Bệnh vàng lá chín sớm
Đây là một bệnh vàng lá chín sớm, phát sinh gây hại chủ yếu trên lá, vết bệnh lúc đầu có màu vàng xanh úng hay vàng nhạt sau chuyển màu vàng cam, phát triển lớn dần, kéo dài thành vệt dọc theo phiến lá về phía chóp lá, xuất hiện đầu tiên ở lá già phía dưới sau lan dần lên các lá phía trên. Bệnh nặng có thể làm toàn bộ các lá bị khô rạc đi trước khi lúa chín làm hạt lúa trỗ ra bị lép lửng nhiều. Bệnh càng phát triển sớm thì khả năng ảnh hưởng đến năng suất càng cao.
Bệnh thường xuất hiện khi lúa có đòng già, đến khi lúa trỗ và chín thì tỉ lệ bệnh cao nhất. Đối với ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và bón muộn, đất ngộ độc hữu cơ hay đất phèn,…thường bị bệnh nặng. Ở vụ đông xuân, do điều kiện thời tiết mát mẻ (24-28 độ C), ẩm độ không khí cao trên 80%, thường xuyên có gió,… cũng là những điều kiện thuận lợi cho bệnh vàng lá chín sớm phát sinh phát triển và lây lan gây hại. Các giống lúa có bộ lá mỏng như OMCS 21, OM 1490,… rất dễ nhiễm bệnh này.
Để phòng trị bệnh vàng lá chín sớm hiệu quả, bà con cần áp dụng đồng bộ các biện pháp sau đây:
- Cày ải phơi đất để hạn chế tình trạng ngộ độc hữu cơ.
- Sử dụng giống ít nhiễm bệnh, có bộ lá dày, cứng cây, ít đổ ngã.
- Nên sử lý hạt giống trước khi gieo sạ bằng cách ngâm trong dung dịch thuốc CARBENZIM 500FL với liều lượng: 60cc thuốc/20lít nước trong 24-36 giờ, sau đó rửa sạch và ngâm ủ bình thường.
Gieo sạ thưa, bón phân cân đối và không bón thừa đạm hay bón muộn (khi cây lúa có đòng nếu thấy bộ lá quá xanh nên giảm lượng phân đạm - tốt nhất nên bón phân theo bảng so sánh màu lá lúa).
- Khi phát hiện ruộng lúa xuất hiện triệu chứng bệnh, phun các thuốc đặc trị như BENDAZOL 50WP (0,8-1,5kg/ha, pha 20-30g/ bình cho 1 công Nam Bộ, hay 2 bình cho 1 sào Bắc Bộ), hay Hỏa tiễn 50SP (0,6kg/ha, pha 10g/bình 10 lít nước, phun 6 bình cho 1 công Nam Bộ hoặc 2 bình cho 1 sào Bắc Bộ). Chú ý phun 2 đợt: Khi lúa làm đòng và khi lúa trỗ đều.
Nguồn: Kinh tế V.A.C Chuyên đề dân tộc thiểu số và miền núi (số 12) 20/3/06