Biểu trưng đồ dùng trong tục ngữ Việt Nam
Người Gyspy dùng ngay từ “tiền” để so sánh với thanh danh: “Thanh danh thì còn hơn cả tiền” (Credid is better than money);người Serbia dùng hình ảnh “cái thắt lưng vàng”: “Thanh danh thì hơn hẳn cái thắt lưng bằng vàng”.Trong khi đó, người Việt chúng ta dùng hình ảnh “ áo”: “ Tốt danh hơn lành áo”. Qua đó cho thấy, trong tư duy của người Việt, “áo” được dùng để biểu trưng cho vật chất, tài sản, địa vị; còn người Serbia là “ cái thắt lưng bằng vàng”. Để biểu đạt sự bàng quan, không can thiệp hay thái độ vô trách nhiệm đối với công việc của người khác, tục ngữ ta có câu: “Đèn nhà ai nấy sáng”;còn ở Phi Châu, người ta nói: “Sự bất hoà của bầy cừu không làm đàn dê quan tâm” (The quarrel of the sheep doesn’t concern the goats).Hình ảnh “ cừa, dê” gợi lên hình ảnh của thảo nguyên bao la, nơi nó được chăn thả; hình ảnh “ đèn” gợi lên những mái nhà tranh sau luỹ tre làng. Khi đêm xuống, ở thảo nguyên người ta xua tan bóng đêm mênh mông và giá rét bằng những đống củi đỏ lửa; ở nông thôn thì ánh đèn thắp sáng mỗi mái nhà. Vì thế, hình ảnh “ đèn” trong câu tục ngữ Việt còn là một nét chấm phá về bức tranh nông thôn ở làng quê xưa. Cũng ở Phi Châu, khi nói lên triết lí đừng coi thường những chuyện nhỏ, người ta nói một cách cụ thể: “Những vấn đề nhỏ làm nảy sinh những chuyện lớn” (Small matters breed important ones);thì tục ngữ Việt Nam thể hiện một cách hình tượng: “Lỗ nhỏ đắm thuyền”.Việc dùng hình ảnh “ thuyền” làm chất liệu rõ ràng phản ánh tư duy liên tưởng ở một đất nước mà sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nên phương tiện đi lại chủ yếu là thuyền. Sự an toàn trên sông nước là rất quan trọng. Nếu để nước rò rỉ không bít lỗ, trét chai thì có thể đến lúc bị phá nước, đắm thuyền, không lênh đênh trên sông nước thậm chí không từng bị nạn thì khó có tư duy liên tưởng trên. Trong khi đó, ở Đức, một quốc gia có đường bộ phát triển hơn thì “ chiếc xe” là phương tiện thiết yếu nên được ưu tiên lựa chọn, được tái hiện trong tư duy liên tưởng để dùng làm chất liệu biểu đạt nội dung triết lý trên: “Những mô đất nhỏ có thể làm lật xe (Small molehills can turn carriages over).
Với triết lý ăn ở theo thời, tuỳ theo hoàn cảnh mà có cách ứng xử cho phù hợp, Pháp có câu: “Hãy tru theo những con chó sói”; còn chúng ta có cách nói là: “Đivới bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”.Hình ảnh “áo cà sa” cho ta thấy dấu ấn của tín ngưỡng Phật giáo. Hình ảnh “áo giấy” gợi lên một tập tục đốt vàng mã trong tang ma, giỗ chạp của người Việt Nam . Người ta quan niệm khi sang thế giới bên kia, người chết vẫn có nhu cầu ăn, mặc, ở… do đó đốt áo, nhà (làm bằng giấy) để gửi đến cho họ, để họ không phải rách rưới. Còn hỉnh ảnh “sói” biểu trưng cho kẻ ác tuy cũng có xuất hiện trong tục ngữ Việt “ Sói vào nhà, không mất gà cũng mất vịt”)nhưng cách nói và hình ảnh không tiêu biểu cho tư duy liên tưởng của người Việt. Câu tục ngữ Việt thể hiện cách ứng xử linh hoạt, mềm dẻo, nhẹ nhàng.
