Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 11/03/2010 23:30 (GMT+7)

“Bà chúa” khắc tinh của sâu hại

PGS.TS. Phạm Thị Thuỳ nguyên là Trưởng phòng Vi sinh vật côn trùng thuộc Viện Bảo vệ thực vật, Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam . Đã có dịp quen biết trong các buổi sinh hoạt ở Hội Côn trùng và Bảo vệ thực vật, nên ngay sau biết tin chị được giải thưởng, tôi điện thoại cho chị và được chị nhận lời tiếp tại nhà vào chiều 1/3/2010 cùng với một số nhà báo.

Lục tục các nhà báo đến phỏng vấn chị. Nhật Tân - cô phóng viên trẻ của Báo Tài nguyên và Môi trường đặt những câu hỏi “rất có nghề”. Chẳng hạn, “Hồi nhỏ chị có sợ sâu không mà lớn lên lại đi vào nghề nghiệp diệt trừ sâu hại?”; “Bài học rút ra từ thành công của chị là gì ?”. Khánh Ly - phóng viên báo Đại đoàn kết, chẳng hiểu vô tình hay hữu ý, hỏi chị: “Nếu không phiền, xin chị cho biết một chút về đời tư ?”. Chị Thuỳ trả lời một cách tự tin pha chút dí dỏm: “Mình chưa lấy chồng chứ không phải là không lấy chồng đâu nhé… mà mình cũng đã yêu và được yêu”.

Tôi thầm nghĩ, chị Thuỳ sinh cuối năm 1954, vẫn là trẻ đối với phụ nữ hiện đại. Mà riêng chị thì còn nhiều hoài bão lắm mặc dù chị đã để ra 33 năm thực hiện mơ ước của mình. Vì sao lại chọn nghề này? Chị tâm sự : Ban đầu mình đến với nông nghiệp chỉ như một sự tình cờ nhưng càng dấn thân vào nghiên cứu, triển khai đề tài càng say mê và tự tin hơn.

Ảnh: Trương Vị

Quê gốc ở Ý Yên, Nam Định, nhưng bố mẹ chị lại sinh cơ lập nghiệp ở Thái Lan, sau năm 1954 mới trở về nước. Năm 1970, cô học sinh giỏi toán thi vào khối B đạt 24 điểm ba môn nhưng không nhận được giấy gọi vào Đại học. Mãi sau xét thấy gia đình là Việt kiều yêu nước, Bộ Đại học mới cho chị chọn vào Đại học Nông nghiệp. Nhập học muộn nhưng Thuỳ đã vươn lên thành sinh viên giỏi. Còn nhớ hồi học lớp bảy, thầy giáo bảo Thuỳ giải thích câu tục ngữ “ có thựcmới vực được đạo”. Cô học trò ngây thơ trả lời : “Con người có thực lực thì mới có thành công”. Cô chưa hiểu chữ “Thực” có nghĩa là ăn - có ăn mới hành được đạo. Nhưng qua đó cũng cho thấy ngay từ nhỏ Thuỳ đã có thói quen tự tin, tự lực.

Sau khi tốt nghiệp loại ưu ở Đại học Nông nghiệp I, đầu 1977 Thuỳ được phân công về Viện Bảo vệ thực vật rồi được theo đoàn chuyên gia vào vùng trồng bông ở Nha Hố, Thuận Hải. Tại đây chị bước đầu làm quen với các đề tài phòng trừ sâu hại bằng các biện pháp sinh học. Năm sau ra Bắc, chị tiếp tục đi sâu vào hướng nghiên cứu này qua các chuyến đi chỉ đạo phòng trừ sâu hại từ Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình lên các tỉnh trung du, miền núi. Nghĩ lại, chị thấy cũng lạ: ngày bé rất sợ sâu bọ, lớn lên lại là một “khắc tinh” của chúng. Say mê nghiên cứu và đúc rút kinh nghiệm thực tiễn, đến năm 1964 Phạm Thị Thuỳ đã có đủ kiến thức thi đỗ đạt điểm cao ở cả ba vòng để làm nghiên cứu sinh ngành bảo vệ thực vật tại Bungari - đất nước của hoa hồng vốn có nền nông nghiệp tiên tiến. Bà giáo sư người Bun ra điều kiện chị phải nói thạo tiếng Bun. Nhờ có vốn tiếng Nga khá gần với tiếng Bun, lại biết cách học ngoại ngữ, không lâu Phạm Thị Thuỳ đã làm hài lòng bà giáo qua một buổi thuyết trình đề cương nghiên cứu của mình bằng tiếng Bun. Năm 1990, chị bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ tại Bungari về lĩnh vực công nghệ sinh học trong bảo vệ thực vật. Thùy tự nhủ, đây mới chỉ là bước đầu trang bị cho mình phương pháp nghiên cứu và sáng tạo, về nước, chị còn phải đối mặt với những thách thức trong cuộc đấu tranh sinh học của một nền nông nghiệp nhiệt đới. Làm khoa học có sự cần mẫn chưa đủ mà còn phải say mê, tâm huyết với sự nghiệp.

