Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 21/04/2009 19:26 (GMT+7)

Biến phế liệu thành máy xới cỏ

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Krông Pa nắng lửa, học xong trung học phổ thông, Nghiêm tự nguyện ở lại xây dựng quê hương. Quê Krông Pa của anh, người dân rất cần cù chịu khó, đất đai nhiều lắm, song cuộc sống của người dân nơi đây còn nghèo khó bởi vì đa số đang canh tác thủ công.

Trong quá trình trồng và chăm sóc cây trồng, người nông dân không thể thiếu khâu xới cỏ. Đây là việc hết sức vất vả đối với người nông dân ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung, bởi vì cỏ mọc nhanh khi có mưa xuống, người ta thường bảo đến Tây Nguyên vào mùa mưa “đêm nằm nghe cỏ mọc”. Nhà nông muốn sản xuất ra hàng hoá nên phải đầu tư trồng cây trên một diện tích khá lớn, xới cỏ phải bằng máy móc thay thế làm bằng thủ công mới đáp ứng được. Nông dân ở huyện Krông Pa sử dụng máy công nông, máy xới mini để làm cỏ. Những chiếc máy này vừa nặng, vòng tua xới chậm nên cỏ không sạch rễ, tỷ lệ sống cao, khó thao tác khi sử dụng, hao tốn nhiều nhiên liệu, khó tìm ra phụ tùng thay thế khi máy bị hỏng.

Để khắc phục những nhược điểm trên, Võ Văn Nghiêm, hiện đang ở nhà số 35 Trần Hưng Đạo, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, đã mày mò làm ra chiếc máy xới cỏ mini theo ý muốn của riêng mình. Anh đã mua động cơ loại thải của những chiếc Honda cũ về lắp ráp với nhiều phụ kiện của nhiều máy khác thành chiếc máy gọn nhẹ, dễ sử dụng, năng suất cao gấp hai lần máy có ở thị trường. Trong máy xới cỏ của anh có bánh xe rùa, bình chứa xăng, bình ắc quy, nhông, xích xe hon đa, chân và lưỡi xới của xe công nông, sắt Ø 3,4; 2,6; 2,1 cm… để làm khung máy và trục bánh xe, tôn zem và chắn bùn của xe công nông làm thành hộp chắn bùn... Bà con nông dân thường ví von chiếc máy xới cỏ của Nghiêm là máy xới cỏ “đa quốc gia”.

Anh Võ Văn Nghiêm
Anh Võ Văn Nghiêm

Để máy hoạt động nhẹ anh đã gắn vào đầu 2 trục (trục xới và trục xích chuyền) 2 ổ bi nhào. Chiều dài hai trục trên tăng giảm tuỳ ý thích của người sử dụng. Vì vậy mà số lượng lưỡi xới cũng nhiều hay ít (16-20 lưỡi). Anh đã sử dụng lưỡi của máy công nông cắt ngắn lại còn 13 cm (tính theo bán kính của trục xới) và đầu cong ngang 5 cm của lưỡi xới được uốn thẳng dài 10 cm để xới sạch cỏ hơn. Chân lưỡi xới dài 7 cm được cắt ngắn còn 4 cm để giảm tiếp xúc với đất. Phía trên trục xới gắn nắp chắn bụi. Trên thanh ngang của 2 tay cầm dùng sắt Ø 1,2 cm làm cần di số và một thanh truyền xuống trục số của máy để sang số và có cần tăng ga. Bình xăng, bộ lọc và bình ắc quy được gắn trên động cơ. Để giảm vòng tua của động cơ, anh gắn 1 nhông nhỏ 14 răng vào trục kéo và 1 nhông 41 răng vào trục chuyển sau để phù hợp với tốc độ cần thiết của người sử dụng khi xới cỏ. Hộp xích truyền xuống trục xới được thiết kế nhỏ gọn với 2 nhông 14 răng để giảm tiếp xúc với mặt đất khi máy hoạt động. Phía sau trục xới được gắn thêm bánh đỡ để người sử dụng nhẹ nhàng.

Thấy máy xới cỏ của anh hoạt động nhẹ nhàng (máy chỉ có trọng lượng 65-70 kg), cho năng suất cao 2 ha/ngày (máy trên thị trường chỉ 1 ha/ngày), tiêu hao nhiên liệu ít 2-2,5 lít xăng/ha (máy trên thị trường tiêu hao 5-7 lít xăng/ha) nên bà con nông dân đến đặt anh làm nhiều lắm. Mới hơn 2 năm anh đã làm bán cho bà con được trên 20 chiếc máy “xới cỏ mini” với giá 4,5 triệu đồng/chiếc. Tiếng lành đồn xa, nên thỉnh thoảng có người ở các tỉnh lân cận gọi điện đến Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai hỏi thăm để đặt mua máy về phục vụ sản xuất.

Người dân mua máy của anh Nghiêm về ngoài làm cỏ cho gia đình còn làm thuê cho bà con xung quanh, xới 1 ha cỏ người chủ máy thu về 300.000 đồng. Trước đây xởi cỏ thủ công mất 30 công lao động, giờ có máy chỉ cần một chiếc máy và người điều khiển là làm xong 2 ha/ngày.

Trao đổi với chúng tôi, Nghiêm, một chàng trai còn trẻ thuộc thế hệ 7X, tâm sự: “Khát vọng cháy bỏng của tôi là làm sao để người nông dân đỡ vất vả, nay đã trở thành sự thực, tôi vô cùng phấn khởi. Để làm ra chiếc máy xới cỏ như thế này, tôi đã hao công, tổn phí rất nhiều, biết bao đêm trằn trọc suy nghĩ, rồi lắp cái này, tháo cái kia không biết bao nhiêu lần mới thành công. Nay nhiều người đến đặt mua, tôi cũng rất tự hào và vinh dự lắm”.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.