Bắc Giang: Một nông dân sáng tạo máy vò tăm lụa cải tiến
Chúng tôi tìm đến nhà ông Đào Hữu Vân thôn Lực xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang). Ở góc sân, vợ ông đang vót tăm và khẩn trương đóng tăm vào bao dứa buộc kín chuẩn bị đưa mẻ mới vào máy. "Máy này vò tăm lụa cho cả làng đấy"- ông Vân vui vẻ nói. Ngồi bên chiếc bàn nhỏ ngay cạnh những chồng tăm nhẵn bóng vừa đưa ra khỏi máy, ông Vân kể về quá trình cải tiến chiếc máy vò tăm lụa của mình.
Cách đây nhiều năm, bà con thôn Lực đã làm nghề chẻ tăm lụa. Cả thôn hiện gần 200 người làm nghề này. Người già, trẻ em đều có thể chẻ tăm, thu nhập khoảng hơn 100 nghìn đồng/người/ngày. Vò tăm là công đoạn cuối cùng trước khi bán sản phẩm cho khách hàng dệt đồ mỹ nghệ xuất khẩu. Mỗi ngày, số lao động trên chẻ được 300 kg tăm lụa và phải mất 10 lao động vò bằng chân mới xong. Nhiều người chuyên đứng vò tăm, chân đỏ rát, rớm cả máu.
Nhận thấy, việc vò tăm thủ công vừa tốn sức lao động lại bụi bẩn, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khoẻ, năm 2007, ông Vân về Thái Bình tìm mua một chiếc máy vò tăm. Thế nhưng, ngay khi đưa vào hoạt động, máy đã vò nát gần một nửa số tăm, nhiều bó gẫy vụn, tăm không bóng, bụi bẩn bay tứ tung. Mày mò tìm hiểu nguyên nhân, ông biết máy này chỉ vò được tăm hương dài cỡ 40 cm, to gấp 5-6 lần tăm lụa. Không lẽ bỏ xó chiếc máy trị giá hươn gần 20 triệu đồng. Suốt đêm nằm trăn trơ, ông suy nghĩ cách cải tiến máy, ông tự đặt câu hỏi: tại sao mình không cải tiến cho máy chạy chậm lại như mình đang đạp bằng chân để tăm không gãy? Nghĩ vậy, ông đã tính toán kỹ để thay chi tiết làm giảm tốc độ vò của máy; đóng mới toàn bộ phần khung vò, rút ngắn chiều dài và tăng chiều rộng khung lên 90 cm, trong đó chia thành một số ô có kích cỡ nhỏ hơn. Thế nhưng khi máy chạy thử, tăm vẫn xô hết về một phía không đưa đi đưa lại được. Ông tiếp tục thay toàn bộ phần đáy máy và phần trên của máy bằng thanh gỗ ghép dầy tạo ra ma sát đùn bó tăm đi, kéo bó tăm về gần guồng như vò đạp bằng chân. Kết quả thật bất ngờ, sau một thời gian mày mò sửa chữa, máy vò tăm lụa đã được đưa vào hoạt động trong sự vui mừng của bà con trong thôn.
Ông Vân cho biết: "Sau khi cải tiến, chiếc máy rất gọn nhẹ, vận hành dễ dàng hơn, tỷ lệ hao hụt sản phẩm thấp tiêu thụ điện năng, giá thành sản phẩm giảm". Bên cạnh đó, máy sau khi cải tiến vò được nhiều loại tăm, cả tăm hương, tăm mành và tăm lụa với các kích cỡ khác nhau. Tăm không bị gãy, đều và bóng đẹp, khắc phục được tình trạng bụi tăm gây ô nhiễm môi trường".
Hơn 4 năm qua, với chiếc máy vò tăm lụa cải tiến, gia đình ông Vân không chỉ vò tăm lụa cho bà con ở thôn Lực mà cả các hộ ở HTX thủ công Tăng Tiến (Việt Yên) và một số hộ ở xã Bố Hạ (Yên Thế), bình quân máy vò 40 tấn tăm/năm. Chất lượng tăm lụa được nâng lên do đó nhiều công ty ở Hà Nội, Hà Tây,Bắc Ninh tìm về tận thôn ký hợp đồng thu mua sản phẩm để dệt đồ mỹ nghệ xuất khẩu sang các nước.
Giải pháp "Cải tiến máy vò tăm lụa sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu" của ông Đào Hữu Vân đã góp phần để làng nghề truyền thống phát triển bền vững. Qua đánh giá của một số cán bộ chuyên môn, được biết máy vò tăm lụa cải tiến của ông Đào Hữu Vân trị giá khoảng 10 triệu đồng, vận hành đơn giản, có thể áp dụng rộng rãi ở các cơ sở làng nghề sản xuất tăm tre, sản phẩm yêu cầu có độ tròn, nhẵn bóng.