Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 26/10/2010 19:10 (GMT+7)

Bản lĩnh của một nhà lãnh đạo Liên hiệp hội Việt Nam

Nhìn lại hai mươi năm làm công tác hội, PGS.TS Hồ Uy Liêm đã từng giữ những trọng trách của Liên hiệp hội Việt Nam: Trưởng ban Hợp tác quốc tế (1991-1993), Tổng thư ký trong nhiệm kỳ III (1993-1999), Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký trong nhiệm kỳ IV và V (1999-2008), từ tháng 8/2008 đến 4/2010, anh đảm nhiệm quyền Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam và nay là Phó chủ tịch thường trực.

Anh vốn là một nhà khoa học, được đào tạo cử nhân hóa học tại Đại học Tổng hợp Mátxcơva mang tên Lômônôxốp, bảo vệ thành công luận án tiến sỹ về hóa học phân tử tại Viện hàn lâm khoa học Liên xô, đã giảng dạy và làm phó chủ nhiệm bộ môn Hóa – Lý tại Đại học tổng hợp Hà Nội, rồi được điều về Ban Khoa giáo Trung ương, lần lượt qua các chức vụ chuyên viên, vụ phó, vụ trưởng kiêm bí thư chi bộ. Ngẫm lại thì đó cũng là do đòi hỏi chung của đất nước ta trong những thập niên nửa cuối thế kỷ 20 đối với những thanh niên trí thức yêu nước: “ Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Vào đầu những năm 1990, trong bối cảnh Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, Đảng ta chủ trương đưa đất nước bước vào sự nghiệp Đổi mới. Để nâng cao vai trò của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, rất cần những người kiên trung có bản lĩnh, năng lực sáng tạo về công tác tại Liên hiệp hội Việt Nam , trong số đó có TS. Trịnh Văn Tự - nguyên Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, Phó Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam; nhà giáo Trần Cư - nguyên Vụ trưởng Ban Khoa giáo Trung ương; PGS.TS Hồ Uy Liêm; PGS.TS Tô Bá Trọng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo… Thời gian này, GS Hà Học Trạc – nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đã kế tục Viện sỹ Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam.

Anh Hồ Uy Liêm tâm sự “Tháng 11 năm 1991 khi mình được điều sang làm công tác hội, trong sự bỡ ngỡ buổi đầu có cái may mắn là được làm việc trong một tập thể anh chị em khá thân quen, người là thầy, người là bạn, ai cũng đầy lòng nhiệt tình xây dựng hội”.

Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã mở ra thời kỳ đổi mới của đất nước. Ngày 27 tháng 1 năm 1992, Hội đồng bộ trưởng (nay là chính phủ) đã ban hành Nghị định 35/NĐ-HĐBT về công tác quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ, trong đó một trong các nội dung đổi mới là xã hội hóa các hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ, nội dung này được cụ thể hóa trong thông tư liên bộ - 195 nhằm hướng dẫn đăng ký hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ. Nhờ đó các hội ngành và các đơn vị trực thuộc có điều kiện phát triển mạnh, hệ thống báo chí của liên hiệp hội và các hội thành viên tăng lên nhanh chóng, cho tới nay đã có hơn 150 ấn phẩm định kỳ chiếm trên 1/3 tổng số báo chí khoa học - công nghệ trong cả nước.

Ngay khi còn công tác ở Ban Khoa giáo Trung ương, PGS.TS Hồ Uy Liêm đã chia sẻ rất nhiều với GS Hà Học Trạc, GS Vũ Cao Đàm và các đồng nghiệp về ý tưởng xây dựng dự thảo Nghị định 35/NĐ-HĐBT, vì anh nghĩ đây là một đột phá khẩu quan trọng nhằm “cởi trói” cho sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, giống như tác dụng của “ Khoán 10” đối với nông dân. Đến hôm nay nhắc lại Nghị định 35/NĐ-HĐBT anh Liêm vẫn còn xúc động .

Sau đó là Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp hội Việt Nam lần thứ III diễn ra vào cuối tháng 9 năm 1993. PGS.TS Hồ Uy Liêm được giới thiệu và đại hội bầu làm Tổng Thư ký Liên hiệp hội Việt Nam . Anh cũng hơi bất ngờ khi được trao trọng trách này, vì mãi tới ngày trước Đại hội anh mới được GS Hà Học Trạc thông báo. Trong nhiệm kỳ III (1993-1999) với vai trò Tổng Thư ký, anh còn là ủy viên Đảng đoàn, Đảng ủy viên Liên hiệp hội Việt Nam .