Bằng lao động sáng tạo không mệt mỏi, PGS.TS Phạm Thị Thuỳ đã trở thành chuyên gia cao cấp trong ngành công nghệ sinh học bảo vệ thực vật của nước ta. Chị là tác giả của nhiều chế phẩm sinh học diệt trừ sâu hại, trong đó có hai chế phẩm vi nấm là BeauveriaMetarhiziumđã được Cục sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế, được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) cấp bằng chứng nhận.

Trong nghiên cứu khoa học đã vậy, ngay trong giáo dục đào tạo, chị cũng luôn “truyền lửa” cho học trò của mình.

Chị viết sách chuyên khảo, viết giáo trình và tham gia giảng dạy ở các trường Đại học, hướng dẫn nhiều luận án Tiến sĩ, Cao học và hàng trăm sinh viên làm tốt nghiệp ngành Bảo vệ thực vật.

Ảnh: Trương Vị

Năm 1995, PGS.TS Phạm Thị Thuỳ đoạt giải Ba Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam về thành tích “ nghiên cứu và triển khai thuốc trừ sâu sinh học virus và vi nấm phòng trừ nạn châu chấu hại ngô, mía ở Bà Rịa - Vũng Tàu”. Năm 1999, trong điều kiện eo hẹp của phòngthí nghiệm, chị đã cùng đồng nghiệp tìm mọi cách sáng tạo, sản xuất hàng tấn thuốc sinh học từ nấm Beauveriađể dập tắt dịch sâu róm hại thông trên hàng ngànhecta ở Sơn La; kết quả đã được UBND tỉnh đánh giá cao và đoạt giải Nhì Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2000.

Từ đó đến nay, hàng chục tấn thuốc trừ sâu vi nấm do các chị sản xuất đã được sử dụng trên nhiều đồng ruộng, cánh rừng ở Việt Nam, với số lượng bào tử nấm phát tán rộng, đã góp phần khống chế dài lâu nhiều loại sâu hại, giảm bớt đáng kể lượng thuốc hoá học.

Nhớ lại chuyện dập tắt dịch sâu róm hại thông ở Phù Bắc Yên - Sơn La năm 1999. Cả một dải thông trải dài trên đồi núi cao bị sâu róm trích nhựa cây làm cháy xém vàng. Phun thuốc hoá học hết đợt này sâu lại phát tác đợt khác, thậm chí chúng trở nên nhờn thuốc. Dùng máy bay phun thuốc thì rất kém hiệu quả. Anh chị em kỹ thuật bảo vệ thực vật ở đây không ngờ PGS.TS Phạm Thị Thuỳ, với “vóc dáng như một bà tây”, lại có thể leo lên tận bìa rừng để hướng dẫn cho họ cách dùng súng bắn bào tử nấm, hoặc dùng sào có buộc chổi mang thuốc quét lên tán thông. Kết quả thật mỹ mãn, rừng thông nhựa xanh tốt trở lại, vi nấm sinh sôi, ngăn chặn dịch sâu hại lâu dài. Đến nay chị Thuỳ còn lưu giữ các tấm ảnh rừng thông và các mẫu phẩm sâu róm chết do bị vi nấm ký sinh.

Lần khác chị đi chỉ đạo trừ dịch sâu kèn hại rừng keo tai tượng ở Hoà Bình. Sâu hại ẩn nấp trong lớp kén dày, thành thử thuốc hoá học không diệt trừ được chúng. Nhưng dùng nấm Beauvaria với độc tốc Beauvirisin, khi đã ký sinh vào sâu non hoặc ấu trùng thì chẳng những sâu chết mà còn tạo ra một trận dịch vi nấm tiêu diệt hàng loạt sâu ở diện rộng.

