Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 13/06/2014 19:38 (GMT+7)

Bài học từ thời hậu Lê

  Lịch sử Việt Nam từ năm 1527 trở về sau xã hội rất loạn lạc, với các triều đại trực tiếp nắm quyền cai trị theo thứ tự niên đại là: Hậu Lê mạt điệp, Lê – Mạc, Trịnh – Nguyễn, Tây Sơn, triều Nguyễn, cụ thể là:

- Nhà Hậu Lê kéo dài 110 năm(1418 – 1527)

- Nhà Mạc kéo dài 7 năm(1527 – 1533): từ khi Mạc Đăng Dung lên ngôi đến khi Nguyễn Kim lập Lê Trang Tông.

- Bắc Mạc – Nam Lê kéo dài 60 năm(1533 – 1592). Sử gọi là Nam Bắc triều.

- Bắc Trịnh – Nam Nguyễn kéo dài 97 năm(1592 – 1788): (từ khi Trịnh Tùng chiếm kinh đô Thăng Long đến khi để mất vào tay Tây Sơn lần 1). Sử gọi là Nam Bắc phân tranh.

- Nhà Tây Sơn kéo dài 15 năm(1788 – 1802), kể cả thời gian Lê Chiêu Thống trực tiếp cầm quyền gần 1 năm thì quân Thanh tràn vào.

Trước đó, hai triều đại Lý, Trần cơ bản là bền vững trong gần 4 thế kỷ, rồi nhà Hồ để nước ta bị kẻ xâm lược phương Bắc chiếm trên 10 năm, Lê Lợi giành lại nền độc lập, lập ra triều Hậu Lê ổn định trên một thế kỷ, rồi đất nước bị rơi vào loạn lạc suốt gần 3 thế kỷ, từ 1527 đến 1802, chính xác là 276 năm.

Sau đó, sau 84 năm tạm ổn, triều Nguyễn lại để mất nước vào tay thực dân Pháp. Như vậy là, từ nhà Hậu Lê, sau một thời kỳ vẻ vang của sự nghiệp kháng chiến thắng lợi và mở mang bờ cõi của các vua đầu triều, thì nước ta không bao giờ được yên nữa.

Vì sao như vậy?

Có nhiều yếu tố cấu thành bức tranh xã hội toàn cảnh, nên khó thể đưa ra một khía cạnh nào đó để kết luận đặc trưng của một giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, ở đây, chỉ đưa ra một số nhận xét có thể góp phần cho sự tìm hiểu một giai đoạn lịch sử có thể gọi là đen tối của nước ta. Chúng ta thấy lộ ra một vấn đề quan trọng, bắt đầu từ nhà Hậu Lê, từng bước Nho giáo trở thành tư tưởng chủ đạo trong xã hội Việt Nam.

Khoa cử Nho giáo cực thịnh vào thời hậu Lê

Trong đời mình, Lê Thái Tổ chưa kịp lập lại các khoa thi thường lệ. Sau 20 năm bị quân Minh xâm lược, ngài dồn hết tâm sức vào công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm, rồi khi giành được độc lập, ngài chỉ làm vua 5 năm (1428-1433) thì mất. Trong thời gian cầm quyền, ngài tổ chức được 2 khoa thi bất thường, khoa minh kinh(giải thích về nghĩa các kinh) và khoa hành từ(luận về những việc đại sự).

Lê Thái Tông bắt đầu định điều lệ thi Hương, thi Hội để rồi đến Lê Thánh Tông mới thật sự     nở rộ. Năm 1466, vua Lê Thánh Tông đặt ra điều lệ “xướng danh”, và lệ “vinh quý” rất long trọng. Năm 1488, Lê Thánh Tông lại còn cho “khắc bia tiến sĩ” dựng nơi Quốc tử giám. Cái học nhà Nho được đẩy lên quá cao, dần dần trở thành môn học chủ lực, đẩy lùi dần các môn học Thích, Đạo vào khu vực sinh hoạt chuyên biệt, mất dần ảnh hưởng đến lực lượng trí thức trong xã hội vì không còn liên quan đến con đường tiến thân của họ. Thậm chí triều đình còn xếp đạo Phật, đạo Lão ngang hàng với thầy bói và ra sắc chỉ cấm:

“Năm Quý Mùi 1463, bắt đầu định lệ ba năm một lần thi Hội. Ra sắc chỉ rằng những người bói toán, Đạo, Thích ở trong nước từ nay về sau không được trò chuyện trao đổi với người trong cung và hậu đình”.(Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, tr.399).

