Bốn điểm đặc biệt của vườn quốc gia Ba Vì - Hà Tây
1. Sườn Đông khác hẳn sườn Tây
Vườn quốc gia Ba Vì nằm ở trung tâm vùng núi Tản Viên, rộng gần 7.400 ha với ba đỉnh núi thường bị mây phủ, đó là Đỉnh Vua 1298m, Đỉnh Tản Viên 1227m và Đỉnh Ngọc Hoa 1180m. Sự hùng vĩ của khối núi như được tôn thêm bởi sự khác biệt rõ rệt của hai sườn Đông và Tây.
Sườn Tây của khối núi đổ xuống bờ phải sống Đà, có địa hình rất dốc, nhiều nơi xuất hiện những vách đá dựng đứng. Hoạt động trượt lở xảy ra mạnh mẽ và rộng khắp theo các sườn dốc tạo thành những đống đổ lở toàn cuội, tảng, dăm, sạn. Dải đồi hẹp ven chân núi không đủ làm mềm mại cảnh quan hùng vĩ của các vách đá. Sườn Tây khuất gió nên có vi khí hậu nóng và khô, ít mưa, các dòng suối hầu như chỉ có nước vào mùa lũ. Sườn Tây là nơi cư trú của các nhóm động vật giỏi leo trèo như gấu, sơn dương, khỉ...
Sườn Đông ngược lại, khá thoải. Sườn núi hạ thấp dần để chuyển tiếp sang vùng đồng bằng - đồi gợn sóng. Là sườn hứng gió và hứng mưa, sườn Đông luôn có độ ẩm cao và mát mẻ. Cây cối mọc xanh tươi trên tầng đất thổ nhưỡng dày và nhiều mùn. Những nhóm động vật leo trèo kém như hoẵng, heo rừng, nai, nhím... tìm thấy ở sườn Đông, nơi kiếm ăn khá lý tưởng. Hàng loạt điểm du lịch thiên nhiên như Khoang Xanh, Thác Đa, Ao Vua, Tiên Sa... được xây dựng dọc theo các dòng suối không bao giờ cạn nước và cũng ít khi vắng bóng du khách. Ven chân núi có những cánh đồng cỏ rộng lớn đủ sức nuôi đàn bò sữa đông đúc và nổi tiếng của Ba Vì.
2. Hai loài tre phân chia lãnh thổ
Vườn có hai loài tre rất đặc biệt, hiếm thấy có ở nơi khác. Đó là loài tre lùn (ít khi cao quá 3m) và loài tre bò lan sát mặt đất, không mọc thẳng đứng bao giờ. Điều đặc biệt là hai loài tre này không sống chung với nhau.
Tre lùn ưa khí hậu lạnh, ẩm, chịu được gío mùa nên thích nghi với vùng đỉnh núi có độ cao trên 900m. Tại đó, tre lùn sống xen với một số loài cây chịu lạnh và cũng ... lùn như bách xanh, đỗ quyên. Thân và cành các cây thân gỗ thường bị phủ kín bởi rêu và địa y, tạo thành kiểu rừng rêu rất độc đáo còn được gọi là “rừng thần tiên”, ẩn hiện trong mây mù.
Tre bò lan, trái lại, là loài ưa ánh sáng và nóng. Chúng phát triển giống như loài dây leo đặc biệt, đan bện thành những tấm lưới cây chằng chịt sát mặt đất khiến cho các loài thân gỗ không thể sinh trưởng và tái sinh được. Tre bò lan mọc rất nhanh tại các khoảnh rừng bị chặt phá. Chúng phát triển tốt ở các đai cao từ 400-800m, nơi có nhiều khoảng trống đầy nắng.
3. Nhiều loài chim và lắm loài sâu bọ
Vườn quốc gia Ba Vì có đến 113 loài chim, là Vườn nhiều loài chim nhất trong số các Vườn quốc gia của nước ta. Những nhóm chim có nhiều loài nhất ở đây là chim đớp ruồi 22 loài, diệc 9 loài, cu rốc, chào mào, cu cu – mỗi nhóm 6 loài. Nhiều tài liệu khoa học cho biết có mặt cả những loài chim hiếm như gà lôi trắng, công, yến và nhạn rừng. Trước đây, một trạm cứu hộ chim được xây dựng để chăm sóc những con chim bị săn bắt và buôn lậu gây thương tích, để sau đó sẽ thả lại chúng vào thiên nhiên. Cách đây hai năm, trong một đêm, một đàn khỉ tấn công vào trạm cứu hộ, phá rách lưới và giải thoát cho bầy chim. Trạm cứu hộ từ đó cũng bị hủy bỏ.
