Biệt thự Pháp: di sản văn hoá của Hà Nội
Theo thống kê của Sở Địa chính – Nhà đất tiến hành vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20, Hà Nội có khoảng hơn hai nghìn biệt thự mang phong cách kiến trúc châu Âu cổ điển thông qua kiến trúc Pháp (nhiều người hay gọi là biệt thự kiến trúc Pháp hay biệt thự Pháp). Tuy nhiên, theo đánh giá của các kiến trúc sư Nhật Bản trong một chương trình hợp tác với các kiến trúc sư Việt Nam thì số biệt thự với phong cách kiến trúc châu Âu cổ điển có giá trị chỉ vào khoảng gần một nghìn. Có thể tiêu chí đánh giá giữa Sở Địa chính – Nhà đất và các kiến trúc sư Nhật Bản khác nhau. Song một điều trùng hợp là Hà Nội được coi là thành phố hiện tồn tại các công trình có kiến trúc cổ điển châu Âu nhiều nhất ở khu vực châu Á. Điều này thật dễ hiểu vì Việt Nam đã từng là thuộc địa của Pháp. Song Cam-pu-chia và Lào cũng là thuộc địa của Pháp nhưng thủ đô Phnôm-pênh và Viêng Chăn lại không nhiều biệt thự kiểu như vậy. Còn một số nước khác quanh khu vực lại bị thực dân Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha thống trị. Trong khi đó, kiến trúc cổ điển châu Âu lại có ảnh hưởng rất lớn tại Pháp và Pháp cũng là một trong những quốc gia đóng góp nhiều vào kiến trúc cổ điển châu Âu.
Hầu hết các biệt thự này đều nằm ở trung tâm thành phố và biệt thự nào cũng có cây xanh được trồng trong khuôn viên. Đi qua các phố Phan Đình Phùng, Nguyễn Cảnh Chân, Trần Phú, Điện Biên Phủ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du... đến các phố xa hồ Hoàn Kiếm hơn như Ngô Thì Nhậm, Bùi Thị Xuân, Trần Xuân Soạn... đều thấy có biệt thự nằm xen lẫn với nhà dân có kiến trúc hình ống. Các kiến trúc sư Nhật Bản đánh giá Hà Nội có nhiều “vườn trong phố”. Khó có thể tìm thấy nhiều biệt thự kiểu này nằm ở trung tâm các thành phố Tô-ki-ô, Xơ –un, Quảng Châu, Băng Cốc. Những biệt thự của các nhà tư sản người Pháp hoặc các công thự mang nhiều dáng vẻ khác nhau. Sở dĩ có sự phong phú này bởi người Pháp đến sinh sống, làm việc ở Việt Nam đã mang những nét kiến trúc của địa phương mình vào các biệt thự mà họ xây dựng. Từ kiến trúc vùng miền Nam nước Pháp đến kiến trúc vùng Bắc nước Pháp đều thấy xuất hiện trong các công trình ở Hà Nội. Ví dụ như lối kiến trúc có mái đứng, lợp đá áp – loa (để cho tuyết không đọng lại trên mái) thường thấy ở phía Bắc nước Pháp cũng được sử dụng trong các công trình như toà nhà mà hiện Toà án nhân dân Tối cao đang sử dụng, Bốt Hàng Trống (công an quận Hoàn Kiến hiện nay), Toà nhà Bộ Giao thông vận tải... Hầu hết các công sở, công thự được xây từ những năm 30 của thế kỷ XX trở về trước đều do các kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Năm 1925, Pháp mở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, mỗi khoá đào tạo vài sinh viên người Việt là kiến trúc sư nên mãi sau này mới có các công trình do kiến trúc sư Việt Nam thiết kế.
Đặc điểm của các biệt thự ở Hà Nội là bao giờ cũng có khuôn viên rất rộng. Theo một số nhà nghiên cứu về quy hoạch thì người Pháp đã qui định rất chặt chẽ về quy hoạch và xây dựng. Muốn xây biệt thự, diện tích mặt bằng phải rộng và có đất để trồng cây. Có tới vài chục biệt thự mà ô tô có thể chạy vòng quanh. Hầu hết các biệt thự xây dựng từ những năm 20 của thế kỷ trước đều có tầng hầm. Tầng hầm tránh được không khí ẩm thấp của vùng nhiệt đới và côn trùng bò vào nhà trong mùa mưa. Ở góc độ sử dụng, tầng này dùng để chứa các đồ cũ của chủ nhân. Các biệt thự ở Hà Nội thường chỉ có hai tầng. Theo tư duy của người Pháp thì sống và sinh hoạt ở tầng 2 bao giờ cũng thuận tiện nhất, đẹp nhất. Từ tầng 2 có thể ngắm cây hoặc ngắm hoa, hòn non bộ dưới khuôn viên với khoảng cách đủ để tận hưởng cái đẹp. Mặt khác, đi cầu thang từ tầng 1 lên tầng 2 cũng không mất nhiều sức lực.