Tôi đã có lần phỏng vấn cố giáo sư Hà Học Trạc nguyên chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam các khóa II và III và lần này lại được PGS.TS Hồ Uy Liêm cho rằng trong nhiệm kỳ này, dấu ấn rõ nét nhất là VUSTA đã đạt được những thành tựu để khẳng định vai trò chính trị- xã hội, tạo ra cơ sở lý luận và thực tiễn cho sự ra đời Chỉ thị 45–CT/TW ngày 11/11/1998 của Bộ Chính trị.

Để minh chứng, anh Liêm kể lại quá trình tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV, PB&GĐXH) của Liên hiệp hội Việt Nam trong 10 năm từ 1993 đến 2003 đối với dự án xây dựng nhà máy Thủy điện Sơn La. Dự án đã được Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) lập, với cao trình mặt nước dâng trong hồ chứa là 265m so với mặt nước biển, dự kiến đạt công suất trên 3000 MW. Xét về mặt sản xuất điện thì có lợi, tuy nhiên xét toàn diện thì phương án này (thường gọi là phương án cao) lại có nhiều nhược điểm, thậm chí có thể gây ra những hậu quả khôn lường: Sẽ tạo ra hồ chứa nước mênh mông, gần như chia cắt vùng Tây Bắc ra làm hai, mạn trên lại rất gần biên giới; phải làm ngập cả một vùng quê rộng lớn ven sông Đà, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc anh em, trong đó có người Thái, người Tày…làm mất văn hóa bản địa và đặt ra việc di dân rất phức tạp. Đặc biệt với “phương án cao” sẽ làm tăng khả năng kích thích động đất cảm ứng, gây vỡ đập- nguy cơ thảm họa khôn lường cho các khu vực hạ lưu, trong đó có thủ đô Hà Nội.

Từ đầu năm 1993, dưới sự chỉ đạo của GS. Hà Học Trạc và Đoàn Chủ tịch, những cán bộ chủ chốt của Liên hiệp hội Việt Nam như PGS. TS Hồ Uy Liêm, PGS. TS Tô Bá Trọng…bắt tay vào tập hợp hàng chục nhà khoa học trình độ chuyên gia thuộc trên 7 hội thành viên như các hội: Địa chất, Địa lý, Môi trường, Sinh học, Thủy lợi (trong đó có Thủy nông, Thủy công, Thủy điện), Hội Dân tộc học, một số hội trong ngành nông nghiệp. Kết quả VUSTA đã tập hợp được các chuyên gia thực thụ trong các lĩnh vực liên quan, qua quá trình khảo sát thực địa, nghiên cứu, trao đổi đã đạt được kết quả thể hiện trong bản kiến nghị cuối cùng trình lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội. Trong bản kiến nghị có 02 điều mấu chốt:

1. Hạ thấp cao trình từ 265m xuống 215m (phương án thấp);

2. Trên sông Đà cần làm thủy điện trên 03 bậc thang (Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình).

Kiến nghị của Liên hiệp hội Việt Nam đã được chấp nhận trong dự án khả thi chính thức đưa vào xây dựng, và đầu năm 2004 đã được Hội đồng thẩm định chất lượng Nhà nước khen thưởng tại Quyết định số 04/QĐ-HĐTĐCL. Với vai trò Tổng thư ký Liên hiệp hội Việt Nam trong những ngày tháng công tác sôi nổi ấy, PGS.TS Hồ Uy Liêm không thể quên những kỷ niệm sâu sắc và qua đó đã rút ra những bài học kinh nghiệm thiết thực trong lĩnh vực hoạt động này. Đã có những buổi họp chuyên đề tranh luận nảy lửa giữa các chuyên gia trong liên hiệp hội với nhau và với các chuyên gia của bên xây dựng dự án (nòng cốt là EVN). Qua đó thể hiện tính khoa học, khách quan, tính độc lập và tính dân chủ trong TV, PB&GĐXH. Trong quá trình đó mặc dù có sự cọ sát về quan điểm nhưng EVN đã hết sức tạo điều kiện làm việc cho VUSTA bởi vậy chỉ với kinh phí rất hạn hẹp, khoảng 6- 7 trăm triệu đồng mà mọi việc đều trôi chảy. Mỗi nhà khoa học đều vì mục tiêu chung để có một phương án tối ưu, họ cố gắng đưa ra những gì tinh túy nhất sáng tạo nhất tích lũy trong cả cuộc đời làm khoa học thuộc lĩnh vực chuyên sâu của mình. Tranh luận, phê phán để xây dựng, phản đối phương án cao, họ phải đưa ra phương án thấp để có lời giải đáp thỏa đáng. Từ đây uy tín của Liên hiệp hội Việt Nam đối với toàn xã hội và với các hội thành viên được nâng cao, chức năng TV, PB&GĐXH được khẳng định như là một nội dung hoạt động quan trọng của một tổ chức chính trị- xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam.

