Bắc Giang: Sáng tạo của một thầy giáo trẻ
Hiện nay, một trong những thiết bị có công nghệ tiên tiến, có tính ứng dụng cao được đưa vào giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng là thiết bị điều khiển khả trình PLC. Trong các trường cao đẳng nghề và trung cấp nghề, đào tạo PLC cơ bản và nâng cao là một trong những học phần bắt buộc theo chương trình khung của Tổng cục Dạy nghề. Vốn là một giáo viên dạy nghề, chuyên ngành Điện - Tự động hóa, trong quá trình giảng dạy, anh Toản đã luôn suy nghĩ, phải có cách nào để biến các kênh chữ thành kênh hình, biến các kiến thức lý thuyết trừu tượng thành các kỹ năng thực hành cụ thể để học sinh, sinh viên lĩnh hội được một cách tốt nhất. Vì lẽ đó, vào giữa năm 2009, anh Toản đã nghiên cứu, chế tạo thành công mô hình bàn thực hành PLC S7-200 và đưa vào phục vụ công tác giảng dạy đạt hiệu quả cao, thay thế cho thiết bị nhập ngoại từ Đức, tại Trường Cao đẳng nghề Bắc Giang.
Bàn thực hành PLC S7-200 gồm mặt bàn đỡ mô hình làm bằng gỗ ép, khung bàn đỡ làm bằng thép, mặt mô hình làm bằng tấm gỗ phíp ghép Mica, khung mô hình làm bằng thép hộp. Các thiết bị lắp đặt trên bàn thực hành gồm có 13 loại như PLC S7-200 (CPU), bộ nguồn, cáp truyền thông MPI, bộ chuyển mạch 3 cực, bộ nối dây chống giật, tập bản vẽ, Contactor Siemens... Ngoài ra, mô hình bàn thực hành này còn có các thiết bị và phần mềm đi kèm khác là 01 bộ máy tính để bàn, phần mềm lập trình STEP 7 Micro/Win, các thiết bị và module đi kèm sử dụng cho các bài tập ứng dụng, tài liệu về PLC S7-200, tài liệu hướng dẫn các bài tập ứng dụng. Một số ứng dụng cơ bản của mô hình bàn thực hành này là thực hành sử dụng các tệp lệnh của PLC S7-200; thực hành lập trình điều khiển các mạch điện ứng dụng.
Chi phí để chế tạo bàn thực hành PLC S7-200 chỉ khoảng 20 triệu đồng, trong khi thiết bị cùng loại nhập khẩu nước ngoài có giá thành tới hàng trăm triệu đồng, nhờ đó đã tiết kiệm được đáng kể kinh phí đầu tư và có thể sử dụng lâu dài tại các cơ sở dạy nghề trong cả nước. Các thiết bị lắp đặt trên bàn thực hành cũng khá thông dụng, dễ tìm kiếm và thay thế. Bàn thực hành này áp dụng hiệu quả trong đào tạo chuyên ngành Điện - Tự động hóa, trong các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và các trường công nhân kỹ thuật. Đối với các giáo viên, PLC S7-200 là phương tiện hỗ trợ trực quan và thao tác làm mẫu trong quá trình hướng dẫn, giúp các giáo viên truyền tải đến học sinh, sinh viên các kỹ năng thực hành cụ thể từ những kiến thức lý thuyết trừu tượng theo phương pháp giảng dạy tích hợp hiện nay. Đối với các em học sinh, sinh viên, bàn thực hành giúp họ luyện tập nâng cao kỹ năng lập trình PLC; rèn luyện kỹ năng kết nối thiết bị; viết chương trình điều khiển cho hệ thống; nạp chương trình, vận hành và sửa chữa khắc phục các dạng sai hỏng... thông qua các bài tập ứng dụng cụ thể; nhờ đó đã giúp các em rút ngắn thời gian nhận thức về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, tiếp cận với các công nghệ mới một cách nhanh nhất. Một ưu điểm nữa của bàn thực hành PLC S7-200 là còn có thể áp dụng, mang lại hiệu quả cao trong lập trình điều khiển các dây chuyền đếm sản phẩm, phân loại sản phẩm, dây chuyền băng tải... trong các cơ sở sản xuất với nhiều loại sản phẩm khác nhau phục vụ đời sống xã hội.