Chủ trương hạn chế người tu Phật bằng kiểm tra:

“Mùa hạ, tháng 6, ngày 10 ra lệnh chỉ cho các tăng đạo, người nào thông kinh điển, trong sạch giữ tiết hạnh hẹn đến ngày 20 tháng này tới sảnh đường trình diện, để xét duyệt cho thi, ai đỗ thì cho làm tăng đạo, ai không đỗ thì bắt hoàn tục”.(Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, tr.301).

Vậy thì, trí thức khoa bảng triều Hậu Lê học gì và thi ra sao?

“Phép thi Hương trước hết thi ám tả để loại bớt. Kỳ thứ nhất thi Tứ Thư, kinh nghĩa gồm 5 bài. Kỳ thứ hai thi chiếu, chế, biểu dùng cổ thể hay tứ lục. Kỳ thứ ba thi thơ, dùng Đường luật, phú cổ thể hay Ly tao, văn tuyển, từ 300 chữ trở lên. Kỳ thứ tư thi một bài văn sách, đầu đề hỏi về kinh,sử hay việc đương thời, hạn 1.000 chữ”.( Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, tr.396)

Cho thấy từ triều Hậu Lê trở đi học trò chỉ chuyên vào sở học nhà Nho.

Như thế thì cách chọn người ra làm quan thời Hậu Lê đã rất khác với thời Lý Trần. Thời Lý Trần chọn người ra làm quan phải thông hiểu cả ba giao lý Nho, Phật, Lão:

“Năm Nguyên phong thứ I, mùa thu tháng 8, mở khoa thi chung cả ba giáo lý, lấy người ra làm quan”.(Nguyễn Đăng Thục, Quốc học Việt Nam, tr.159)

“Xét đời Lý đời Trần đều tôn sùng Phật Lão. Cho nên buổi ấy chọn người ra làm quan muốn được thông hiểu cả hai học phái trên đây. Dù rằng chính đạo hay dị đoan đều được tôn sùng không phân biệt mà học trò đi thi khoa ấy, nếu không học rộng biết nhiều thì cũng không thể đỗ được”.(Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí – Khoa mục chí, tr.152)

Nho giáo là một học thuyết chính trị được tầng lớp cai trị ưa chuộng, vì nó có tác dụng củng cố quyền lực của vương triều một cách rất có hệ thống nên lẽ đương nhiên các vương triều phong kiến Á Đông đều tôn sùng Nho giáo, vận dụng tư tưởng Nho giáo trong chính sách cai trị của mình.

Vì sao như vậy?

“Xã hội phong kiến Á Đông nói chung vẫn còn giữ lại rất nhiều tàn tích của xã hộ thị tộc và xã hội nô lệ, biểu hiện trong pháp luật và phong tục dưới những hình thức như là quan niệm sở hữu thổ địa thuộc về quốc gia… Trong một xã hội như vậy thì vua là tổ của thị tộc, là cha của dân, mà cha là trời của con, chồng là trời của vợ… do đó chữ trung, chữ hiếu, chữ trinh là những khái niệm luân lý tuyệt đối trong xã hội”.(Cao Xuân Huy – Nguyễn Huệ Chi, Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu, tr.202).

