Bác sĩ Lý Trần Tình: Hơn 30 năm gắn bó với bệnh nhân tâm thần
Chúng tôi gặp BS. Lý Trần Tình vào một buổi sáng đầu xuân Nhâm Thìn ngay ở trụ sở làm việc tại thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội. Nhìn bề ngoài, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội khoác lên mình một “chiếc áo” thật thanh bình với những bệnh nhân đang thơ thẩn chơi ở vườn hoa. Một nhóm bệnh nhân khác lại đang túm năm tụm ba hăng say trò chuyện rồi ngơ ngác ngắm người đi lại. Nhưng, ít ai biết được rằng, đằng sau vẻ yên bình đó lại là những khó khăn gian khổ thậm chí là những nguy hiểm trong công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân tâm thần của các nhân viên y tế nơi đây.
Sinh năm 1956 tại Gia Lâm, Hà Nội, ngay từ nhỏ mơ ước của cậu bé Lý Trần Tình là sẽ trở thành một bác sĩ (BS) để chữa bệnh cứu người. Mơ ước đó không ngờ đã nhanh chóng thành sự thực khi ông thi đỗ và tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, BS. Tình được điều động về công tác tại Binh đoàn Cửu Long đóng quân tại khu vực biên giới Campuchia - Thái Lan. Thời điểm này, theo yêu cầu của nước bạn, quân tình nguyện Việt Nam đã có mặt ở Campuchia để giúp đỡ nhân dân nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng của bọn Pôn Pốt. Những chuyến hành quân “mưa rừng, cơm vắt” khiến nhiều người trong đơn vị bị sốt rét. Đã thế, quân đội ta phải hành quân xuyên rừng tham gia các trận chiến đấu ác liệt chống lại tàn quân Pôn Pốt. May mắn thì gặp những ngày nắng ráo đỡ vất vả còn những ngày mưa gió ẩm ướt việc đi lại, sinh hoạt cực kỳ gian khổ. Ký ức và hình ảnh của những người đồng đội hy sinh vì căn bệnh sốt rét, vì bom đạn chiến tranh đọng mãi trong ông. Mới hôm qua còn cùng ăn, cùng ngủ, cùng hành quân mà hôm nay người đồng đội ấy đã vĩnh viễn nằm xuống dưới những nấm mồ xanh. Ý thức sâu sắc về cái ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết như tiếp thêm lửa cho BS. Lý Trần Tình trong những năm tháng công tác chữa bệnh cứu người ở chiến trường này. Hồi đó, thầy thuốc của bạn còn thiếu trong khi đó cơ sở vật chất tại các bệnh viện thì tan hoang do bị chiến tranh tàn phá nên các BS Việt Nam phải thay nhau khám chữa bệnh cho nhân dân Campuchia. “Tình quân dân gắn bó keo sơn trong những ngày tháng khó khăn là như vậy đấy”, BS. Lý Trần Tình nói.
Sau 5 năm cùng quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia, ông trở về Việt Nam và được điều chuyển công tác tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Nhớ lại thời điểm này, giọng ông trầm xuống: Khi từ chiến trường trở về, nhiều người bạn học cùng tôi đã có học vị tiến sĩ và công tác tại các bệnh viện lớn như Việt Đức, Bạch Mai... khiến tôi có chút đắn đo khi được điều động về công tác tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Điều đó xem ra cũng đúng bởi vào thời điểm đó ông chưa được học chuyên ngành về tâm thần. Hơn nữa, công tác tại một đơn vị thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần quả là một lựa chọn không dễ dàng đối với nhiều nhân viên y tế chứ không riêng gì ông. Và, những khó khăn gian khổ trong việc điều trị bệnh nhân tâm thần thời ấy cứ như những thước phim đèn chiếu hiện ra trước mắt ông. Nhưng, cuối cùng, lựa chọn của ông vẫn là về công tác tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Lý giải về sự lựa chọn này, BS. Tình tâm sự: “Thế mà đã hơn 30 năm trôi qua. Ngẫm lại tôi thấy công việc của một BS tâm thần giống như cái duyên đã vận vào cuộc đời tôi. Nếu không có tình thương người bệnh, sự sẻ chia và cảm thông với những người thân của họ có lẽ tôi đã nghĩ đến việc chuyển nghề. Nhưng mỗi lần nhìn thấy người bệnh được điều trị khỏi trở về với gia đình và xã hội đã gieo một thứ sinh khí kỳ lạ và níu giữ đôi chân tôi với những bệnh nhân tâm thần”.
