Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 12/04/2010 16:08 (GMT+7)

Bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hoá liên quan tới Lê Nhân Quý

Từ đường họ Lê Nhân Kim Cốc thờ 54 vị trong đó có 53 vị là con cháu dòng họ Lê và cụ Nghề Đỗ Tương. Được thờ trong từ đường có cụ Tổ đời thứ nhất, Tiên khởi tổ Quản lĩnh hầu Lê Nhân Thực, tổ đời thứ hai, Khải tông tổ, Đông Các đại học sĩ Lê Nhân Quý; tổ đời thứ ba, Thế tông tổ Minh Nghĩa công thần phụ quốc Thượng tướng quân Lê Nhân Kim. Ba đời(ông – con – cháu) được phong làm Phúc thần – thành hoàng làng Kim Cốc, được triều đình lệnh cho Bộ Lễ ghi chép các vị thần được Nhà nước tổ chức quốc tế. Từ đường họ Lê Nhân Kim Cốc còn thờ các hậu duệ họ Lê một dòng họ có tới 16 đời làm những việc làm ích nước, lợi dân, từng giữ những chức quan cao ở triều đình đến các chức sắc thấp là xã trưởng, tổng trưởng, đốc học,v.v… Ngoài các cụ Tiên khởi tổ, Khải tông tổ, Thế tông tổ, dòng Lê Kim Cốc còn có cụ Lê Đoan (1611 – 1683) đệ ngũ thế tổ, cháu nội cụ Lê Nhân Kim là người có công tham gia đánh dẹp họ Mạc cát cứ ở Cao Bằng vào năm 1667, được triều đình phong tặng là Đô kiểm tả tư điểm Hoành phúc thần. Cụ Lê Công Thiện - đệ cửu thế tổ, do có công lao, được chúa Trịnh Tùng phong làm Phấn lực tướng quân Bách bộ hầu. Họ Lê Kim Cốc có rất nhiều nho sinh và sinh đồ. Dòng họ Lê ở đây đã dành ruộng đất để khuyến học cho con em trong họ. Đời thứ mười có sinh đồ Lê Vinh Nhạ, có 5 người con đều đỗ sinh đồ, được gọi là Đậu Quế(ví như đời Tống ở Trung Quốc, Đậu Yên Sơn có 5 con trai đều đỗ đạt thành danh – Ngũ tử đăng khoa – nhân xưng ngũ quế. Trong số 54 vị thờ ở Từ đường làng Kim Cốc người có chức sắc thấp như cụ Khuyến Nông Sứ Lê Nhân Năng, thuộc đời thứ 6, trong một năm mất mùa, cụ đã cho nấu cơm phát chẩn cứu người đói trong vùng, cấp lúa gạo cho người nghèo nên được nhân dân trung vùng nhớ on. Từ đường họ Lê còn thờ một ngoại tộc là cụ nghè Đỗ Tương. Cụ Đỗ Tương sinh năm 1453 quê ở Phấn Tĩnh huyện Ngọc Sơn (nay là xã Hải An huyện Tĩnh Gia) thi đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (Hồng Đức thứ 6 – 1475), lúc 22 tuổi. Cụ Đỗ Tương sinh thời giữ chức Giám sát ngự sử triều Lê Sơ, là ông ngoại, là thầy dạy Lê Nhân Quý, sau này trở thành Đông các đại học sĩ triều Lê. Ngoại tổ được tôn thờ ngang hàng với nội tổ tại đền thờ họ Lê – Kim Cốc, Thiên niên bất dịch(đời sau không tự ý thay đổi).

Câu đối còn lưu lại ở Từ đường được coi là lời gia huấn truyền đời được hậu duệ họ Lê giữ gìn nghiêm cẩn như sau:

“Kiêu kỵ thuỷ kỳ võ, Đông các thuỷ kỳ văn, dịch dĩ trâm anh tam xử thiện.

Tháp sơn thế thử đường, Kim Cốc thế thử ấp, ức niên tôn xưởng cửu chi phồn”.

(Tạm dịch: Thuỷ tổ (Lê Nhân Thực) khởi nghiệp võ, khởi văn (Đông Các đại học sỹ Lê Nhân Quý) dòng họ trâm anh, nổi danh ba việc thiện.

Từ đường tại núi Tháp, chín chi họ, dòng giống ấy thịnh đạt, trường tồn).

Nhà thờ dòng họ Lê Kim Cốc đã có từ lâu. Qua nhiều lần tu bổ, do thời gian mưa nắng, gió bão và một thời nhận thức chưa đúng, Từ đường trở nên phế tích, đồ thờ phụng bị hư hỏng, mất mát. Năm 2008, trên khuôn viên hơn 1.700m2, dòng họ Lê Kim Cốc, mà đặc biệt là anh em ông Lê Ngọc Trà với tấm lòng thành kính tổ tông, đóng góp nhiều công sức, tiền của xây dựng nhà Từ đường trên nền đất cũ. Từ đường xây dựng bằng bê tông cốt thép, sơn giả gỗ, mái bê tông dán ngói, ba mặt hiên sảnh, nhà Bái đường 100m2, Hậu cung hơn 20m2. Đồ thờ cúng trước đây thất lạc hoặc gửi ở một số gia đình nay được đưa trả về nhà thờ như: long ngai, giao ỷ, ngai thờ, hòm đựng sắc phong, bát hương, mâm bồng, đôi câu đối, bảng văn, v.v… Đặc biệt nơi đây còn lưu 7 sắc phong có từ Cảnh Hưng năm thứ 44 (1883) đến Khải Định năm thứ 9 (1924) của triều đình, sắc phong cho các cụ Lê Nhân Thực, Lê Nhân Quý và Lê Công Thiện. Trên bàn thờ dòng họ Lê có bài vị cụ Nghề Đỗ Tương. Con cháu dòng họ Lê Kim Cốc đi làm ăn xa đã cúng tiến đồ thờ như đôi hạc thờ, câu đối, trống, chiêng, tàn lọng, phất trần, v.v…

Xây dựng được nhà Từ đường, hàng năm con em dòng họ Lê Kim Cốc nhớ ngày giỗ tổ trở về dâng hương, phần nào ấm lòng vì tiên tổ từ đây quanh năm hương khói, thờ phụng.

Trước đây, nhà thờ họ Lê có một giếng nước cổ. Theo nhiều người truyền lại, đây là giếng nước có từ thời cụ Lê Nhân Thực, Lê Nhân Quý. Giếng nước rất trong và ít khi cạn. Để xây nhà thờ, người ta đã đào ao và lấp cả giếng cổ này. Về phong thuỷ và về lịch sử, trong thời gian tới họ Lê Kim Cốc nên khôi phục lại giếng nước này.

Từ đường dòng họ Lê còn tới 7 sắc phong nên giá trị của di tích được nâng lên rất nhiều. Đôi câu đối cổ khắc trên gỗ, bà con họ Lê nơi đây cho rằng: Đây là câu đối do cụ Phó bảng ở Nghệ An Nguyễn Tông Giảng, là con rể của dòng họ Lê cung tiến hiện còn lưu giữ tại nhà thờ là hiện vật quý giá cần được bảo vệ, giữ gìn.

Khu mộ cụ Đông Các Đại học sĩ Lê Nhân Quý trên núi Tháp làng Kim Cốc. Do mưa nắng, thời gian và thiếu điều kiện chăm sóc trở nên hoang phế. Tường bao quanh mộ bị phá bỏ, miếu thờ bị hỏng chỉ còn lưu lại 4 viên đá tảng hình hoa thị. Để trồng cây, người ta cho san phần đất phía đầu mộ (đây có thể là hậu chẩm của ngôi mộ). Cây cối trong khu vực mộ hiện nay mọc khá cao, rễ bám sâu dễ ảnh hưởng tới mộ phần táng ở dưới. Thời gian qua con em dòng họ Lê đã đào xới một số nơi với hy vọng tìm ra mộ táng, v.v… Tất cả những việc làm trên làm cho khu mộ cụ Đông Các Đại học sĩ hư hỏng thêm. Theo chúng tôi, trong thời gian tới khu mộ này cần xây lại tường bao quanh, xây miếu thờ theo vị trí 4 viên đá tảng còn lại. Có thể nơi đây là khu vực “thượng sàng hạ mộ”. Ngoài ra càn bồi trúc lại phía đầu ngôi mộ và nên chặt bỏ những cây có rễ sâu gần miếu thời. Đường thần đạo từ ngôi mộ cụ Lê Nhân Quý nhìn ra đỉnh núi Cốc nên hạn chế việc đặt các ngôi mộ khác. Nơi đây cần có một bia đá mộ chí cho cụ Đông Các Đại học sĩ Lê Nhân Quý.

Cùng với việc tu sửa lại ngôi mộ cụ Lê Nhân Quý, con em dòng họ Lê Kim Cốc cũng nên quan tâm tới các ngôi mộ khác như: ngôi mộ cụ Lê Nhân Kim ở Cồn Phốn, mộ cụ Nghè Đỗ Tương ở Cồn Đồi, mộ cụ Khuyến nông sứ Lê Nhân Năng,v.v… Riêng ngôi mộ cụ Tiên khởi tổ Lê Nhân Thực, theo bà con tộc Lê Kim Cốc được táng trong Từ đường họ Lê theo kiểu thức táng “ Thượng sàng hạ mộ”.

Liên quan tới di tích dòng họ Lê Kim Cốc, trong thời gian tới địa phương cũng cần có biển báo điểm di tíchnhư con đê Hoàng Các, khu di chỉ Đông Sơn ở núi Chè và giếng Quán.

