Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 26/06/2009 21:39 (GMT+7)

Bối cảnh lịch sử vào thời Trịnh - Nguyễn

Trong suốt thời kỳ Trung hưng, vua Lê - mà bắt đầu là một hình ảnh tệ hại: Chúa Chổm (1) - thực sự chỉ còn là danh nghĩa. Cuộc chiến tranh Nam Bắc triều (Lê - Mạc) tuy có kéo dài, tiêu hao lắm người và của song chưa phải là một cuộc chiến tranh đe doạ sự thống nhất của dân tộc: Vùng đồng bằng sông Hồng ở phía Bắc và vùng châu thổ sông Mã, sông Cả ở phía Nam vốn từ lâu đời, là một thể thống nhất. Mật độ dân số và tiềm lực kinh tế rõ ràng không thuận lợi cho một thế chia cắt. Nhưng chính cuộc chiến tranh Trịnh - Mạc này đã tạo điều kiện để dẫn đến cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn và sự phân ly lãnh thổ về sau với hậu quả phá hoại sự đoàn kết và thống nhất dân tộc.

“Cả thiên hạ đua theo về lợi” là tổng kết của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) về thời đại của ông. Toàn thể xã hội bị ảnh hưởng, bị chi phối bởi sự tranh giành quyền lợi. Lý tưởng sống nhân nghĩa, yêu nước thương dân của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi không còn nghe ai nói đến. Chỉ có dung (yên thân) và lợi. Có thể nói Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhìn thấy rõ tâm can của các cá nhân và dòng họ thế lực đương thời (2). Chẳng những thế, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tiên đoán cái thế chia hai thiên hạ từ khi Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá. “Bên kia dãy Hoành Sơn…” chính là miền đất Thuận Hoá và Quảng Nam . Tại sao chiếm lĩnh được miền đất Thuận Quảng lại có thể dung thân muôn đời? Phải chăng sự mở rộng lãnh thổ về phía Nam đã hình thành những trung tâm kinh tế chính trị mới, mà trước tiên là Thuận Hoá tạo điều kiện cho sự phân ly và chính sự phân ly lại thúc đẩy Đàng Trong đẩy biên cương phía Nam tiến nhanh về vịnh Xiêm?

Cuộc hôn nhân Trần Huyền Trân và Chiêm Chế Mân năm 1306 đã đem về cho Đại Việt hai châu Ô, Lý. Năm sau Ô, Lý được đổi thành châu Thuận và châu Hoá. Thuận Hoá (Quảng Trị, Thừa Thiên và một phần phía bắc của Quảng Nam) mau chóng trở thành một vùng trọng yếu ở phía Nam . Lê Lợi thu phục giang sơn, Lê Thánh Tông tiến quân về phía Nam đều có sự đóng góp quan trọng của Thuận Hoá (3). Đến nửa đầu thế kỷ XVI, Thuận Hoá đã là một vùng “núi non trùng điệp, vàng sắt chất chứa, sông bể mênh mông, cá muối, hào soạn tha hồ khai thác” (4).

Từ 1558 - 1593, Nguyễn Hoàng đã lợi dụng thời gian Trịnh lo đối đầu với Mạc, để thu phục nhân tâm và mở mang Thuận Quảng. Trở lại Thuận Hoá năm 1600, Nguyễn Hoàng đã nghiễm nhiên chấp nhận sự đối đầu với họ Trịnh. Và, trước khi mất (1613) hẳn Nguyễn Hoàng đã thấy được cái nhãn quan địa lý chính trị của Trạng Trình là tuyệt vời” (5).

Để phục vụ chiến tranh, Trịnh và Nguyễn đều phải vơ vét đến tận cùng xương máu và mồ hôi của nhân dân Đàng Ngoài và Đàng Trong.

Trước hết là xương máu: nạn bắt lính. Đó là nỗi sợ hãi của nông dân. Năm 1630, quân Nguyễn tiến chiếm nam Bố Chính, giết quan châu, lấy hết tiền kho và “biến hết dân làm lính” (6). Thử tưởng tượng một vùng đất nông nghiệp và ngư nghiệp nay không còn một người đàn ông cày ruộng và đi biển.

Ở ngay trên chính miền đất mà chúa Nguyễn “vỗ về, thu phục nhân tâm”, việc bắt lính cũng diễn ra như là lùng bắt tội phạm: “Mỗi năm, vào khoảng tháng ba, tháng tư, quân nhân đi ra các làng bắt dân từ 16 tuổi trở lên, những người thân thể cường tráng, đóng gông lại bằng một cái gông tre giống như cái thang nhưng hẹp hơn, để giải về phủ sung quân. Vào quân đội rồi, mỗi người chuyên học một nghề. Kẻ phân phái đi theo các chiến thuyền để tập luyện. Có chiến tranh đem ra đánh giặc, lúc vô sự ở theo vương phủ làm xâu, tuổi chưa được sáu mươi chưa được về làng cùng cha mẹ hoặc vợ con đoàn tụ. Hàng năm thân thích đem lại áo quần, vật thực đến thăm nhà thôi” (7).

Rõ ràng trong suốt cuộc chiến 45 năm, người lính không có lòng căm thù quân địch mà các tướng lĩnh muốn kích thích ở họ. Họ không chia sẻ tính chất “chính nghĩa” của cuộc chiến mà cả hai bên Trịnh - Nguyễn đều muốn vỗ ngực giành về phía mình. Tinh thần phản chiến đã khiến một người lính Bắc quân mách bảo cho lính Nam quân cách dập tắt lửa của diều dẫn hoả và tránh thương vong vì loại trái phá một mẹ sinh năm con (8). Cũng trong tinh thần đó, lính Nam (Binh Nghệ An) “hoặc bắn súng không đạn, hoặc múa gươm không chém, bỏ về mất quá nửa…”

Chỉ có bọn chúa tham quyền, bọn tướng lĩnh say mê với công hầu là bất chấp xương máu của dân. Trong hơn 150 năm, núi xương sông máu, chỉ thấy có Mạc Ngọc Liễn và Tôn Thất Hiệp nhìn ra chiến tranh tương tàn là đại hoạ của nhân dân. Mạc Ngọc Liễn trước khi chết đã để thư lại cho Mạc Kính Cung: “Nay họ Lê lại dấy lên được, ấy là trời đã định, còn dân ta thì có tội gì mà ta nỡ để khổ sở mãi vì chiến tranh? Vậy ta nên đành phận lánh ở nước ngoài, chớ đừng có đem lòng cạnh tranh mà lại mời người Tàu sang làm hại dân nước mình (10)”.

Tôn Thấp Hiệp, tổng chỉ huy của quân Nam trong trận quyết chiến năm 1672, chứng kiến cái chết thảm khốc “không đúng số” của hàng vạn quân lính hai bên đã nhận chân được tính chất tàn hại phi lý của cuộc chiến. Ông cho lập đàn tế Nam quân và cả Bắc quân, cho mai táng lính Bắc tử trận. Cả với quân Nam và quân Bắc, ông mong linh hồn họ được bình yên với quê hương và gia đình:

Phách có linh nên về giúp vợ con

Hồn có thiêng hãy tìm về xứ sở

(Văn tế Nam quân)

Từ nay vạn thảm tiêu tan

Sau lại nghìn sầu cởi bỏ.

Hỡi các ngươi!

Tìm về nước cũ, sẵn người ruột thịt nối, chưng thương!

Nhận đúng làng mình, đừng ở xa xôi làm lữ khách

(Văn tế Bắc quân)

Rồi, sau lễ mừng thắng trận mà ông nhiều lần từ khước nhận thưởng, từ bỏ vợ con, tước lộc vinh hiển “dựng một am nhỏ ở xã Khách Quán (gần thành Hoá Châu). Từ đó xa lánh sắc đẹp, sở với của cải, vui cùng hạt thiện rễ nhân…” (11) lúc mới 20 tuổi (12).

Chiến tranh tương tàn là anh em sinh đôi với nạn đói. Ở Đàng Ngoài, vốn đã kiệt quệ vì chiến tranh Trịnh - Mạc, nay lại dốc sức đánh Nguyễn tất phải vơ vét của cải trong nhân dân. Gặp lúc đại hạn, mất mùa như vào năm 1608, nhiều dân đất Bắc phải phiêu dạt vào tận Thuận Quảng (13) năm 1745 có bốn nghìn dân đói ở Đàng Ngoài tìm cách trốn vào kiếm sống ở Đàng Trong nhưng bị ngăn chặn và suýt chút nữa bị chém (14)!