Rồi ông lại kể: “Các nhà báo có biết hồi tôi mới về nhận công tác ở đây, nhà cửa lụp xụp, điện lúc có lúc không. Cảnh thắp đèn dầu leo lét trong khuôn viên bệnh viện khiến nhiều BS lần đầu tiên đến nhận công tác cũng phải nản chí”. Đó là thời điểm những năm 80, đất nước đang bước vào giai đoạn khó khăn. Tàn dư chiến tranh vẫn còn hằn in trên từng nếp nhà, miền quê. Những bệnh nhân tâm thần nguyên là những quân nhân, họ bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, bởi sự ra đi của chính những người đồng đội mới hôm qua còn nằm cạnh nhau, cùng ăn, cùng hành quân mà đã mãi mãi ra đi khiến cho những biểu hiện bệnh tâm thần ở trong họ có lúc càng trở nên dữ dội. Vốn là một bác sĩ quân y nơi trận mạc, BS. Tình thấu hiểu nỗi đau trong họ. Ông tự hoá thân như người bạn tri kỷ vừa chữa trị bệnh vừa lắng nghe những “buồn-vui - tủi - hờn” thất thường của họ với chuỗi cười rùng rợn, có khi là cả những tiếng súng ầm ào, tiếng máy bay gào thét…
BS. Tình bảo, việc điều trị cho các bệnh nhân tâm thần không giống như các bệnh khác. Công việc này đòi hỏi BS phải tốn rất nhiều sức lực và cả sự chịu đựng và kiên nhẫn, thậm chí là ảnh hưởng đến cả sức khỏe. Nếu như chăm sóc người bệnh bình thường đã khó khăn thì chăm sóc người bệnh tâm thần còn khó khăn gấp vạn lần. Từ cho dùng thuốc, ăn uống đến cắt tóc, tắm rửa..., việc gì cũng có thể gặp sự chống đối và thậm chí bị hành hung. Bệnh nhân có khi hất cả bát cơm, bát canh vào mặt các BS. Có những bệnh nhân còn “hung dữ” đấm, đánh BS điều trị. Bất cứ lúc nào, khi khám bệnh cho bệnh nhân, khi bệnh nhân ăn hay chăm sóc bệnh nhân ốm, các BS cũng có thể bị tấn công. Những hành vi này xem ra chỉ là những chuyện “thường ngày ở huyện” chứ không có gì là lạ với các BS tại Bệnh viện Tâm thần. BS.Tình cười bảo: Ở bệnh viện này hầu như không có BS nào “lành lặn”. Thậm chí có những BS còn gãy cả chân, cả tay vì bệnh nhân tấn công. Thế nhưng, khó nhọc nhất là chuyện tắm cho bệnh nhân, đặc biệt là trong những hôm trời rét, việc thuyết phục bệnh nhân tự tắm cực kỳ khó khăn. Mặc dù người giữ, người dội nước, kỳ cọ, trong khi bệnh nhân vẫy vùng tìm cách chống lại.
Việc lặn lội đi tìm bệnh nhân trốn viện bất kể ngày mưa gió cũng là chuyện “cơm bữa” với các nhân viên y tế nơi đây. Bởi, không ít bệnh nhân tâm thần luôn rình rập cơ hội để trốn viện. Chẳng thế mà, hầu như các nhân viên y tế ở đây ai cũng thuộc lòng đường ngang ngõ tắt xung quanh do hay phải đi tìm bệnh nhân và cũng không hiếm những hành trình về đến tận nhà bệnh nhân ở các huyện ngoại thành, tỉnh xa. BS. Tình nhớ lại, có một lần đúng vào thời điểm tiết trời giá rét nhất của mùa đông, mặc đến 2 chiếc áo khoác còn cảm thấy cái rét như xuyên thấu, các BS phải cất công lặn lội đi tìm bệnh nhân Nguyễn Văn K., nhà ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Khi về đến nhà anh K., các BS mới hay anh ta chưa về. Sau khi nghe người nhà anh K. trách móc, các BS lại tiếp tục đi tìm bệnh nhân theo các hướng khác. Trong đêm tối, giữa cái lạnh như cắt da cắt thịt, may mắn thay, các BS đã tìm thấy bệnh nhân Nguyễn Văn K. đang… lạc ở một khu chợ gần nhà. Hay nhiều bệnh nhân đã trốn được về đến nhà, khi thấy bóng dáng các BS đã cầm gạch đá tấn công hay nhảy xuống ao hồ để khỏi phải quay lại bệnh viện. Lại có những bệnh nhân không có người thân chăm sóc, gần gũi để nắm được tình trạng sức khỏe nên các BS cũng trở thành người một nhà với họ, dựa vào sự tận tụy khám chữa bệnh mới không bỏ sót bệnh của bệnh nhân. Chính những khó khăn, áp lực trong công tác chăm sóc, chữa trị các bệnh nhân tâm thần đã khiến cho không ít hộ lý bị loạn thần do công việc quá căng thẳng. Một điều mà không phải ai cũng biết được đó là hầu như năm nào Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cũng có người xin chuyển công tác trong khi các thông tin tuyển người lại nhận được rất ít hồi âm. Không ít người vẫn giữ suy nghĩ “chuột chạy cùng sào mới vào bệnh viện tâm thần”. Thế nhưng, lòng yêu nghề, sự gắn bó, cảm thông, chia sẻ với người bệnh đã khiến BS. Lý Trần Tình bám trụ với người bệnh tâm thần suốt 30 năm qua.
