Bắc Giang: Nở rộ phong trào sáng tạo kỹ thuật
1. Máy ép cọc thuỷ lực thông minh
Nhiều năm làm xây dựng lăn lộn trên các công trình, ông Nguyễn Văn Sáu (SN 1956), Giám đốc Công ty TNHH Thành Lợi (TP Bắc Giang) cùng đội ngũ công nhân chuyên ép cọc bê tông thủ công cung cấp cho các nhà thầu. Mỗi khi nhận công trình, ông phải huy động rất nhiều công nhân nhưng hiệu suất lao động không cao, nhiều khi không bảo đảm tiến độ. Từ đó, ông luôn nung nấu ý tưởng một giải pháp tối ưu để giảm thiểu sức lao động mà vẫn ép số lượng cọc lớn phục vụ các công trình xây dựng. Vốn là thợ cơ khí bậc 5 nên khi nghiên cứu về lĩnh vực chế tạo máy, ông nắm bắt nhanh các thông số kỹ thuật, chi tiết máy, lắp ráp, vận hành. Ban ngày, người thợ này lặn lội trên công trường, tối về lại mày mò đọc bản vẽ. Với tính năng cẩu cọc, ép cọc, di chuyển, đổi hướng cơ động, ông đã thiết kế kết cấu máy gồm: chân đế, giá ép, cơ cấu nâng hạ cần cẩu, hệ thống thuỷ lực, hệ thống điện... Không màng lợi nhuận, ông cho vận hành miễn phí một vài công trình nhằm kiểm chứng tính ứng dụng. Thực tế chứng minh, cỗ máy này có thể ứng dụng được tại Việt Nam . Máy thích hợp thi công ép cọc tròn, cọc vuông, cọc chữ H ở các loại địa hình. Độ dài của cọc không bị hạn chế, đặc biệt đối với những khu vực đá vôi có tầng đất phủ không dày hoặc vùng ven sông có tầng chịu lực sâu. Khi thi công, máy ép cọc ít gây tiếng ồn, không gây ô nhiễm, chấn động nên thích hợp sử dụng thi công ở khu vực thành thị, khu vực có quy định về chấn động như gần các toà nhà cũ, đất yếu. Máy ép cọc thuỷ lực do ông Sáu sáng chế có trị giá hơn 5 tỷ đồng được đưa vào sử dụng từ năm 2010. Công trình nghiên cứu này mở ra triển vọng mới cho ngành xây dựng trong các điều kiện địa hình, địa chất đặc thù, hạn chế tai nạn trong xây dựng. Trong buổi lễ trao giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang lần thứ IV-2011, giải pháp "Nghiên cứu, thiết kế chế tạo máy ép cọc thuỷ lực" của ông Nguyễn Văn Sáu (SN 1956), Giám đốc Công ty TNHH Thành Lợi (TP Bắc Giang) được trao giải nhất.
Bàn thực hành đa năng
Nhà giáo Nguyễn Văn Toản (bên trái) hướng dẫn sinh viên Trường Cao đẳng Nghề thực hành trên bàn PLC S7-200. |
Là giáo viên dạy nghề chuyên ngành điện kỹ thuật, trong quá trình giảng dạy, anh Nguyễn Văn Toản (SN 1975), Trường Cao đẳng Nghề Bắc Giang luôn suy nghĩ làm sao có thể truyền tải lý thuyết thành kỹ năng thực hành cụ thể phù hợp với học sinh, sinh viên trường nghề. Chính sự trăn trở đó đã thôi thúc anh vừa giảng day, vừa nghiên cứu, chế tạo thành công mô hình bàn thực hành PLC S7-200 và đưa vào phục vụ công tác giảng dạy đạt hiệu quả cao, thay thế thiết bị nhập ngoại từ các nước Đức, Nga, Trung Quốc. Ứng dụng cơ bản của mô hình bàn thực hành là sử dụng các tệp lệnh của PLC S7-200 và thực hành lập trình điều khiển các mạch điện ứng dụng. Giải pháp lần đầu được ứng dụng giảng dạy tại Trường Cao đẳng Nghề Bắc Giang cho các môn học kỹ thuật như: kỹ thuật cảm biến, tự động hoá quá trình sản xuất, kỹ thuật điều khiển truyền động điện. Bàn thực hành có kích thước phù hợp, các thiết bị được bố trí logic, khoa học giúp học viên dễ quan sát và thao tác, thực hành hệ thống điều khiển, nâng cao kỹ năng lập trình PLC… Nhờ có bàn thực hành đã rút ngắn thời gian giảng dạy, phù hợp với phương pháp giảng dạy tích hợp hiện nay, đồng thời giúp học viên tiếp cận nhanh kiến thức mới, tạo hứng thú, khơi dậy tư duy sáng tạo cho học sinh, sinh viên.
Bàn thực hành có thể áp dụng vào các dây chuyền sản xuất như: đếm và phân loại sản phẩm, dây chuyền băng tải… tại các cơ sở sản xuất. Chi phí để chế tạo bàn thực hành PLC S7-200 khoảng 20 triệu đồng, trong khi thiết bị cùng loại nhập từ nước ngoài có giá hơn 100 triệu đồng. Với sáng kiến tiêu biểu, giải pháp "Nghiên cứu chế tạo bàn thực hành PLC S7-200 nâng cao chất lượng giảng dạy kỹ thuật trong các trường đào tạo nghề" của Nguyễn Văn Toản đã giành giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang lần thứ IV-2011; giải nhất tại Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức; và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng "Lao động sáng tạo". Giải pháp "Nghiên cứu chế tạo bàn thực hành PLC S7-200 nâng cao chất lượng giảng dạy kỹ thuật trong các trường đào tạo nghề" của Nguyễn Văn Toản (SN 1975), Trường Cao đẳng Nghề Bắc Giang vừa được trao giải nhất tại Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức.
Kỹ thuật mới giảm đau cho sản phụ
Bác sĩ Trần Văn Tú, Bệnh viện Đa khoa khu vực Lục Ngạn là một trong những gương mặt trẻ ngành y tế luôn phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo lời Bác Hồ dạy.
Là một bác sĩ nhiều năm công tác tại Khoa Phẫu thuật-Gây mê-Hồi sức Bệnh viện Đa Lục Ngạn, Bác sĩ Trần Văn Tú đã miệt mài nghiên cứu sâu về chuyên ngành gây mê phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ người bệnh. Vừa tích cực, chủ động học hỏi, tiếp thu kỹ thuật mới vào việc khám, điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Tú vừa say mê tham gia nghiên cứu khoa học. Năm 2010, cùng với các cộng sự đưa ra giải pháp gây tê tuỷ sống bằng Bupivacaine liều thấp kết hợp với Fentenyl trong mổ lấy thai tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Lục Ngạn. Trong phẫu thuật sản khoa có nhiều phương pháp trừ đau cho sản phụ, chọn cách gây tê tuỷ sống hạn chế được nhiều tác dụng không mong muốn như: hạ huyết áp, mạch chậm; làm giảm đau trong và sau mổ, ức chế vận động và phục hồi vận động, mềm cơ tạo thuận lợi cho phẫu thuật, không gây suy hô hấp, buồn nôn và nôn, đặc biệt không ảnh hưởng lên thai nhi như các phương pháp gây mê khác. Đây là kỹ thuật mới được áp dụng thành công tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Lục Ngạn mang lại hiệu quả thiết thực. Năm 2011, tại bệnh viện đã có khoảng 800 ca mổ lấy thai được áp dụng theo phương pháp này. Sáng kiến này giành giải Nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang lần thứ IV-2011.
Sáng kiến thay thế nước chua bằng muối
Ông Dương Quang Dũng pha chế nước muối thay thế nước ngâm chua để sản xuất đậu phụ. |
Nhiều năm làm đậu, gia đình ông Dương Quang Dũng (SN 1958) ở thôn Văn Sơn, xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ uy tín với khách hàng. Vì vậy, sản phẩm đậu phụ nóng, thơm, ngậy của gia đình ông được khách hàng ưa chuộng đặt mua buôn bán cho các nhà hàng, chợ trong thành phố. Từ thực tế sản xuất tại gia đình, ông Dũng đã có nhiều sáng kiến nâng cao hiệu quả vệ sinh an toàn thực phẩm, hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh thị trường. Xuất phát từ quy trình sản xuất, các gia đình thường lấy nước ép đậu ngâm chua để đun sôi tạo kết tủa váng đậu. Ông thấy phương pháp ngâm chua vừa không bảo đảm vệ sinh, thời gian bảo quản sản phẩm ngắn (chỉ sau 5h, sản phẩm biến vị). Vì vậy, ông Dũng đã mày mò nghiên cứu thử nghiệm thay thế nước ngâm chua bằng nước muối cốt (pha chế theo tỷ lệ 1lít nước + 15ml nước muối cốt) để sản xuất đậu phụ. Quy trình pha chế được chia làm ba giai đoạn, mỗi lần pha chế sử dụng từ 0,1-0,15ml nước muối cốt, mỗi mẻ đậu pha chế ba lần, mỗi lần cách nhau từ 5-7 phút, lần cuối cùng khoắng đều liên tục đến khi đậu kết tủa thì đưa vào khuôn ép. Qua thử nghiệm thấy sản phẩm đậu làm ra dẻo, mịn, trắng hơn, thời gian bảo quản kéo dài từ 10-12h và có thể làm kết tủa hết tinh bột đậu tương (tăng 2-4% so với phương pháp ngâm chua). Sản phẩm làm ra bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không ảnh hưởng đến sức khoẻ, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại khu dân cư.
Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Thái Nguyên chuyên ngành tiếng Anh, cô giáo trẻ Phan Diệu Linh tròn 22 tuổi, về công tác tại trường PTTH Nhã Nam. Tham ra giảng dạy bộ môn tiếng Anh, Diệu Linh nhận thấy hầu hết các em đều muốn học giỏi tiếng Anh, nhưng điều kiện, môi trường học tập và năng lực của các em không cho phép. Bên cạnh đó, việc học tiếng Anh ở trường không nhiều, 1 tuần chỉ có 3 tiết học, mỗi tiết 45 phút. Quy mô lớp học khá đông với 37-44 học sinh trong một lớp không thuận lợi cho việc học ngoại ngữ. Song song với đó, nhà trường chỉ có một thư viện, sách báo và tạp chí tiếng Anh, là những nguồn tham khảo rất tốt cho việc học ngoại ngữ lại không có sẵn. Thêm vào đó, các học sinh đa phần xuất thân từ gia đình nông dân nên điều kiện học tập không được trang bị đầy đủ, ngoài thời gian học, các em thường phải giúp đỡ gia đình việc đồng và việc nhà. Hơn nữa, trong quá trình giảng dạy, các giáo viên chủ yếu nói tiếng mẹ đẻ như một thói quen, ngay cả trong các tiết học nói. Điều này dẫn đến thực tế là họ phải đối mặt với khó khăn trong cách phát âm và diến đạt bản thân mình bằng ngôn ngữ nước ngoài, mặc dù, bộ sách giáo khoa tiếng Anh mới cho thấy tính thực tế hơn, có liên quan và phù hợp với bối cảnh dạy và học tiếng Anh tại các trường THPT ở Việt Nam.Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô giáo Diệu Linh luôn trăn trở phải làm sao tìm ra phương pháp để giúp các em học tốt bộ môn tiếng Anh. Sau một thời gian tìm tòi cô Linh bắt tay vào thực hiện nghiên cứu “các yếu tố ảnh hưởng đến động lực học nói tiếng Anh của học sinh lớp 10 tại Trường THPT Nhã Nam”
Cô giáo Phan Diệu Linh nhận thưởng tại Lễ vinh danh STKT Bắc Giang năm 2011 |
Nghiên cứu này được tạo ra để điều tra các yếu tố ảnh hưởng đến động cơ thúc đẩy học sinh trong việc học kỹ năng nói. Căn cứ vào kết quả, nó đã đưa ra một số giải pháp gợi ý để cải thiện động cơ thúc đẩy học sinh trong việc nói. Nghiên cứu này cũng chỉ ra một số nhân tố ảnh hưởng đến động lực học kĩ năng nói của học sinh lớp 10 trường THPT Nhã Nam như sự thông minh, tính cách, năng khiếu, chiến lược học, niềm tin của người học… yếu tố từ phía giáo viên như hành vi của giáo viên, sự nhiệt tình, tận tâm trước sự tiến bộ của học sinh…, từ đó gợi ý một số giải pháp có thể áp dụng với giáo viên và học sinh trường THPT Nhã Nam nói riêng cũng như ở các trường THPT nói chung nhằm khuyến khích học sinh học nói; giúp giáo viên và học sinh vượt qua những khó thường gặp phải trong quá trình dạy và học kĩ năng nói.”
Với việc sáng tạo trong phương pháp dậy học, tháng 12-2011 cô giáo Phan Diệu Linh đã vinh dự được nhận giải thưởng trong cuộc thi sáng tạo kĩ thuật tỉnh Bắc Giang lần thứ IV.