Nhưng chỉ với bộ khung Nho giáo có vẻ hoàn chỉnh ấy không thôi thì xã hội dù được củng cố có hệ thống, cũng dễ bị rơi vào tình trạng xơ cứng, bảo thủ. Người ta cho rằng Nho giáo quả thật rất phù hợp với triều đại phong kiến kiểu thị tộc, nhưng Nho giáo cũng dễ rơi vào chủ quan, tạo nên tinh thần sùng bái một chiều dẫn đến tệ bảo thủ cứng ngắt của giới thống trị. Bởi vì bản thân Nho giáo chỉ quan tâm đến xã hội mà thiếu hẳn nền tảng siêu hình.

“Nhưng làm sao tìm được ở trong tư tưởng của Khổng Tử những khái niệm, những phạm trù có thể làm cơ sở cho một hệ thống triết học đúng nghĩa?”(Cao Xuân Huy – Nguyễn Huệ Chi, Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu, tr.178).

Tiêu điểm của Nho giáo bao giờ cũng là Tam cương ngũ thường, mặc dù qua các thời đại nó đã thu hút vào trong lòng nó những thành phần lý luận rất khác nhau, rất phức tạp. Các thế thứ Nho giáo đã truyền thụ cho nhau những phạm trù đã kết tinh lại vì nó tồn tại lâu đời.

“Những phạm trù ấy đã trở thành những cái khung cứng nhắc, nhưng đời này qua đời khác, nhà Nho vẫn thông qua nó mà nhìn hiện thực. Khi hiện thực còn là cái khung phong kiến, cũng không đến nỗi sai lầm nghiêm trọng, mặc dù sự nhìn ấy không khám phá được những khả năng kín đáo sẽ phát triển về sau”.( Cao Xuân Huy – Nguyễn Huệ Chi, Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu, tr.226).

Vì thế hai triều Lý Trần phải viện đến Phật, Lão để bổ sung chỗ yếu kém của Nho giáo:

“Trong lúc Nho giáo cố đóng khuôn con người vào giữa cuộc đời trần tục, làm cho con người quẩn quanh, khô cạn dần cảm hứng sống, thì Phật và Đạo lại cố mở rộng nhãn giới của con người đến những chân trời rộng lớn, giúp con người bớt nhọc nhằn căng thẳng, để con người có thể nuôi dưỡng những tình cảm thiên chân quý giá của mình. Trong khi Nho giáo duy trì một hệ thống “tam cương ngũ thường” khắc nghiệt trói chặt lấy con người, với cả một hệ thống đẳng cấp chặt chẽ từ trên xuống dưới, thì Phật và Đạo lại cởi trói cho con người, để cá tính, sở thích và cả bản năng con người được tự do trỗi dậy”.(Cao Xuân Huy – Nguyễn Huệ Chi, Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu, tr.22).

“Ngày xưa người ta lấy đạo Nho trị quốc, đạo Thích trị tâm, duy trì được các trật tự lớn nhỏ, xây dựng được cái nền đạo đức luân lý vững bền, đã mấy muôn đời cũng nhờ có hai đạo dung hợp giáo hóa mà thuần phong mỹ tục dẫu trải bao thời đại thịnh suy đắp đổi mà cội gốc không hề lay chuyển”.(Nguyễn Khoa Tùng, Phong trào Chấn hưng Phật giáo, tr.17,18)

Tư tưởng tam giáo đồng nguyên được giữ khá cân bằng vào thời Lý Trần rõ ràng đã không được xiển dương dưới triều Hậu Lê cũng như các triều đại sau này.

Các vua đầu triều Hậu Lê còn quan tâm đến Phật giáo dù không phải là chú trọng đến tư tưởng học thuật:

“Mùa hạ, tháng 4, ngày 1 vua sai các quan rước Phật chùa Pháp Vân(nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội) về Đông Kinh để cấu mưa”.

“Ngày 22, đặt đàn chay ở điện Cần Chính, vì hạn hán hại lúa, sét đánh cháy thuyền”.

“Bấy giờ điều động thợ ở cục Tất tác làm chùa Báo Thiên. Công việc thổ mộc rất nặng nề, người thợ là Cao Sư Đăng phải làm lụng vất vả mới nói lén rằng: Thiên tử(Thái Tông) không có đức để đến nỗi hạn hán, Đại thần ăn của đút, cử dùng kẻ vô công có gì là thiện đâu mà phải làm chùa to thế”.

