Bình Phước: Lão nông sáng tạo hệ thống đóng mở mạch điện 220V điều khiển từ xa
Năm 2008, trước cảnh thời tiết quá nóng bức, kèm theo đó nhà lớp mái tôn nên không khí trong nhà rất ngột ngạt, muốn làm cho nhà được mát là gắn hệ thống bơm nước để làm cho mái tôn được mát. Khi gắn hệ thống phun nước vào mái tôn và đưa vào sử dụng được một thời gian. Nhưng thấy không hiệu quả, tốn rất nhiều thời gian nên không có thời gian để tắt hệ thống bơm nước. Trước cảnh đó, ông Nhã đã nảy ra ý định sáng tạo ra hệ thống điều khiển từ xa để khi muốn đóng mở nguồn nước một cách dễ dàng hơn. Ban đầu, ông sử dụng hệ thống điều khiển từ xa từ chiếc xe đồ chơi của trẻ em để làm ra chiếc điều khiển từ xa cho hệ thống bơm nước lên mái tôn. Qua nhiều đêm nghiên cứu, ông đã sáng tạo thành công hệ thống điều khiển từ xa bằng xe đồ chơi trẻ em.
Ông Nhã cho biết: Trên bảng điều khiển cầm tay của xe đồ chơi có hai nút: một nút điều khiển xe chạy tới và nút điều khiển xe chạy lùi. Ở phần bánh xe sau của xe ông gắn một cánh tay rô bốt dài 25mm, bên hông của xe đối diện với cánh tay robot ông cho gắn một công tắc nồi cơm điện (công tắc này được nối với một công tắc tơ lớn gắn ở trên bảng điều khiển gần xe robot và công tắc này được kết nối với thiết bị tiêu thụ điện). Về nguyên lý hoạt động, khi bấm vào nút tới bánh xe sẽ quay tới, cánh tay robot sẽ tác động vào công tắc nhỏ ở hông xe và khi đó công tắc này sẽ đóng mạch cung cấp điện cho công tắc tơ hoạt động. Nếu bấm nút chạy lùi thì thiết bị sẽ bị đóng mạch không cung cấp mạch điện, máy sẽ không hoạt động (tắt nguồn điện).
Tuy nhiên khi sử dụng hệ thống điều khiểu từ xa bằng pin (được 2 năm) gặp nhiều bất lợi, do khi sử dụng hệ thống này bị nhiễu sóng radio; đóng mạch bằng cánh tay robot nên tuổi thọ không được lâu. Nhận thấy những khuyến điểm đó, cuối năm 2010, ông Nhã bắt đầu cải tiến lại hệ thống cho dễ sử dụng hơn trong việc đóng mở mạch điện 220V. Để làm được điều này, ông cũng đã nghĩ đến nhiều thiết bị, phương pháp khác nhau. Tất cả đều được ông tiến hành thực nghiệm và cuối cùng ông đi đến quyết định là sử dụng bằng sóng điện thoại. Ở cách làm này thì trên bảng điều khiển, ông cho gắn một chiếc điện thoại di động (loại điện thoại robot) và được gắn thêm một bộ xử lý, mô tơ nhỏ dùng để đóng mở nguồn điện, một chiếc điện thoại thứ 2 (có chức năng bấm gọi).
Về nguyên lý hoạt động, dùng điện thoại cá nhân bấm gọi vào số điện thoại được gắn trên bảng điều khiển thì hệ thống rung tác động vào bộ xử lý (lúc này bộ xử lý sẽ điều khiển mô-tơ chạy theo chiều thuận). Liên kết với mô-tơ là một bộ nhông giảm tua, trên bánh nhông cuối cùng tác giả gắn một mẩu đinh cho nhô lên khoảng 5mm. Khi mô-tơ quay gờ đinh này sẽ gạt đóng một công tắc nhỏ, công tắc nhỏ này có tác dụng đóng mạch để cung cấp nguồn điện cho một công tắc tơ (công tắc tơ này có nhiệm vụ đóng nguồn cung cấp cho thiết bị sử dụng điện). Ngoài ra, hoạt động của máy là khi bấm lần gọi thứ nhất hệ thống sẽ mở mạch điện và ngược lại hệ thống sẽ đóng mạch điện.
Như vậy, với việc sáng tạo thành công hai sản phẩm trên, nó đã giúp cho những người làm vườn như ông Nhã bớt đi khó khăn khi phải tưới nước nhiều, tưới xa không phải mất công chạy về đóng mở cầu giao. Đồng thời, giúp tiết kiệm được thời gian cho người nông dân được yên tâm trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất.