Bàn về chữ thiên thời, địa lợi trong cụm thiên thời, địa lợi, nhân hoà
Trong các buổi nói chuyện thời sự, diễn giả khi nhắc đến cụm từ này thưởng hiểu và giải thích cho người nghe đại khái như sau:
Thiên thời là các thuận lợi về thiên nhiên, địa lợi là các thuận lợi về địa lí, nhân hoà là sự ủng hộ và nhất trí của mọi người.Ví dụ như khi bình luận các thành tích về nông nghiệp của Việt Nam sau 20 năm đổi mới, người ta thường nói: “Đó là vì chúng ta có đủ ba yếu tố: thiên thời, địa lợi và nhân hoà. Thiên thời là thời tiết thuận lợi, mưa thuận gió hoà, nhiệt độ và độ ẩm cao phù hợp với sự phát triển của cây lúa nước. Địa lợi là đất đai màu mỡ, có nhiều hồ ao, sông ngòi, lại không bị động đất, sóng thần. Nhân hoà là người dân biết cần cù chịu khó, đoàn kết giúp đỡ nhau và hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng để xây dựng Việt Nam thành một nước có mức sống cao trong khu vực”.
Giải thích như thế có đúng không? Mới nghe thì có vẻ rất lôgic nhưng thực ra không hẳn như vậy. Tinh thần chữ “thiên thời” mà người xưa nêu lên ở đây hoàn toàn không có ý nói đến yếu tố thiên nhiên mà là một khái niệm mang tính chất duy tâm. Nó có nghĩa gần như thời cơhoặc thời vận. Hoặc nói một cách khác chính xác hơn, đây là một yếu tố không phải do con người quyết định mà do Thượng đế đã an bài, con người dù có muốn cũng không thể nào thay đổi được. Giở xem Từ điển Hán - Việtcủa Đào Duy Anh, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, xuất bản năm 2004, trang 409 có nói: “ Thiên thời là thời vận của Trời. Bốn mùa cũng gọi là thiên thời”. Trong ngữ cảnh này ý nghĩa của “thiên thời” nằm ở mệnh đề thứ nhất. Vậy “thiên thời” phải được hiểu là “mệnh trời” hoặc “ý muốn của Thượng đế”. Con người muốn mưu cầu việc lớn, ngoài tài năng, lòng quyết tâm và sự chuẩn bị tốt của mình còn cần phải xem thời vận đã đến chưa. Nếu thời vận chưa đến thì có khởi sự cũng thất bại. Theo quan niệm mác - xít, cách hiểu này có vẻ lạc lõng, nhưng ở đây chúng ta không bình luận vì đó là sự đúc kết kinh nghiệm của cổ nhân. Nó xuất phát từ nhận xét sau: Từ trước đến nay trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, không phải lúc nào bên chính nghĩa cũng thắng. Cái quy luật “chính” thắng “tà”, “thiện” thắng “ác” có thể đúng trong một thời gian dài hoặc rất dài hạn, nhưng có thể sai trong thời gian ngắn hạn. Điều này được thấy rõ trong các cuộc chiến tranh vệ quốc của các dân tộc nhược tiểu vùng châu Phi trong các thế kỷ 18 và 19. Trong các cuộc chiến tranh này bên phi nghĩa (tức lực lượng đế quốc, thực dân) thắng và lực lượng chính nghĩa (tức dân tộc bản xứ) thất bại. Sở dĩ như vậy vì họ tuy có địa lợi, nhân hoà nhưng chưa có “thiên thời”. Có người lập luận rằng đó là do tương quan lực lượng giữa hai bên quá chênh lệch, thiện mà yếu cũng thua, ác mà mạnh vẫn thắng. Vậy làm sao có thể giải thích được cuộc đấu tranh giành độc lập của đất nước Đông Timo và Montenegro trong những năm vừa qua. Đó chẳng qua là dân tộc Đông Timo và Montenegro có được yếu tố “thiên thời” mà thôi.
Một ví dụ nữa trong truyện Tam Quốc, khi Lưu Bị dấy binh định khôi phục cơ đồ nhà Hán, Gia Cát Lượng đã có nhận định như sau: Lưu Bị dấy binh lần này chỉ có hai yếu tố thành công, đó là địa lợi và nhân hoà. Địa lợi là vùng đất do Lưu Chương cai quản đất đai trù phú, địa thế hiểm trở. Vùng này Lưu Bị có thể chiếm lấy để làm thế chân vạc, chống lại Tào Tháo và Tôn Quyền. Nhân hoà là lòng dân phấn khởi ngả theo Lưu Bị vì vẫn còn luyến tiếc nhà Hán. Riêng “thiên thời” thì không được vì thời vận nhà Hán đã hết. Cái khái niệm duy tâm “thời vận” nói trên chính là yếu tố “thiên thời” mà chúng ta đang bàn.
Chữ “địa lợi” cũng vậy. Ngoài yếu tố đất đai màu mỡ, nhiều sông ngòi, không bị động đất, sóng thần v.v… chữ “địa lợi” còn mang hàm ý các lợi thế về mặt địa lí. Ví dụ như: có địa thế hiểm trở, thuận lợi cho việc phòng thủ tấn công, có thể liên minh với các thế lực địa phương để mưu đồ việc lớn (đối với một cuộc khởi nghĩa), hoặc: có thuận lợi trong việc giao thương, mua năng lượng, sản xuất và phân phối hàng hoá (đối với việc thành lập một khu công nghiệp hoặc khu chế xuất). Nếu hiểu theo nghĩa này thì yếu tố mưa thuận gió hoà, nhiệt độ và độ ẩm cao… cũng nằm trong phạm trù “địa lợi” chứ không phải “thiên thời”. Tóm lại, nếu muốn hiểu sáu chữ “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” theo đúng tinh thần của người xưa thì nên hiểu như trên.
Đây chỉ là một ý kiến đề xuất, xin mạnh dạn nêu ra để cùng nhau bàn luận cho vui. Rất mong các học giả, đặc biệt là những chuyên gia về Hán - Việt góp ý.