Búi tóc đỉnh đầu của phụ nữ Thái
Riêng ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), khi người con gái Thái bước chân vào nhà chồng để làm Lễ ăn cơm - uống rượu chung là phải thực hiện tẳng cẩu nám xiềm. Việc hệ trọng này gọi là làm Lễ tẳng cẩu. Nhà trai chuẩn bị một đôi trâm bạc ròng dài 20cm, một đầu nhọn, một đầu bốn cạnh vuông, bên trong rỗng, bên ngoài phần đầu tù vuông, chạm trổ tinh vi, một lọn tóc dài để độn mái tóc cô dâu thêm dày. Một Người đàn bà đã có chồng, sinh nở có nếp - tẻ (trai có - gái có), đảm đang, đoan trang và khéo léo trong họ nhà trai được cử ra để tẳng cẩu cho cô dâu.
Ông mối (lạm) chủ trì Lễ ăn cơm - uống rượu chung vừa xong thì bắt đầu tiến hành tẳng cẩu. Chiếc kẹp tóc trên đầu cô dâu được gỡ ra. Một tay bà Đó vuốt xuôi thuận theo mái tóc cô dâu. Taykia, cầm bàn tay phải cô dâu đặt nhẹ lên mái tóc, như một lời giã biệt tuổi thanh xuân son trẻ. Bắt đầu từ giờ phút thiêng liêng, trọng đại này, cô đã thuộc về một mái tóc trưởng thành, gắn liền với cuộc sống gia đình, có chồng, có con...
Sau đó, bà dùng cả đôi bàn tay vuốt ngược mái tóc cô dâu lên đỉnh đầu. Bàn tay trái cuộn gập mớ tóc lại, rồi nắm chặt một núm tóc dựng đứng trên đỉnh đầu. Bàn tay phải xoay xoay cuốn mái tóc dày trùm vòng qua bàn tay trái 2 vòng, rồi rút tay ra, lấy trâm bạc cài xuyên qua búi tóc, chốt cho chặt chẽ (nám xiềm).
Cuối cùng bà lấy một tấm khăn đen dài, hai đầu khăn có những vết tròn trắng (khăn đăm tá bông) cuốn lên đầu cô dâu như hình quả trám trước sự chứng kiến của họ hàng đôi bên. Cách thức tẳng cẩu nám xiềm sau đó được truyền bảo lại cho cô dâu để cô tự làm lấy.