Ở Đàng Trong, nhờ những vùng đất mới khai thác, mật độ dân còn thấp, tài nguyên còn phong phú rõ ràng dù có chinh chiến dân cũng không đến nỗi đói kém nhưng vì nạn bắt lính, bắt dân sưu dịch xây thành đắp luỹ và sự phân phối không đều nên hễ gặp lụt lội, hạn hán thì dân Thuận, Quảng lại mất mùa, đói kém, có năm có người phải chết đói (15). Vào lúc chiến tranh cao điểm, nhà chúa vơ vét hết nhân lực dành cho công việc đồng áng, làm cho nông thôn tiêu điều như Thích Đại Sán mô tả:

Dân làng toàn lão nhược

Trai tráng ra tòng quân

Nhà hư sợ mưa dột

Cây héo mặc sương nhuần

Nỗi khổ nơi làng mạc

Ai tâu lên chín từng(16)

Dân còn bị nạn nhũng nhiễu của nền hành chính phiền hà “10 con trâu có đến 9 người chăn”, sách nhiễu của bọn thừa hành như Nguyễn Cưu Trinh đã tâu lên chúa vào năm 1751. Dưới thời Nguyễn Phúc Khoát, vì nạn tiền kẽm nhân dân Thuận Quảng phải đói khỏ mấy năm liền. Và vào năm 1774, Thuận Hoá đói lớn, ngoài đường có xác người chết đói, người nhà có khi ăn thịt lẫn nhau (17).

Alexandre de Rhodes đã có mặt vào thời gian đầu của cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn. Trên các nhan đề sách ông viết cho ta thấy có hai vương quốc mà ông gọi là Vương quốc Cochinchina và Vương quốc Tonkin. Đại Việt đang bị chia hai dưới hai chính quyền của hai vị chúa đối nghịch nhau. Đó là một thực tế. Nhưng là nhân chứng có mặt ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, hẳn A. de Rhodes, có nhận xét dân hai miền “cùng nói một thứ tiếng, cùng chung một tập quán, họ lại yêu quý lẫn nhau. Người Đàng Trong thường lấy làm vinh dự tự coi mình là dòng dõi Đàng Ngoài…” (18). Trên bản đồ (19) A. de Rhodesvẽ cả cương vực Đàng Trong và Đàng Ngoài mà ông gọi chung là vương quốc An Nam (20) (Royaume d’Annam). Cochinchina và Tonkinlà hai xứ của vương quốc ấy. Điều này phù hợp với một thực tế: Đàng Trong và Đàng Ngoài đều dùng niên hiệu vua Lê, đều thừa nhận quốc hiệu Đại Việt. Dù chúa Nguyễn đã bắt dân thay đổi y phục cho khác với Đàng Ngoài, phủ trị được thăng từ dinh lên phủ rồi Kinh thành, ý đồ muốn chia đôi lâu dài song vẫn phải khắc: “Đại Việt quốc, Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bửu”. Ấn đó còn truyền đến các vua nhà Nguyễn. Cũng cần phải ghi nhận một số cố gắng khác của Nguyễn Phúc Chu trong xu hướng muốn biến Đàng Trong thành một nước riêng. Ấy là vào năm 1702, chúa đã sai hai người Trung Hoa là Hoàng Thần và Hưng Triệt mang quốc thư và cống phẩm sang nhà Thanh cầu phong. Nhà Thanh đã khước từ với lý do còn có vua Lê.

Hậu quả của sự phân ly là nội chiến. Nhưng dù nội chiến khốc liệt và kéo dài cũng không đủ để nhân dân hai miền coi Đàng Trong và Đàng Ngoài như hai nước.

Mối đe doạ nền thống nhất bắt nguồn từ thời kỳ “cắt đất Bố Chính làm hai phía, lấy một cây lau nhỏ làm giới hạn” (21) làm cho nhân dân hai miền bị phân cách, cắt đứt mọi quan hệ, mọi thông tin. Một tiến sĩ Bắc Hà như Ngô Thì Sĩ, năm 1777, thú nhận là “công việc miền Nam hà cũng mơ màng không rõ gì cả” (22), còn nói gì đến dân thường. Cho đến năm Nguyễn Huệ đem quân ra Thăng Long lần đầu tiên (1786), gần 6 thế hệ dân Đàng Trong không biết đến Đàng Ngoài và ngược lại. Chính trong điều kiện đó mà khái niệm hai nước hình thành dần trong ý thức và biểu hiện qua ngôn ngữ. Đọc Hoàng Lê nhất thống chíta không khỏi đau xót và giật mình nhận thấy, trên từng trang một, cái thực tế hai nước đã mặc nhiên thừa nhận trong ngôn ngữ của người đương thời” (23).