Cụ Tiên khởi tổ Lê Nhân Thựcđã đổ nhiều công sức để đắp đê nhưng không thành. Đến đời cụ Lê Nhân Quý, theo lệnh vua Lê, cụ đã phối hợp cùng với Hoàng Thái Hậu, huy động lính 3 phủ về phụ giúp cùng dân làng đắp con đê ngăn mặn từ Đông núi Tháp đền cồn Mã Nghè (thôn Vinh Quang) dài gần 1km. Từ bãi hoang, nước mặn nơi đây trở thành hàng ngàn mẫu ruộng. Từ đây, dân làng xung quanh được chia đất, tự canh tác, tự hưởng lợi. Đất lành chim đậu dân các nơi kéo về ngày một đông trở thành các làng Vinh Quang, Cao Lư, Trung Dịch, Ngọc Lâm. Để ghi công Hoàng Thái Hậu và Đông Các đại học sĩ Lê Nhân Quý người ta gọi tên con đê là đê Hoàng Các.

Năm 1977, tại núi Chè xã Mai Lâm, các nhà nghiên cứu khảo cổ đã phát hiện được một số hiện vật gồm 1 chậu đồng, 3 lưỡi giáo đồng, 3 nồi gốm hoa văn thừng thô, gốm màu nâu đỏ, xương đen có pha cát. Nhóm hiện vật được phát hiện ở độ sâu 0,5m. Đây là di vật văn hoá Đông Sơn ở mảnh đất phía Nam tỉnh Thanh Hoá.

Làng Kim Cốc hiện còn một giếng cổ, nước không bao giờ cạn. Trước đây, giếng cung cấp nước ăn chính cho cả làng. Theo bà con kể lại giếng có từ thời các cụ Lê Nhân Thực, Lê Nhân Quý cho đào để lấy nước ăn. Khi thau giếng, dưới đáy là những tấm gỗ dày để ngăn cát. Trải qua hàng mấy trăm năm, các phiến gỗ vẫn không bị mục nát. Mỗi khi làng có lễ hội, dân làng Kim Cốc dùng nước giếng này để thờ tự, lau chùi tượng pháp đồ thờ. Bà con nơi đây gọi là Giếng Quán.

Trước kia các dòng họ ở Kim Cốc là họ Lê, Nguyễn, Trần, Văn, tế tổ cùng một ngày, là ngày 5 tháng 2 (âm lịch) và giao hiếu với nhau. Tục này có từ lâu đời, năm nối năm, đời kế đời và trở thành lệ làng. Vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm, làng Kim Cốc chọn ra những chàng trai tuấn tú, trống dong cờ mở, khênh kiệu đến tổ đường họ Lê Nhân dâng lễ, xin rước sắc phong 3 cụ Khởi tổ, Khải tông và Thế tông là Thành hoàng làng về đình làng để tế lễ và tổ chức Hội làng. Mãn lễ, kiệu rước sắc về tổ đường và làm lễ bái hoàn. Lễ hội tổ chức ở đình Kim Cốc thường tổ chức các trò như: chơi đu, cờ người, bài điếm. Trong đó còn có môn vật hiện nay ở làng Kim Cốc còn có địa danh cồn Vật. Tổ chức lễ hội làng Kim Cốc lần cuối cùng năm 1944.

Làng Kim Cốc nay không còn đình làng và văn chỉ. Khu đất dựng đình làng xưa nay trở thành khu dân cư, khu văn chỉ nay là khu trường mầm non. Bia văn chỉ của làng hiện đang được bảo quản ở từ đường họ Lê. Rùa đá đội bia nay để ở gốc cây gạo gần trường mầm non. Trải qua thời gian dài việc cúng tế ở Từ đường họ Lê bị mai một. Việc khởi lập lại nội dung tế cũng như cách tổ chức lễ hội ở nơi đây cũng cần đặt ra.

Các chi họ Lê Kim Cốc đã phát triển, con cháu toả đi khắp nơi. Ở Thanh Hoá, sơ bộ dòng họ Lê Nhân chúng tôi biết có ở thôn Đồng Nhuệ xã Hoằng Thắng huyện Hoằng Hoá. Nơi đây có cụ Lê Nhân Tế đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502) làm quan tới Đông Các Hiệu Thư. Ngoài ra ở Hoằng Trạch, Hoằng Hợp huyện Hoằng Hoá có dòng họ Lê Nhân. Họ Lê Nhân còn có ở xã Quảng Hải huyện Quảng Xương, xã Hoá Quỳ huyện Như Xuân, v.v… Mối liên hệ giữa dòng họ Lê Kim Cốc với các dòng họ Lê Nhân các nơi ở Thanh Hoá cần được nghiên cứu thêm.

Theo phân cấp quản lý di tích ở tỉnh Thanh Hoá, di tích Từ đường họ Lê Nhân Kim Cốc xếp hạng di tích cấp tỉnh, di tích do chính quyền địa phương trực tiếp quản lý. Làm gì để phát huy giá trị của di tích là điều đang đặt ra cho chính quyền xã Mai Lâm, cho dòng họ Lê Kim Cốc và các cơ quan có trách nhiệm tỉnh Thanh Hoá.

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tập hợp, đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Kể từ khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập ngày 26/03/1983, Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đã thực sự trở thành những mốc son quan trọng, đánh dấu bước phát triển cả về tư duy chính trị lẫn phương thức hoạt động của toàn hệ thống.