PGS.TS Hồ Uy Liêm (bên phải) và TS Đinh Xuân Thảo tại lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Liên hiệp hội Việt Nam và Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội.

Sau này, trong các lớp đào tạo kỹ năng nghiệp vụ tổ chức TV, PB&GĐXH , PGS.TS Hồ Uy Liêm thường nêu lên những bài học kinh nghiệm vàkhông quên nhấn mạnh: Đây không phải là lớp đào tạo chuyên gia tư vấn, phản biện mà là học cách tiếp cận, cách tổ chức để khai thác tiềm năng của các chuyên gia. Nhắc đến họ, PGS. TS Hồ Uy Liêm tỏ rõmột sự trân trọng đặc biệt. Theo anh, chuyên gia tư vấn, phản biện trước hết phải là nhà khoa học có chuyên môn sâu sắc uyên thâm, hơn nữa họ phải hiểu biết tình hình đất nước, môi trường pháp lý,biết cập nhật thông tin và cách thức hợp tác chia sẻ với đồng nghiệp trong các lĩnh vực khác có liên quan để tạo nên trí tuệ liên ngành. Anh nói, những người như thế quý lắm, ở nước ta hiện nay sốlượng tương đối ít, nhiều người đã cao tuổi, bởi vậy phải trân trọng và biết phát huy trí tuệ của các nhà khoa học lão thành, đừng cho là họ cao tuổi thì hết tác dụng. Cố nhiên, có sự tham gia củacác chuyên gia tuổi trẻ tài cao lại càng quý giá; nhiệm vụ của VUSTA và các thành viên trong những năm tới là phải tìm cách tập hợp và phát huy lực lượng trí thức khoa học – công nghệ trẻ ở trong vàngoài nước. Phần lớn chuyên gia là hội viên thuộc các hội chuyên ngành ở trung ương và địa phương. Trong số đó có cả các nhà lãnh đạo và quản lý đã từng giữ những cương vị quan trọng trong Đảng vànhà nước như: Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng, các Bộ, Thứ trưởng.

Bài học giá trị nữa mà PGS.TS Hồ Uy Liêm rút ra từ đây là đi đôi với TV, PB&GĐXH còn phải tiến hành vận động chính sáchtừ việc biết hợp tác với bên A (cơ quan làm dự án) đến việc tiếp cận với các cơ quan Đảng và Nhà nước. Anh nhắc lại kỷ niệm cùng GS Hà Học Trạc và các nhà khoa học – công nghệ đại diện Liên hiệp hội Việt Nam (gồm 15 vị) trình bày với đồng chí Nguyễn Tấn Dũng các kiến nghị về phương án xây dựng Thủy điện Sơn La, lúc ấy là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực, đã được đồng chí tán thành, ủng hộ.

Với cách làm sáng tạo như trên, lại được Chỉ thị 45/CT-TW của Bộ Chính trị soi đường, Liên hiệp hội Việt Nam đã tiếp tục thực hiện thành công tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho hàng loạt chương trình giáo dục - đào tạo; Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh qua rừng Quốc gia Cúc Phương; Dự án thay nước Hồ Tây; Bảo vệ di tích Hoàng thành Thăng Long; Phòng chống dịch cúm gia cầm A/H5N1. Và gần đây là Dự án khai thác bauxit ở Tây Nguyên, Xây dựng nhà máy điện nguyên tử; Đường sắt cao tốc Bắc - Nam ; Quy hoạch Hà Nội mở rộng…