Tháng 7 năm 2000, ở Bến Tre và nhiều tỉnh phía Nam nổi lên dịch sâu bọ cánh cứng hại dừa. Dịch hại lan tràn nhanh và rộng bởi bọ cánh cứng có bộ cánh khoẻ ánh kim, có thể bay rất xa đẻ trứng. Nhiều hộ trồng dừa lao đao vì dịch bọ hại dừa, có nguy cơ mất cả vùng cây công nghiệp nổi tiếng. Gặp chị Thuỳ nhiều bà con nông dân vừa mừng vừa lo - đã dùng mọi cách diệt sâu hại mà không xong, liệu người phụ nữ từ Thủ đô vào có “phép lạ” ? Chị Thuỳ cam đoan với họ là làm được, và trực tiếp hướng dẫn cách dùng thuốc vi nấm rải lên tận tán dừa… Đến thời hạn về kiểm tra, cả miệt vườn dừa của bà con đã trở nên xanh tốt, trên ngọn, dưới gốc dừa còn để lại những xác bọ cánh cứng chứa đầy nấm ký sinh. Nhiều bà má giữ chị lại ăn cơm, coi chị như người thân trong gia đình.

Trong buổi gặp mặt ngày 1/3/2010, các nhà báo thay nhau đặt câu hỏi và được PGS.TS. Phạm Thị Thuỳ trả lời thật cởi mở.

Chị có gặp khó khăn trong việc triển khai kết quả nghiên cứu hay không?

Ảnh: Trương Vị

- Tôi có phần thuận lợi hơn nhiều đồng nghiệp, vì Viện và Cục Bảo vệ thực vật luôn hợp tác mật thiết với nhau để giữ trọng trách trong lĩnh vực phòng trừ sâu bệnh, tuy vậy khó khăn cũng không nhỏ, vì cơ sở vật chất của ta còn thiếu thốn, vì các địa bàn triển khai trong cả nước với các điều kiện kinh tế - xã hội và điều kiện sinh thái rất đa dạng, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. Để làm tốt hơn nữa đòi hỏi chúng tôi và các bạn nhà báo phải tuyên truyền phổ biến khoa học, nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng thuốc sinh học thay thế một phần lớn thuốc hoá học phòng trừ sâu hại. Cán bộ khoa học chúng tôi phải khiêm tốn học hỏi - học trong nước, học chuyên gia nước ngoài và cần thật sự hợp tác với nhau trong nghiên cứu và triển khai.

Chị có lời khuyên nào cho các bạn trẻ làm khoa học?

- Cần trung thực và tâm huyết với sự nghiệp khoa học. Nhất là các em gái, rất cần tự tin ở chính mình, vì chỉ có năng lực thật sự thì mới đạt được thành tựu trong khoa học.

Thuốc sinh học phòng trừ sâu hại có vai trò như thế nào trong sản xuất rau sạch?

- Muốn có rau an toàn hay còn gọi là rau sạch, rau hữu cơ đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dùng, thì cần có đủ phương tiện, điều kiện trồng rau trong nhà kính để cách ly môi trường ô nhiễm và cần sản xuất theo phương pháp nông nghiệp hữu cơ, nghĩa là giảm thiểu dùng hoá chất, việc trừ sâu cũng phải dùng thuốc sinh học.

Chị có dự định gì sắp tới ?

- Ồ dự định thì nhiều, nhưng chỉ xin bật mí về một số trong hoạt động khoa học công nghệ thôi nhé ! - Chị cười giòn và đưa cho chúng tôi xem quyết định thành lập Trung tâm sinh học nông nghiệp và Bảo vệ môi trường (CABEP) do chị làm Giám đốc. Đó là một đơn vị nghiên cứu triển khai khoa học công nghệ được thành lập theo Nghị định 81/2002/NĐ-CP của Chính phủ, trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam . Rất mong sớm có nhà máy sản xuất thuốc vi sinh phòng trừ sâu hại, bảo vệ cây trồng, cây rừng. Muốn vậy cần phải đẩy mạnh các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu công nghệ trong lĩnh vực này, như điều tra phân lập các loài vi nấm, vi khuẩn, virus ở Việt Nam, có tác dụng diệt trừ sâu hại; nghiên cứu công nghệ sản xuất và sử dụng thuốc sinh học bảo vệ thực vật…

Chúc mừng PGS.TS. Phạm Thị Thuỳ cùng hai nhà khoa học nữ khác vinh dự được trao giải thưởng Kovalepskai đúng vào dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3 năm nay, vừa tròn một thế kỷ. Mong các chị hạnh phúc và thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình!

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.