Sự khác biệt về tính cách, vai trò, vị trí giữa người đàn ông và người đàn bà trong gia đình hay ngoài xã hội là một thực tế tồn tại ở mọi quốc gia. Hầu như tục ngữ của các dân tộc đều có những đúc kết, cách đánh giá, quan niệm của riêng mình và đôi khi rất dí dỏm. Tục ngữ Việt Nam có nhiều câu phản ánh cách nhìn về hai đối tượng trên như: Đàn bà tốt tóc thì sang, đàn ông tốt tóc chỉ mang nặng đầu; Đàn ông cắm nhà, đàn bà làm tổ; Đàn ông cười hoa, đàn bà cười nụ; Đàn ông vượt bể có chúng có bạn, đàn bà vượt cạn chỉ có một mình; Đàn ông là nhà, đàn bà là cửa; Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu; Đàn ông như giỏ, đàn bà như hom.Nhưng người Kurdistancó cách so sánh khác là : “Đàn ông là sông, đàn bà là hồ” (The man is river, the woman a lake). Hình ảnh sông, hồ không phải là hình ảnh xa lạ đối với dân tộc ta, nhưng vận dụng sự đối lập giữa chúng để chỉ về sự dị biệt của “đàn ông - đàn bà” không thấy xuất hiện trong tư duy liên tưởng của người Việt. Điều này cho thấy, chất liệu biểu trưng có thể giống nhau nhưng đặc trưng, tính chất liên tưởng chưa chắc tương đồng.
Cùng đề cập đến vị trí của người đàn ông, đàn bà trong gia đình, người Việt nói: Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp. Căn nhà sẽ buồn tẻ biết bao nếu thiếu vắng bóng đàn ông; còn nếu thiếu phu nữ thì công việc nội trợ, bếp núc sẽ không ai lo toan, chăm sóc. Hình ảnh “quạnh bếp” cho thấy cái nhìn về người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Họ không có vị trí trong xã hội. Công việc chủ yếu của họ là lo việc nhà, chuyện bếp núc và chăm sóc con cái. Trong khi đó, quan niệm về người phụ nữ ở phương Tây và Đông Âu có khác. Người Pháp có cái nhìn rất chân trọng đối với phái yếu nên nói: “ Nhà không phụ nữ như thân xác thiếu linh hồn”. Đấy là sự đề cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Còn đất nước Romania lại có cách ví von bóng bẩy: “Một căn lều thiếu đàn bà thì chẳng khác chi cây vĩ cầm không dây” (A tent without a woman is like a violin with no string). Hình ảnh “căn lều” gợi lên nền văn hoá du mục và hình ảnh ẩn dụ “vĩ cầm” gợi lên cái đẹp, sự dịu dàng, bay bổng… nhưng xa lạ trong tư duy liên tưởng của người Việt vì đấy là một loạt nhạc cụ mới du nhập vào nước ta khi có sự giao lưu văn hoá với phương Tây.
Để phê phán tư tưởng sính ngoại, chuộng lạ; thái độ coi thường, không tin tưởng người gần gũi quen biết dù họ là những người đạo cao, đức trọng, tục ngữ Việt Nam có câu: “ Bụt chùa nhà không thiêng”. Cùng cùng nội dung biểu đạt trên, người Brazil nói: “Ở nhà các vị thánh thì không thể làm phép lạ” (At home Saint never perform miracles);còn người Anh thì: “Không ai là người hùng đối với đầy tớ của mình” (No man is a hero to his valet).Điều đó cho thấy, dấu ấn của tín ngưỡng đạo Phật in đậm trong tư duy liên tưởng của người Việt trong khi đó nó tỏ ra xa lạ với người Brazil và đảo quốc xương mù. Hình ảnh “thánh” vốn phản tín ngưỡng Thiên chúa giáo chưa gần gũi với người Việt trước đây. Vì vậy, khi biểu đạt cho việc con cái không những chẳng nối nghiệp được cha, mà trái lại còn có thể làm tiêu vong sự nghiệp thanh danh gia đình, Tây Ban Nha có câu: “Cha thánh, con tội lỗi”còn người Việt nói là: “Cha làm thầy, con đốt sách”.Tín ngưỡng tôn giáo còn phản ánh qua một số câu tục ngữ có chủ đề về lòng thương người. Người Việt Nam quan niệm: “Cứu một mạng người bằng xây bảy kiểng chùa”; còn người Do Thái thì nói: “Cứu một mạng người chẳng khác chi cứu cả thế giới” (To save one man is like saving the world).