Khi đánh giá phản biện về chương trình khai thác bauxit ở Tây Nguyên, PGS. TS Hồ Uy Liêm cho biết, VUSTA đã liên hệ với Bộ Công thương để Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cung cấp toàn bộ hồ sơ của chương trình từ quy hoạch, phân vùng, chọn địa điểm đến nội dung dự án cùng những tác động có thể có về mặt môi trường và xã hội… Chúng ta đã mời chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế, khai mỏ, môi trường, địa chất, hóa học, dân tộc, lâm nghiệp, chế biến alumina và cả chuyên gia an ninh… cùng nghiên cứu hồ sơ. Bộ Công thương và TKV đã cung cấp thêm tài liệu hồ sơ và tạo điều kiện cho các chuyên gia của VUSTA thực địa tại Lâm Đồng và Đắc Nông, làm việc cụ thể với các công ty alumina TKV… Trong quá trình làm việc, dù có những ý kiến trái chiều, nhưng cả hai bên đều hết sức thiện chí – tất cả đều vì lợi ích chung của đất nước. Sau đó, VUSTA đã có văn bản chính thức gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ. Bộ Chính trị đã tổ chức cuộc họp chuyên đề về vấn đề này. Tại cuộc họp đó, báo cáo phản biện của chúng ta về chương trình khai thác bauxit ở Tây Nguyên được đánh giá rất cao; sau đó nhiều kiến nghị quan trọng của VUSTA đã được đưa vào bản kết luận của Bộ Chính trị do đồng chí Trương Tấn Sang ký ban hành.

PGS.TS Hồ Uy Liêm rất ít nói về mình, nhưng tôi hiểu trong những thành tựu của Liên hiệp hội Việt Nam gần một phần tư thế kỷ qua có nhiều đóng góp của anh, vị Tổng thư ký trong nhiệm kỳ III, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, quyền Chủ tịch và Phó Chủ tịch thường thực trong những nhiệm kỳ tiếp theo.

Nhắc đến sự phát triển hệ thống thông tin, báo chí và xuất bản của VUSTA, anh Liêm đánh giá cao những thành tích trong phổ biến kiến thức, góp phần nâng cao dân trí và đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước không chỉ được TV, PB&GĐXH qua kênh chính thức mà còn thông qua báo chí của Liên hiệp hội Việt Nam . Theo anh, Nhà xuất bản Tri thức vừa qua đã xây dựng được Tủ sách tinh hoa góp phần bổ sung các tri thức cơ bản của nhân loại cho công cuộc đổi mới của đất nước.

Về lĩnh vực thông tin, theo các cán bộ làm việc ở Ban Thông tin (VUSTA), PGS.TS Hồ Uy Liêm đã sớm quan tâm tới phát triển hệ thống thông tin của Liên hiệp hội Việt Nam . Từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, từ một số ít máy tính làm việc đơn lẻ, nay VUSTA đã có hàng trăm máy tính nối mạng rộng khắp cả nước. Trang web www.vusta.vn và bản tin KCP bước đầu đã đáp ứng thông tin trong hệ thống VUSTA và giữa VUSTA với xã hội. PGS.TS Hồ Uy Liên thường nói, chúng ta phải xây dựng một hệ thống thông tin thực sự hiệu quả, không chỉ phục vụ cho các hoạt động thông tin mà phải ứng dụng công nghệ thông tin vào hỗ trợ cho các hoạt động chuyên môn như đào tạo, phổ biến kiến thức, quản lý và điều hành, tư vấn, phản biện… của toàn hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam. Anh nói vui: “Thời đại thông tin ngày nay trẻ em cũng say mê tin học, chẳng lẽ mình không biết dùng máy tính hằng ngày”.

Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của GS Hà Học Trạc, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, PGS. TS Hồ Uy Liêm đã cùng với các cán bộ nòng cốt trong cơ quan xây dựng và phát triển Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) và tổ chức định kỳ Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc ở cấp Trung ương và địa phương.

Tiếp xúc với anh chị em trong các đơn vị 81 trực thuộc Đoàn Chủ tịch của VUSTA như TS Nguyễn Hữu Ninh, TS Phạm Thị Thùy, cố GS.TSKH Nguyễn Văn Trương, họ thường có một nhận xét chung: PGS.TS Hồ Uy Liêm là một vị lãnh đạo nhiệt tình, thức thời và có phương pháp vận động quần chúng. Các tổ chức 81 có nhiệm vụ nghiên cứu triển khai tiến bộ khoa học- công nghệ theo Nghị định 81/2003/NĐ-CP của Chính phủ (thay thế Nghị định 35/NĐ-HĐBT trước đây), hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự trang trải kinh phí trong nhiều lĩnh vực: khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ trẻ em tàn tật, phòng chống HIV/AIDS, bình đẳng giới, ứng phó biến đổi khí hậu,v.v.