“Đại tư đồ Lê Sát dựng xong các chùa Thanh Đàm và Chiêu Độ có đến hơn 90 gian”. “Ngày 15 mở hội Vu Lan tha 50 tên tù tội nhẹ, ban cho các sư tụng kinh 220 quan tiền”.

“Cho trụ trì chùa Báo Thiên là Huệ Tông làm sa môn, ban cho áo tía”.

“Ngày 22 đúc xong tượng vàng của Thái Tổ và Quốc Thái mẫu sai nhà sư làm phép điểm nhãn rồi rước vào miếu để thờ”.(Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, tr.313, 314, 316, 318, 330, 331).

Người ta cho rằng ý thức hệ Nho giáo nặng nề về lối tư duy lý tính, như khoa học ngày nay dùng phương pháp thực nghiệm để giúp con người nhìn ra vô vàn đặc tính khác nhau của một vũ trụ ngày càng phân hóa đến cùng cực, thì Phật giáo lấy tư duy tuệ tính làm nền tảng, dùng trực quan để cảm thức về tính đồng nhất và toàn vẹn của vũ trụ, tìm ra giữa vô vàn hiện tượng phức tạp của vũ trụ một bản thể giống nhau.

Ở Trung Hoa, đến triều Tống, sau mấy trăm năm loạn lạc thời Ngũ Quý, phái Tân – Nho giáo bắt đầu ý thức được sự thiển cận của luân lý thực tiễn Khổng Mạnh, mới tìm đến phần siêu hình của đạo Phật, bấy giờ đã ăn sâu vào xã hội, và họ đã xây dựng một hệ thống triết học nhân sinh phong phú, ổn định. Còn ở nước ta hai triều Lý Trần lấy khuôn mẫu nhà Nho tuyển cán bộ bổ làm quan cai trị, nhưng phải là nhà Nho thông hiểu cả hai học phái Phật, Lão.

Nhưng người ta thấy rằng hình như khi nào tiến trình phát triển của tư tưởng Việt Nam “hóa giải” mọi sự độc tôn thì tạo nên một đời sống tâm linh phong phú, thăng bằng.

Ngày nay, các chế độ dân chủ Âu Mỹ đang nhức đầu với câu hỏi đó.

Ai cũng nói: sự tin cậy nằm nơi cội rễ của dân chủ. Rồi ai cũng chỉ cái cây dân chủ mà nói: nó đang héo. Nó héo vì tin cậy bị lung lay: dư luận không tin nữa ở bầu cử, không tin nữa ở cơ quan đại diện, không tin nữa ở sự trong sạch của chính trị. Chế độ dân chủ đang tự nghi ngờ mình, ngay trên xứ sở đã sinh ra nó.

“Khuyết điểm của họ ngày nay họ thấy rõ như nhìn vào lòng bàn tay: đó là cá nhân chủ nghĩa thái quá. Cá nhân chỉ nghĩ đến mình thì ý thức tập thể, đời sống cộng đồng, đời sống xã hội, đời sống chính trị, chế độ dân chủ tất cả đều bị tổn thương và tự do cũng mất. Con người dân chủ là con người tự mình phán đoán, quyết định, điều đó hay nhưng nếu ai cũng khăng khăng bảo vệ lợi ích cá nhân, không biết dung hòa quyền lợi, thì chính họ đã đánh mất đi cái bí quyết thành công của chế độ dân chủ là tinh thần mực thước, phải chăng”.(TS. Cao Huy Thuần)

Ngay như dân chủ kiểu Âu Mỹ cũng có vấn đề. Bản chất của dân chủ không tách rời tự do cá nhân, vậy thì nền dân chủ như thế nào để không thể khăng khăng tự do cá nhân?

Người ta thấy rằng hình như khi nào tiến trình phát triển của tư tưởng “hóa giải” được mọi sự độc tôn thì tạo nên một đời sống tâm linh phong phú, thăng bằng.

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.