Vùng núi Ba Vì và lân cận là một tổng thể nhiều sinh cảnh đa dạng: rừng cây bụi, trảng cỏ, sông suối, đầm hồ, ruộng lúa... tạo ra nhiều nơi sống và kiếm mồi. Ba Vì cũng có trên 800 loài thực vật, tạo điều kiện thoả mãn nhu cầu làm tổ và kiếm mồi cho nhiều loài chim khác nhau.
Giới côn trùng (sâu bọ) ở Ba Vì cũng cực kỳ đa dạng. Ở đây đã nhận diện được 86 loài, trong số đó có đến 17 loài côn trùng ăn lá. Tuy nhiên, ở Ba Vì chưa từng gặp dịch hại sâu bọ (kiểu như dịch sâu róm hại thông). Ngoài việc sâu bọ bị chim săn bắt ráo riết, sự đa dạng cao của các loài cây và chính các loài sâu bọ đã tạo ra cơ chế tự kiểm soát không cho dịch bùng phát.
Người dân sống ven chân núi Ba Vì cho rằng, đây là vùng đất Thánh Tản Viên, nên “đất lành chim đậu”. Một nhà khoa học Nhật Bản đến làm việc tại Ba Vì lại cho rằng các vùng “đất lành” là những nơi phát xạ địa từ trường giúp cho loài chim biết cách định hướng trở về khi di trú hay kiếm mồi xa, cũng như tạo cho chúng cảm giác an toàn về nơi làm tổ. Dù các cách giải thích đó đúng đến mức nào, thì Ba Vì vẫn là nơi có nhiều loài chim nhất nước ta.
Ngôi đền linh thiêng trong hốc núi
Đó là đền thờ Đức Thánh Tản Viên. Không xây dựng to lớn, hoành tráng trên đỉnh núi hoặc trên các bãi đất bằng phẳng, đền Đức Thánh Tản Viên ẩn mình trong một hõm đá chật hẹp, phía trên được che bằng một mái đá tự nhiên. Ngôi đền nhỏ bé và chỉ có một mái phía trước. Trong mây mù như khói sương và màu xanh của trúc quân tử, bách xanh và đỗ quyên núi, mái đền cong ẩn hiện một vẻ thanh nhàn tiên cảnh. Vậy mà quanh năm, ngày nào cũng rất đông khách hành hương từ nhiều miền đất nước đến thăm viếng.
Cảnh quan xây dựung của ngôi đền phản ánh tín ngưỡng thờ Mẫu – một tính ngưỡng lâu đời nhất của người Việt. Không phải các đỉnh núi mà chính là các hang, động, các hốc đá, hõm đá, khe núi... – yếu tố “âm” trong thuyết âm dương – là đại diện của Mẫu, mới là nơi linh thiêng đầy quyền uy. Ở nước ta, nhiều ngôi chùa, đền, am được xây cất trong hang, động, hốc núi cũng là để nhờ cậy vào thiên uy của Thánh Mẫu. Kiến trúc đền thờ Đức Thánh tản phản ánh tín ngưỡng cổ xưa của người Việt, có lẽ còn cổ xưa hơn cả truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh. Với sự hiện diện của ngôi đền, Vườn quốc gia Ba Vì không giống như các khu rừng đặc dụng thông thường mà là vùng đất địa linh – danh thắng mang đậm tính nhân văn Việt Nam .
Bốn đặc điểm đặc biệt trên đây chưa phải là tất cả bí ẩn của vùng núi Ba Vì. Vẫn còn những câu hỏi khác đang đợi các nhà khoa học giải thích: tại sao trong cơn giông, sét không đánh vào đỉnh núi mà rất hay đánh vào chân núi? Tại sao hay gặp những chú kỳ đà ngẩn ngơ (đuổi không buồn chạy) trên núi Ba Vì? Tại sao phần lớn các loài động vật chỉ sống ở lưng chừng núi trong khi có ít loài sống trên vùng đỉnh núi, mặc dù ở đó rừng được bảo tồn nguyên vẹn hơn?...
Dù trả lời được hay chưa, các bí ẩn của Vườn quốc gia Ba Vì vẫn hấp dẫn không chỉ các nhà khoa học mà cả du khách bốn phương.
Nguồn: KH&ĐS số 43 (1761), ngày 30/5/2005