Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 26/10/2009 16:39 (GMT+7)

Bác sĩ “nhà quê” và những ca đại phẫu

Các báo chí tại TPHCM cũng đưa nhiều thông tin về những ca bệnh hy hữu được chữa khỏi tại bệnh viện này…

Con ma thua bác sĩ

Ông Katơ Nhuận, người Raglai ở xã Phước Chiến (Bác Ái, Ninh Thuận) đang làm rẫy trên đồi thì thấy cái bụng mình đau cuồn cuộn. Lúc đầu đau vùng dưới ngực, sau một tuần, lan xuống vùng bên hông. Ông nói người nhà làm lễ cúng để chờ con ma đến bắt đi. May có người chỉ ông đến bệnh viện.

Bây giờ thì ông Katơ Nhuận đã yên tâm rằng, cái bụng ông không còn đau nữa, ông nói với mọi người rằng con ma thua bác sĩ (BS).

Bác sĩ Nguyễn Văn Nhiệm, giám đốc bệnh viện Ninh Sơn đã trực tiếp mổ, cứu chữa nhiều ca ruột thừa nặng, ung viêm sình bụng cho đồng bào Raglai như ông Nhuận.

Văn S. ở Sông Pha, trong một lần tắm sông, đã bị con đỉa rúc vào mũi. Con đỉa nằm trong khoang mũi hút máu đến nửa tháng, gây choáng váng và đau đớn. Nhưng khi đi các bệnh viện tuyến trên, người ta chỉ chẩn đoán là bị viêm xoang, sốt… cho uống thuốc mãi không lành.

Gia đình đưa S. đến bệnh viện Ninh Sơn, BS hỏi, ngoài đau nhức khó chịu còn triệu chứng gì khác không? “Tui thấy nhột!”. BS Nhiệm gật đầu: “Vậy nhột là vấn đề!”. Ca gắp dị vật diễn ra chỉ… bảy phút.

Bảy phút, BS dùng đủ dụng cụ để… vật lộn với một con đỉa nằm cuộn tròn bên trong khoang mũi S... “Cuối cùng, con đỉa dài hơn một gang tay, mình đầy máu đã phải chịu thua tôi!”, BS Nhiệm hài hước nói.

Ca mổ hy hữu

Bác sĩ Nguyễn Văn Nhiệm, sinh 1966, tốt nghiệp học viện Quân y Hà Nội (1985 - 1991); tốt nghiệp sau đại học khoa chuyên khoa ngoại 1 - đại học Y dược TPHCM và từng thực tập ở bệnh viện Chợ Rẫy (1993 - 1995).

Ông Lê Quang Minh, nhà ở xã Quảng Sơn là một trường hợp lạ lùng. Nhà nghèo, phải làm thuê nuôi sáu mặt con, trong một lần bốc vác gỗ mướn, ông Minh đã bị tai nạn chấn thương cột sống cổ, giập tuỷ sống cổ C4, C5. Sau hai tháng nằm điều trị tại một bệnh viện lớn ở TPHCM, ông bị trả về. Vì không thở được, nên gia đình đã chuyển ông lên bệnh viện Ninh Sơn mượn máy thở và... chờ chết.

Nhưng tháng trước, BS Nhiệm đã gọi vợ bệnh nhân lên, bảo: “Tôi sẽ mổ anh nhà!” Nghe vậy, cả chị vợ lẫn đội ngũ y bác sĩ đều “hoang mang”. BS Nhiệm phán đoán, có thể đã có khối u đè chèn khí quản, cản trở quá trình chuyển oxy lên não. “Và đúng y như rằng, khi rạch xuống vùng khí quản, tôi đã tìm thấy một khối mủ đặc quánh rất lớn. Sau khi “trục” khối mủ đi, thì bệnh nhân hồng hào, thở sinh lý được ngay. Một tuần sau thì nói được rổn rảng, sau thời gian chữa trị thì có thể đưa tay đuổi ruồi”. BS Nhiệm nói tiếp: “Tôi hạnh phúc khi đưa bệnh nhân trở về trạng thái bình thường, tuy là nằm một chỗ nhưng đầu óc anh ta tỉnh táo để có thể chỉ đạo được con cái làm việc ngoài vườn”.

Thông tin bệnh viện huyện đa khoa khu vực Ninh Sơn có thể mổ và “giải” được nhiều ca khó nhanh chóng lan ra cả tỉnh Ninh Thuận. Bệnh nhân các nơi tìm đến nằm kín chỗ. Y sĩ Dương Thanh Dân, người theo sát BS Nhiệm nói vui: “Bọn tui thành lập một êkíp mổ lưu động, đêm hôm có bệnh nhân cấp cứu là có mặt làm ngay”. Trong êkíp mổ, có những bác sĩ mới ba mươi, như BS gây mê Lê Thị Thuỷ, người mà theo BS Nhiệm, đã góp phần đem lại sự tự tin rất lớn cho những phẫu thuật quan trọng.

Với một bệnh viện chưa từng có truyền thống phẫu thuật, từ cuối năm 2008 đến nay, êkíp mổ của BS Nhiệm đã “làm cuộc cách mạng” với hơn 65 ca mổ thành công, từ ruột thừa, đóng đinh nội tuỷ xương đùi, nối gân, nối thần kinh, bỏ u nang, mổ cắt các loại khớp…

“Về chuyên môn, tôi là học trò của các thầy trong Sài Gòn. Hiện nay, các bệnh viện ở thành phố đang quá tải, khó tránh khỏi sự mất tập trung trong điều trị, một phần điều kiện kinh tế gia đình người quê thường không đảm bảo chi phí điều trị nên có khi về nhà đợi chết. Bệnh viện địa phương tuy còn thiếu thốn nhưng ít ra không gian, thời gian và sự tập trung, chăm chút cho những ca mổ có thể tốt hơn. Chính cái đó bù đắp được những gì mà chuyên môn chúng tôi còn khiếm khuyết”, BS Nhiệm khiêm tốn nói.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.