Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 05/07/2005 14:39 (GMT+7)

Biến bã khoai mì thành thức ăn chăn nuôi giá trị cao

Bã khoai mì (bã sắn) được thải ra trong quá trình sản xuất tinh bột khoai mì và tập trung nhiều tại Đồng Nai, Gia Lai, Tây Ninh và Bình Phước. Theo ước tính, một nhà máy chế biến có công suất 30-100 tấn/ ngày thì sẽ sản xuất được 7,5-25 tấn tinh bột, kèm theo đó là 12-48 tấn bã. Thứ phế thải này thường được phơi khô thành từng luống trắng xoá trên đồng ruộng và dùng để bổ sung cellulose cho gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, do khó tiêu và không mùi nên bã không hấp dẫn, ảnh hưởng tới môi trường, sức khoẻ con người và vật nuôi. Nếu trời mưa cho vài ngày thì bã khoai mì thối rữa, bốc mùi hôi thối. Đến khi trời nắng lên thì nấm mốc độc hại phát triển và theo gió phân tán.

Nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm nói trên, từ cuối năm 2000, các nhà khoa học thuộc Phòng Vi sinh ứng dụng, Viện Sinh học nhiệt đới, đã quyết định sản xuất axít citric bằng cách nuôi một số chủng nấm mốc có lợi trên bã khoai mì. Axít citric được cho vào nước giải khát và thực phẩm chế biến. Đáng tiếc là giá thành sản xuất quá cao, không thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. Không nản chí, họ quay sang nghiên cứu sử dụng bã khoai mì làm thức ăn bổ sung cho vật nuôi. Cho đến nay, sau 2 năm nghiên cứu, kỹ sư Lê Thị Bích Phượng và các cộng sự đã sản xuất thành công hai loại sản phẩm lên men từ bã khoai mỳ sống: ProBio-S và Bio-E.

Bio-E là chế phẩm dạng bột khô, được tạo ra bằng cách cấy chủng nấm mốc hữu ích A.Niger lên bã khoai mì với tỷ lệ 2g mốc/kg bã. Chủng nấm mốc này do chính các chuyên gia thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới tạo ra trước đó. Tiếp đến, bã được ủ trong các khay nhôm 20 tiếng, sau đó được phơi khô, sấy và đóng bao. Theo kỹ sư Phượng, quá trình lên men nói trên tạo ra ba loại enzyme (glucoamylase, cellulase và α-amylase) trong sản phẩm, có vai trò kích thích tiêu hoá. Cụ thể là khi được trộn với các thức ăn chính thì enzyme này sẽ làm cho thức ăn chuyển hoá tốt hơn, dễ tiêu, giảm tiêu tốn thức ăn, do vậy làm vật nuôi tăng trọng nhanh. Ngoài ra, thành phần đạm trong chế phẩm đạt 9-10%, so với 0,2% trong bã khoai mì ban đầu. Giá thành của Bio-E là 10.000-12.000 đồng/kg.

Còn ProBio-S lại là chế phẩm dạng lỏng, được sản xuất bằng cách cho bã tươi vào những bao tải lớn rồi cấy chế phẩm EM-S chứa nhiều chủng vi sinh vật hữu ích như Bacillus sp., Lactobacillus sp., Saccharomyces sp. với tỷ lệ 1lít EM-S/25kg bã (1ml chứa 10 10tế bào vi sinh vật hữu ích). Ba ngày ủ làm cho lượng vi sinh vật tăng mạnh. Với những chủng vi sinh vật hữu dụng nói trên, chế phẩm ProBio-S giúp cân bằng hệ sinh thái vi sinh vật đường ruột của vật nuôi cũng như giảm lượng vi sinh vật có hại. Nhờ thế mà vật nuôi tiêu hoá tốt hơn, giảm tỷ lệ bệnh đường ruột, tăng trọng nhanh hơn. Giá thành của ProBio-S là 5.000-6.000 đồng/kg.

Do cả hai chế phẩm trên đều có mùi thơm, đặc trưng cho quá trình lên men, nên rất hấp dẫn vật nuôi. Có lần kỹ sư Phượng để một ít ProBio-S lên bàn tay rồi chìa ra cho bò ăn. Loáng một cái là chỗ thức ăn đã biến mất và con bò cứ liếm mãi như thể muốn nuốt chửng bàn tay vì thức ăn quá ngon. Kết quả thử nghiệm sơ bộ trên 15-20 con lợn 1 tháng tuổi cho thấy sau ba tháng được ăn hai chế phẩm trên, lợn tăng trọng nhanh hơn 1,1-1,3kg so với những con đối chứng (chỉ ăn thức ăn bình thường).

So với mức 200đồng/kg bã tươi và 800-1.000 đồng/kg bã khô thì việc sản xuất hai loại chế phẩm trên vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, vừa tăng giá trị cho bã khoai mì, tăng thêm thu nhập cho công nhân, các chủ nhà máy sản xuất tinh bột khoai. Hiện đã có ba doanh nghiệp (một trực thuộc Sở KH-CN tỉnh Bình Dương, Công ty Phong Phú ở Đồng Nai và Công ty Huỳnh Phát) đề nghị Viện Sinh học Nhiệt đới chuyển giao công nghệ sản xuất hai chế phẩm nói trên từ bã khoai mì. Mong ước của kỹ sư Phượng là nhận được sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB) trongCuộc thi Ngày sáng tạo Việt Namđể có thể hoàn chỉnh số liệu của nghiên cứu thử nghiệm.

Nguồn: vnn.vn  16/6/2005

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

Những trí thức đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Làm nên thắng lợi đó, có những đóng góp tâm sức và trí tuệ quý báu của đội ngũ trí thức, của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).