Quả thực là tình trạng chia cắt đã xói mòn tinh thần dân tộc và phá hoại ý thức thống nhất. Song thực là thiếu sót nếu không nói đến sự phát triển lãnh thổ về phía Nam của Đàng Trong trong thời gian nội chiến và nhất là trong thời kỳ sau nội chiến. Sự phát triển lãnh thổ đồng thời với sự tích cực khai thác để có tiềm lực về kinh tế đã khiến miền Nam dần dần có thể sánh ngang với miền Bắc. Lê Quý Đôn đã phải khen: “… Văn mạch ở đất này [Đàng Trong] dằng dặc không dứt, thật đáng khen”. Phải chăng, về phương diện kinh tế, đây là một yếu tố tích cực góp phần chấm dứt thời kỳ khủng hoảng, tạo điều kiện cho Đại Việt tiến đến thống nhất?

Sứ mệnh lịch sử quan trọng đó đã được Nguyễn Huệ thực hiện. Trước hết, bằng thiên tai quân sự, Nguyễn Huệ đã xoá bỏ được tình trạng chia cắt Trịnh - Nguyễn loại trừ những mầm mống cát cứ mới như Nguyễn Hữu Chỉnh, Trịnh Bồng, đánh tan quân xâm lược Xiêm và Thanh.

Nguyễn Huệ có hoài bão “giúp dân, dựng nước”, mong đất nước được giàu mạnh, Nguyễn Huệ là người bách chiến bách thắng nhưng lại hiểu được rằng “việc binh là việc độc hại cho nhân dân” (24), Nguyễn Huệ lên án thời kỳ Nam Bắc phân tranh đã khiến nhân dân phải lầm than (25) dùng chính sách ngoại giao để chấm dứt việc binh đao giữa Việt Nam và Trung Hoa. Nguyễn Huệ (26) bằng những chiến công Nam , Bắc của mình đã trở thành niềm tự hào của dân tộc.

Đàng Trong và Đàng Ngoài (27), cho dù có thời gian đã phân cách và tham vọng của những thế lực cát cứ là muốn biến chúng trở thành hai nước, song trong ngôn ngữ Việt mà A. de Rhodes rất rành, vẫn là danh xưng để chỉ hai phần của một thể thóng nhất. Nhà Lê chỉ còn trên danh nghĩa, ngọn cờ phù Lê cho dù rách nát và bị lợi dụng song nó vẫn chứng tỏ lòng dân cả hai miền chưa thể quên được một nước Đại Việt đã từng đánh bại cuộc xâm lược Nguyên Mông, đã chém Liễu Thăng, đuổi Vương Thông và lời khẳng định của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo: “Giang san từ đây mở mặt, xã tắc từ đây vững bền… nền vạn thế xây nên chắc chắn”.

Royaume de Tonkin, Royaume de Cochinchina là những danh xưng phản ánh một thực tế trong cách nhìn của người nước ngoài mà thôi. Chính vì vậy mà các danh xưng trên vẫn tồn tại song song với danh xưng Royaume d’Annam mà A. de Rhodes ghi trên bản đồ. Cho dù danh xưng sau có thể được ít nói đến hơn song nó có gốc rễ sâu xa trong lịch sử và trong lòng người.

Chú thích

1.                  Chúa Chổm: Ngày nay người Việt còn dùng “mắc nợ như chúa Chổm!”.

2. Tương truyền ông đã chỉ cho Nguyễn Hoàng miền đất xa xôi nhưng nhiều triển vọng ở phía Nam đèo Ngang (Hoàng Sơn nhất đái, vạn đại dung thân), chỉ cho họ Mạc cái thế dựa lưng Trung Quốc của mảnh đất nhỏ bé Cao Bằng (Cao Bằng tuy thiểu, khả dung số thế) và cảnh cáo Trịnh Kiểm khi Trịnh Kiểm muốn đạp đổ cái bình phong vua Lê để ở vào địa vị cao sang tột cùng (Thờ Phật thì ăn oan). Sự tranh giành quyền lợi không chỉ xảy ra giữa các dòng họ mà còn diễn ra trong nội bộ của mỗi thế lực. Anh em, cha con giết lẫn nhau. Ở Đàng Trong: 1630, vụ quận Văn và quận Hữu, vụ Nguyễn Phúc Ánh (1635), Nguyễn Phúc Trung (1654). Ở Đàng Ngoài: Trịnh Cố và, Trịnh Tùng, Trịnh Tùng và Trịnh Xuân, Trịnh Tạc và Trịnh Toàn…

3. Lê Lợi: “Tổ tiên ông cha các ngươi đã tận trung với nước, góp sức đánh bại quân thù, lấy lại đất đai. Những công trạng hiển hách đó hiện nay đã chép vào sử sách lưu truyền đời sau”. (Dụ tướng hiệu quân nhân Tân Bình Thuận Hoá – 1427). Xem Lê Quý Đôn,Đại Việt thông sử , bản dịch của Viện Sử học, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 64).