Công tác tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, BS. Lý Trần Tình đã phải chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng liên quan đến những bệnh nhân tâm thần. Có bệnh nhân không được người nhà đưa đến bệnh viện sớm để được điều trị mà tin theo những lời “đồn đoán nhảm nhí” của các thầy mo, thầy cúng do vậy khi đưa đến bệnh viện, bệnh của họ đã rất nặng. Nguy hiểm hơn, trong suy nghĩ của nhiều người, các bệnh nhân tâm thần có thể do bị các yếu tố tâm linh nên người nhà thường đưa người bệnh làm lễ, cúng bái và uống các bài thuốc bí truyền đến khi bệnh nặng mới đưa vào viện. Theo BS. Tình thì điều đáng buồn, số lượng bệnh nhân này lại lên đến khoảng 60% so với tổng số bệnh nhân vào điều trị tại bệnh viện khiến việc điều trị bệnh nhân tâm thần đã khó khăn lại càng khó hơn. Thực trạng trên cũng đặt ra cho BS phải thực sự gần gũi với người bệnh, quan sát từng cử chỉ, biểu hiện nhỏ nhất của người bệnh mới nhận ra được những diễn biến trong công tác chẩn đoán và chữa trị bệnh. Trong công việc hằng ngày, BS. Tình cũng đã từng chứng kiến nhiều bệnh nhân có biểu hiện bệnh tâm thần nhưng lại chưa được chẩn đoán đúng bệnh khiến phác đồ điều trị cho bệnh nhân không chính xác. Như bệnh nhân Trần Thị T., 26 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội. Gia cảnh bệnh nhân T. hết sức éo le. Sinh ra trong gia đình thuần nông, Trần Thị T. lớn lên và trở thành một cô gái thôn quê khỏe mạnh, chịu thương chịu khó. Cô kết hôn với anh Nguyễn Văn M., một chàng trai cùng làng. Thế nhưng, sau một thời gian chung sống, anh M. đâm thay tính đổi nết, nghiện rượu chè. Công việc trong gia đình đều đổ lên đôi vai gầy của chị T. Một thời gian sau, chị T. phát bệnh lạ như hay gào thét, đập phá đồ đạc trong nhà và thường xuyên bị mất ngủ. Mọi người trong gia đình đã đưa chị T. chữa chạy khắp nơi nhưng bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm, cuối cùng đã đưa đến điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Trong lần thăm khám cho các bệnh nhân, hình ảnh của người phụ nữ ốm yếu Trần Thị T. đã ám ảnh BS.Tình. Với linh cảm nghề nghiệp, ông cho rằng, bệnh của chị T. có thể chưa chẩn đoán chính xác. Sau khi nghiên cứu bệnh án cũng như thăm khám lại, nhận thấy những dấu hiệu bất thường đặc biệt là những ngón tay của chị T. rất cứng, ông đã nhanh chóng chỉ định bệnh nhân T. làm lại các xét nghiệm trong đó xét nghiệm canxi. Quả đúng như linh cảm, chị T. bị bệnh hạ canxi máu dẫn đến rối loạn tâm thần chứ không phải động kinh. Đây cũng chính là biểu hiện của những người thiếu chất dinh dưỡng. Chỉ sau một thời gian ngắn được truyền canxi, chị T. đã nhanh chóng khỏi bệnh và xuất viện. Ngày chia tay để trở về đoàn tụ với người thân, chị T. đã xúc động rớt nước mắt nhận BS. Tình là cha nuôi.
Với những cống hiến to lớn của mình đối với công tác khám chữa cho các bệnh nhân tâm thần, cùng sự tín nhiệm, tin tưởng của các đồng nghiệp, năm 2007, BS. Lý Trần Tình đã vinh dự được bổ nhiệm giữ cương vị Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. 30 năm gắn bó với các bệnh nhân tâm thần, BS. Lý Trần Tình và Bệnh viện Tâm thần Hà Nội vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý. Bệnh viện Tâm thần Hà Nội được xếp hạng là bệnh viện đầu ngành về tâm thần của TP. Hà Nội, triển khai chương trình bảo vệ sức khỏe tâm thần trên toàn thành phố. BS. Lý Trần Tình nhận được nhiều phần thưởng cao quý. Song với ông, phần thưởng lớn nhất chính là hình ảnh của các bệnh nhân tâm thần được chữa trị khỏi bệnh, trở lại với cuộc sống tươi sáng, sống có ích cho xã hội. Với những gì BS. Lý Trần Tình đã trải qua và đang cống hiến cho công tác điều trị bệnh cho các bệnh nhân tâm thần, lắng nghe những tâm sự của ông vào một ngày cuối đông, lòng chúng tôi như cảm thấy bình yên và ấm lại giữa những bộn về của cuộc sống