh vào Trường Quốc học Huế. Ở đó thầy Lê Văn Miến dạy môn Hội họa và môn Pháp văn là vị thầy có tài, có đức rất tận tâm với học sinh, cũng là người đặc biệt quan tâm đến việc dạy dỗ anh.
Lê Văn Miến sinh năm 1874, con một vị huấn đạo yêu nước, người Nghệ An. Nổi tiếng học giỏi và có hoa tay khi học ở Huế, ông được Pháp cử sang Paris học cùng với Hoàng Trọng Phu và Thân Trọng Huề. Sang Paris, cả 3 người đều được đưa vào học ở Trường thuộc địa của Bộ Pháp quốc Hải ngoại nhằm “đào tạo hàng quan chức cho bộ máy công quyền ở Việt Nam để những người đó giữ lòng trung thành với nhà nước Bảo hộ”.
Đeo đẳng cái nhục mất nước, người thanh niên giàu nhiệt huyết Lê Văn Miến đã quyết tâm học thật tốt để trước hết tỏ rõ thanh niên Việt Nam không chịu thua kém ai, sau nữa là mong có điều kiện trở về phụng sự cho dân, cho nước. Nghe tiếng ông học xuất sắc ai cũng khâm phục. Viên Tổng trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại, khi đến thăm trường đã trực tiếp hỏi Lê Văn Miến: “Anh có yêu nước Pháp không?” Ông đã trả lời: “Với văn hóa Pháp tôi rất thích, còn việc người Pháp đi xâm lược nước khác, tôi không chịu”... Sau đó, ông còn cùng một số bạn đấu tranh chống lại những hành động thô bạo phân biệt đối xử giữa sinh viên chính quốc với sinh viên các nước thuộc địa. Tất nhiên, sự việc đó được nhà trường báo cáo lên bộ chủ quản.
Cuối khóa, cả 3 sinh viên Việt Nam đều tốt nghiệp. Thân Trọng Huề và Hoàng Trọng Phu về nước làm quan rồi được thăng đến chức Tổng đốc. Còn Lê Văn Miến xin ở lại theo học Hội họa tại Trường Mỹ thuật Paris . Ngoài học vẽ, ông muốn có thêm thời gian để tiếp tục tìm hiểu nền văn minh và văn hóa Pháp và văn hóa châu Âu. Tại Trường Mỹ thuật Paris , ông Miến đã được vị giáo sư Giê rôm, một bậc danh họa mời cộng tác trong một số tác phẩm và nhờ đó ông nổi tiếng tại thủ đô nước Pháp về môn chân dung và các bức nhân họa...
Về nước, ông nhận việc trang trí sách cho nhà in Setchiê tại Hà Nội. Sau một thời gian bị phát hiện, ông được mời về làm trợ giáo Trường Pháp Việt Vinh rồi giáo viên Trường Quốc học Huế dạy môn Hội họa và môn Pháp văn. Điều đó giúp ta cắt nghĩa hồi trẻ, Nguyễn Ái Quốc thích vẽ và tranh châm biếm của Người được nhiều người thích thú và nhà danh họa Picasso khích lệ.
Một chuyện cảm động đáng ghi lại về thầy Lê Văn Miến là trong một dịp ông vào cung vẽ chân dung cho vua Thành Thái và do nhà vua yêu cầu, ông đã vẽ cho ngài một bản sơ đồ làm súng trường. Khi thực dân Pháp quy tội nhà vua chống lại chính phủ bảo hộ và bắt ngài giam ở Viện Cần Chánh, chúng khám xét khắp hoàng cung, thấy trong phòng riêng của nhà vua bản sơ đồ đó, nhưng mãi mãi và tuyệt nhiên ngài không nói là bức họa đó do ai vẽ... Tuy nhiên sau này, khi thầy Miến bị mụn nhọt nhiều ở bàn tay, phải vào bệnh viện, một bác sĩ đã được lệnh của bọn quan thầy thực dân tiêm cho thầy mấy ống thuốc, mụn nhọt có giảm đau, nhưng đôi mắt của thầy sau đó đã bị mù.
Khi thầy mất năm 1943 ở Thừa Thiên, người anh của Bác Hồ, ông Nguyễn Sinh Khiêm - tức Tất Đạt đã thay mặt cho cả em trai của mình đưa thầy về nơi an nghỉ cuối cùng.
Đối với Bác Hồ thời ấy, điều có ý nghĩa là chính dưới mái trường Quốc học Huế, Người đã được thầy Lê Văn Miến dạy cho mình những điều mới mẻ về nền văn hóa phương Đông và nền văn hóa phương Tây và như muốn nhắc nhở học trò là phải biết phân biệt giữa cái xấu của chủ nghĩa thực dân Pháp với nền văn minh Pháp và nền văn hóa phương Tây để biết cái gì cần phải chống và điều gì cần phải học.
Lê Văn Miến đã là thầy giáo đầu tiên đưa Nguyễn Sinh Cung - tức Tất Thành đến với nền văn hóa phương Tây.
Nguồn: suckhoedoisong.vn (14/11/07)
| Trường Quốc học Huế thế kỷ XIX - XX. |
|