Trịnh Kiểm: “Xứ Thanh Hoá là kho tinh binh trong thiên hạ, buổi đầu Quốc triều ta bắt đầu gây dựng cơ nghiệp cũng đã dùng dân xứ ấy để dẹp giặc Ngô. Xứ ấy địa thế hiểm trở, dân khí cương cường, lại có nhiều nguồn lợi trên rừng dưới biển là vùng trọng yếu không xứ nào hơn”. Xem Lê Quý Đôn,Đại Việt thông sử , sđd, trang 305.

4. Tôn Thất Hân,Genéalogie des Nguyễn avant Gia Long (Bùi Thanh Vân dịch), dẫn bởi Phan Du,Quảng Nam qua các thời đại, quyển thượng, Cổ học tùng thư, Đà Nẵng, 1974, tr 76.

5. Nguyễn Hoàng: “Đất Thuận Quảng - núi sinh vàng, sắt, biển có cá muối thật là đất dụng võ của kẻ anh hùng. Nếu biết dạy dân, luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng sự nghiệp muôn đời…”. Xem Phan Khoang,Việt sử xứ Đàng Trong, Sài Gòn 1970, tr 164.

6. Lê Quý Đôn,Phủ biên tạp lục , sđd, tr 53.

7. Thích Đại Sán,Hải ngoại kỷ sử (bản dịch của Nguyễn Phương và Nguyễn Duy Bột). Huế 1963, tr 43.

8. Nguyễn Khoa Chiêm, bài đã dẫn, tr 32 và 26.

9. Lê Quý Đôn,Phủ biên tạp lục , sđd, tr 59.

10. Trần Trọng Kim, sđd, tr 282.

11. Nguyễn Khoa Chiêm, bài đã dẫn , tr 223 và theo hệ phả hiện còn ở Vân Thê - Thừa Thiên. Tôn Thất Hiệp là tổ 5 đời của Tôn Thất Thuyết.

12. Đáng buồn là hành động của ông chẳng thức tỉnh được bọn mưu đồ cát cứ. Đông cung thế tử - anh của Tôn Thất Hiệp còn nghi ngờ ông là “cầu huyền bí… để tranh ngôi”" nên muốn phá Tĩnh am..!

13. TheoThực lục tiền biên . Dẫn bởi Phan Khoang, sđd, tr 163.

14. Theo Peirre Poivre, dẫn bởi Hoàng Phủ Ngọc Tường, sđd, tr 32.

15. Phan Khoang,Việt sử xứ Đàng Trong, Sài Gòn 1970, tr 611.

16. Thích Đại Sán, sđd, tr 67.

17. TheoThực lục tiền biên . Dẫn bởi Phan Khoang, sđd, tr 614.

18. Theo Pierre Poivre, dẫn bởi Hoàng Phủ Ngọc Tường, sđd, tr 34.

19. In lại trongHenri Bernard, Pour la comprehnsion de l’Indochinet de l’Occident, Hà Nội 1939, tr 3, Carte dy Royanume d’ Annam (extrait de la Relazionne du P. Alexandre de Rhodes, 1650, H.10.et 11).

20. Alexandre Rhodes dùng Annam thay vì Đại Việt là theo cách gọi của Trung Hoa.

21, 22. Lê Quý Đôn,Phủ biên tạp lục , sđd, lời Bạt của Ngô Thời Sĩ.

23. Nguyễn Phúc Khoát ngoài biện pháp “đổi áo mũ, thay phong tục” còn cấm cả người Đàng Trong nói tiếng Đông Kinh (giọng Bắc) trước mặt chúa (Theo Pierre Poivre, dẫn theo Phan Du,Lược khảo về xứ Đàng Trong).

24. Chiếu phát phối hàng binh.

25. Chiếu lên ngôi.

26. Nguyễn Huệ nói riêng chứ không phải Tây Sơn mà Nguyễn Nhạc, người đứng đầu, cũng có tư tưởng cát cứ.

27. Đương thời có câu hát: Có ai về tới Đường Trong, Nhắn nhe bố đỏ liệu trông đường về…

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Thanh Hoá: Tập huấn Bình dân học vụ số cho cán bộ, hội viên
Ngày 22/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn về Công nghệ số ứng dụng trong sản xuất và đời sống (Bình dân học vụ số) cho gần 200 cán bộ, hội viên của các hội thành viên, trung tâm trực thuộc, đơn vị liên kết trong hệ thống Liên hiệp hội.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...