![]() |
Vào những năm 1936-1939, một số kiến trúc sư đã đưa kiến thức truyền thống của Việt Nam vào trong các thiết kế, ví dụ như kiến trúc sư Ngô Huy Huỳnh đã đưa mái cong của kiến trúc đình chùa vào biệt thự ở 84 phố Nguyễn Du. Hay bốn ngôi nhà A, B, C, D ở trường Đại học Bách khoa do kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật thiết kế đã có những đường nét cong lượn của kiến trúc truyền thống Việt Nam. Tuy nhiên, công trình lớn này phải dừng lại vào năm 1944 vì chiến tranh thế giới thứ hai.
Những biệt thự ở Hà Nội dù là thuộc sở hữu của người Pháp hoặc người Việt Nam , do kiến trúc sư người Pháp hay người Việt thiết kế, có thể đẹp hoặc chưa đẹp, nhưng không thể phủ nhận một điều, đó là sự hoàn chỉnh. Không thể thêm hoặc cũng không thể bớt các chi tiết, bởi sự thêm bớt đều làm cho biệt thự bị khập khiễng. Ngoài sự sang trọng, thoáng đãng và bí ẩn, các biệt thự này còn tạo ra cảm giác thanh bình. Nó lại càng trở nên có giá trị khi kiến trúc Hà Nội hiện nay khá hỗn tạp, không giống tây, cũng chẳng giống ta đang hoành hành và kiến trúc hình ống mang tính phổ biến. Vài năm trở lại đây, một số nhà giàu cũng xây cất biệt thự với kiến trúc tân kỳ, tuy nhiên không thể sánh được với các biệt thự Pháp. Sau năm 1954, nhiều biệt thự do các cơ quan Nhà nước, sứ quán, ngoại giao đoàn, tổ chức quốc tế sử dụng. Một số lớn đã được chia cho cán bộ, công nhân viên chức làm nhà ở. Có biệt thự được chia cho bảy hộ với năm chục nhân khẩu. Do không có kinh phí để cải tạo, lại không có các qui định cho các hộ dân thuê nên tình trạng xuống cấp hoặc phá nát biệt thự đã diễn ra làm cho nhiều biệt thự tàn tạ, nhàu nát và phá vỡ kiến trúc ban đầu. Có gia đình còn khoét cả sàn gỗ để làm nhà vệ sinh ở tầng hai, đục tường làm gác xép... Nhiều biệt thự bị các hộ chia nhau đất lưu không để xây ki-ốt, thậm chí xây nhà cao tầng mà không hề gặp phải sự ngăn cản nào từ cơ quan có trách nhiệm. Thậm chí, nhà xây trên đất lưu không còn được cấp sổ đỏ. Ở phố Trần Hưng Đạo có một cán bộ từng đứng đầu một ngành nay đã nghỉ hưu cho xây chèn hẳn một ngôi nhà mới vào bên cạnh biệt thự để rồi bán biệt thự đó tới mấy triệu đôla Mỹ. Tất nhiên nhà đã hoá giá, chủ nhân có quyền xây, quyền bán nhưng đáng tiếc người đó không phải là người dân thường.
Đầu những năm 1990, Sở Địa chính – Nhà đất đã khảo sát và lập dự án chỉnh trang, cải tạo các biệt thự có kiến trúc châu Âu cổ điển. Theo dự án này, các hộ dân chia năm, xẻ bảy biệt thự sẽ được chuyển đi nới khác. Đồng thời, các biệt thự cũ nát, xuống cấp cũng sẽ được cải tạo lại. Những biệt thự này có thể sẽ bán hoặc cho thuê. Có thể nói đây là một dự án vừa mang tính bảo tồn vừa có giá trị kinh tế, nhưng cho đến nay dự án này không thấy chuyển động.
Do thời gian, chiến tranh, sự vô ý thức của con người và thiếu kinh phí cho cải tạo, sửa chữa nên trong một thời gian dài, Hà Nội đã mất quá nhiều di sản văn hoá, nhất là văn hoá kiến trúc. Cho đến bây giờ, dường như vẫn chưa có một văn bản nào qui định cụ thể đối với người sử dụng biệt thự dù đó là sở hữu tư nhân, sở hữu Nhà nước. Các ngôi biệt thự này tồn tại hàng thế kỷ và nó có vị trí xứng đáng trong kiến trúc Hà Nội nhưng vẫn chưa có kiến nghị để coi đây là di sản văn hoá.
Hãy làm mọi việc có thể để giữ gìn và bảo tồn các ngôi biệt thự này trước khi chúng biến thành những toà nhà cũ nát.