Đánh giá cao những thành tích của các đơn vị 81, PGS.TS Hồ Uy Liêm cho rằng các tổ chức này hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, sáng tạo nên các ý tưởng rất phong phú như những đốm lửa nhỏ mà VUSTA có thể tập hợp, thổi bùng lên thành ngọn lửa lớn đóng góp vào sự nghiệp phát triển bền vững đất nước. Chẳng hạn, các kết quả về xây dựng làng kinh tế sinh thái; việc khai thác tiềm năng văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc; các sáng kiến bảo vệ di sản văn hóa, bảo vệ môi trường …Vừa qua, Liên hiệp hội Việt Nam đã thuyết phục nhiều tổ chức quốc tế, như tổ chức ICCO (Hà Lan), Oxfam (Anh), Care quốc tế và Care Đan Mạch, RLS (Đức), WB (Việt Nam), UNDP… có chương trình nâng cao năng lực tư vấn của VUSTA cho Nhà nước trong phát triển kinh tế- xã hội và khoa học - công nghệ.

Nhìn lại những chặng đường phát triển của Liên hiệp hội Việt Nam , PGS.TS Hồ Uy Liêm khẳng định: Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong quá trình đổi mới đóng vai trò quyết định cho những thành tựu mà VUSTA đạt được trong gần một phần tư thế kỷ qua. Anh tin tưởng rằng sau Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị và Thông báo 353 của Ban Bí thư với 5 đề án quan trọng, Liên hiệp hội Việt Nam sẽ bước sang một giai đoạn phát triển mới.

Trong 26 năm, trải qua những bước thăng trầm trên con đường đổi mới và phát triển, tính chất chính trị-xã hội của VUSTA ngày càng được thể hiện rõ nét. PGS.TS Hồ Uy Liêm đã cùng các nhà lãnh đạo hội kiên trì thuyết phục bằng lý luận và kinh nghiệm thực tiễn để cán bộ hội, cán bộ Đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương thấm nhuần quan điểm của Đảng về tính chất chính trị-xã hội của VUSTA. Sự hình thành và phát triển đều khắp trên cả nước của các liên hiệp hội tỉnh, thành và sự cải thiện về điều kiện hoạt động, nhất là biên chế cán bộ và kinh phí đã nói lên sự chuyển biến mạnh mẽ đó.

Tuy nhiên, với cương vị Phó Chủ tịch thường trực VUSTA, PGS.TS Hồ Uy Liêm không quên nhắc nhở cán bộ hội phải luôn nắm chắc và thể hiện được đặc trưng của công tác hội, của công tác trí thức. Đó là luôn tôn trọng tự do, dân chủ trong hợp tác và sáng tạo, không được mắc bệnh quan liêu, hình thức, hành chính hóa trong hoạt động hội.

Anh Liêm tâm sự: “Có nên coi đây là một ưu điểm của mình chăng, bởi mình luôn luôn nhận ra sở trường của những người có quan hệ hợp tác, kể cả đối với các thủ trưởng cấp trên và các cán bộ nhân viên cấp dưới và tìm mọi cách để họ phát huy năng lực trong công tác. Ưu điểm này có được là do mình học tập, rèn luyện trong quá trình công tác hội”. Anh kể về các vị Chủ tịch Hội tiềm nhiệm. GS Hà Học Trạc là một nhà khoa học mẫu mực và luôn cầu thị, uyên bác và chính xác trong khoa học-công nghệ. GS.VS Vũ Tuyên Hoàng thì tài hoa, giỏi cả nông học lẫn thơ văn, hội họa, có nhiều ý tưởng bay bổng mà giàu tính thực tiễn. Anh nói, người làm công tác hội không được mang bệnh máy móc, hành chính hóa mà cần trở thành người bạn, người cộng tác tin cậy của anh chị em trí thức khoa học và công nghệ.

Khi tôi nhắc về sự kiện anh được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì trong Đại hội thi đua của Liên hiệp hội Việt Nam vừa qua, PGS.TS Hồ Uy Liêm tâm sự: “ Mình cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc về những đóng góp trong những năm tháng công tác hội. Đây không chỉ là phần thưởng của riêng mình mà còn là biểu thị sự đánh giá cao của Đảng và Nhà Nước đối với Liên hiệp hội Việt Nam nói chung và đối với những người lãnh đạo Liên hiệp hội nói riêng”.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.