Là một quốc gia mà trong trường kì lịch sử đã phải trải qua bao cuộc chiến tranh vệ quốc nhưng hình ảnh “ súng, gươm, tên, đạn” xuất hiện với tần số thấp trong tục ngữ Việt. Điều này do người Việt vốn ưa chuộng hoà bình, ghét chiến tranh. Cùng biểu đạt về kinh nghiệm nếu cư xử không mềm mỏng, nhẹ nhàng sẽ hỏng việc, tục ngữ ta có câu: “ Già néo đứt dây”; còn người Hà Lan dùng hình ảnh “cây cung” làm chất liệu biểu trưng : “Đừng quá kéo căng day cung của bạn bởi nó có thể đứt” (Don’t overstrain your bow-it may break).Việc sử dụng các loại hình ảnh làm chất liệu biểu trưng là điều thường gặp trong tục ngữ các nước. Nhưng có thể nói, ở Việt Nam , hình ảnh được dùng phong phú, sinh động hơn nhiều, điều này cho thấy tư duy liên tưởng trực quan, hình tượng của dân tộc ta. Người Việt có lời khuyên về việc nên tiết kiệm trong tiêu xài bằng cách nói hình ảnh: “ Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”; còn người Thổ Nhĩ Kì đúc kết ý trên bằng câu: “ Người giàu vì lao động, giàu hơn nữa vì biết tiết kiệm chi tiêu”. Nói về tầm quan trọng của việc nâng cao trình độ, kiến thức, sự hiểu biết… Trong chính cuộc sống sôi động của cuộc đời bao la, ta có câu: “ Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Hình ảnh “sàng khôn” biểu trưng cho kiến thức, sự hiểu biết. Dụng cụ “sàng” còn gợi lên đồ dùng mà người nông dân Việt Nam thường dùng để đựng gạo, đậu… Trong khi đó, thì tục ngữ Bulgaria thiếu đi chất liệu tạo hình: “Khi tiến bước ta gặt hái được điều gì đó; khi ngồi yên ta chẳng có gì” (From walking - something; from sitting - nothing).Với lời khuyên về việc nói năng sao cho ngắn gọn, người Việt dùng hình ảnh so sánh: “ Ăn bớt bát, nói bớt lời” còn người Nga thì bảo: “ Hãy nghe nhiều hơn, hãy nói ít hơn”. Hoặc phê phán những hạng người lười nhác, ham ăn, mê chơi, người Hy Lạp có cách nói rất thẳng thắn như chỉ mặt, điểm tên: “ Kẻ lười biếng là một tên ăn cắp”; chúng ta lại có cách nói giàu hình ảnh: “ Ăn như thuyền chở mã, làm như ả chơi trăng”. Nói vế tầm quan trọng của sự ảnh hưởng trong các mối quan hệ; nếu gần gũi, chung đụng với kẻ xấu thì sẽ tiêm nhiễm thói xấu; nếu giao tiếp với người tốt, giỏi thì học hỏi được nhiều điều hay, cái mới mà tiến bộ, ta có cách nói ẩn dụ: “ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Hình ảnh “mực” và “đèn” với sự đối lập về tính chất “tối - sáng” được dùng làm chất liệu biểu trưng trong câu tục ngữ. Cũng với triết lý nêu trên, người Hy Lạp dùng cách nói cụ thể: “Được làm bạn với người tốt thì chúng ta sẽ trở nên tốt” (In the company of the good we become good);còn người Afghanistan cũng có cách nói hình tượng nhưng tư duy liên tưởng khác với chúng ta: “Ai đến bác thợ rèn thì ra về áo bị cháy xém” (He who goes to the blacksmith’s shop come home with scorches)…
Hình ảnh đồ dùng trong tục ngữ cho ta thấy nét riêng trong tư duy liên tưởng của mỗi dân tộc. Các loại hình ảnh đồ dùng đi vào tục ngữ Việt đa phần là những hình ảnh gần gũi, gắn bó với cuộc sống bình dị, mộc mạc, thiết yếu hàng ngày của mỗi người dân. Những đồ dùng đó là sản phẩm của nền văn mình nông nghiệp lúa nước; là kinh nghiệm sống, là quá trình đấu tranh chinh phục và tận dụng môi trường tự nhiên để sinh tồn và phát triển. Cùng một hình ảnh, nhưng trong những câu tục ngữ khác nhau người đọc được tiếp nhận, khám phá thêm những nét nghĩa mới, mở rộng hơn kiến văn và tâm hồn, tình cảm như thăng hoa bởi ý tưởng sâu xa được gợi ra qua từ ngữ, hình ảnh rất đỗi quen thuộc, bình thường. Nhưng điều đáng nói hơn là đằng sau những ý nghĩa biểu trưng ấy là lối nói, cách nghĩ, tâm hồn và trí tuệ của người Việt; là phong tục tập quán, là quê hương đất nước; là quan niệm nhân sinh… hay nói chung là bản sắc văn hoá của người Việt Nam.
Nguồn: Ngôn ngữ & Đời sống, số 5 (127), 2006, tr 21 - 24