Ba chàng kỹ sư mê chế tạo
Cách đây chỉ vài tháng, Phạm Tú Anh Vũ (quê ở Đắk Nông) và Nguyễn Hồng Quân (quê ở Tiền Giang) còn là những kỹ sư làm việc tại những công ty liên doanh có mức lương không dưới 10 triệu đồng/tháng. Còn bây giờ, các anh đã xin nghỉ việc để tập trung tâm sức cho việc nghiên cứu và chế tạo những chiếc máy phục vụ nhu cầu của nông dân.
Gieo hơn 2 ha/ngày
Phạm Tú Anh Vũ cho biết với anh, ý tưởng chế tạo máy nông nghiệp có từ những năm học cấp 2. Lúc còn ở quê, anh luôn được chứng kiến cảnh mỗi lúc đến mùa vụ, nông dân phải rất vất vả với việc gieo trồng, thu hoạch vì không có máy móc hỗ trợ. Khi đi học ở Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, Vũ gặp Quân và họ nhanh chóng thân thiết với nhau vì đều có chung ý tưởng muốn chế tạo những máy móc giúp nông dân bớt chân lấm tay bùn. Họ cùng nhau bắt tay vào việc nghiên cứu đề tài này cách đây hơn 4 năm. Ban ngày đi làm, tối về hoặc ngày nghỉ là họ dành hết thời gian cho việc nghiên cứu và chế tạo thử.
Giải pháp tốt trong nông nghiệp Nhận xét về chiếc máy gieo hạt dùng khí nén của nhóm các kỹ sư trẻ này, TS Nguyễn Như Nam, Khoa Cơ khí công nghệ Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, nói: “Máy gieo hạt bằng khí nén là một giải pháp tốt trong nông nghiệp. Dù nhiều nơi tuyên bố đã chế tạo được máy gieo hạt dạng khí động nhưng hiện vẫn chưa có sản phẩm áp dụng vào thực tế. Các đề tài cấp Nhà nước cho sản phẩm này cũng chưa có ai đầu tư nghiên cứu”. |
Ban đầu, họ chế tạo một máy gieo hạt vận hành bằng động cơ nhưng thấy không hiệu quả nên chuyển sang phương án vận hành bằng khí nén. Máy làm xong, các anh đưa về tỉnh Đắk Nông thử nghiệm. Kết quả thật đáng phấn khởi. Anh Trương Văn Tài (ngụ tại xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) là nông dân đầu tiên sử dụng chiếc máy gieo các loại hạt đậu phộng, đậu nành do Vũ và Quân chế tạo, nói: “Đây là chiếc máy gieo hạt tôi thấy hài lòng nhất vì rất phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như đồng đất của chúng tôi, lại dễ sử dụng và lắp ráp”. Anh Tài cũng cho biết với một ngày làm việc khoảng 8 giờ cùng chiếc máy gieo hạt, anh gieo được hơn 2 ha.
Nông dân “mê”
Hình ảnh của những chiếc máy này được đưa lên mạng và thật bất ngờ là họ đã nhanh chóng nhận được hơn 40 đơn đặt hàng. Thế là họ phải mạnh dạn nghỉ việc để cùng với Đinh Quốc Tần, cũng là bạn học cùng trường, lập ra một xưởng chế tạo tại khu dân cư Bình Chuẩn, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Ông Trần Lãnh Phú, chủ sở hữu của diện tích 4.000 ha đất tại tỉnh Gia Lai, đã đặt hàng cho nhóm kỹ sư trẻ này làm chiếc máy tỉa bắp trong lô trồng cao su khi cao su còn nhỏ. Do địa hình các lô cao su không bằng phẳng nên yêu cầu của ông Phú đưa ra là máy phải gieo hạt được trong điều kiện khó khăn này. Nhóm kỹ sư này đã đáp ứng nhanh chóng khiến ông Phú tin cậy đặt hàng thêm máy làm cỏ, máy bón phân vì ông cho biết với diện tích lớn nếu dùng sức người để làm cỏ và bón phân thì không làm xuể.
Đặt hàng một máy có khả năng giải quyết tốt khâu gieo trồng cho hơn 100 ha tại tỉnh Bình Phước, ông Nguyễn Hùng nói: “Công lao động nông nghiệp lúc này không dễ thuê mà hiệu quả lại không cao. Đó là lý do để tôi cần phải có máy móc. Máy có cùng công năng nhưng sản xuất từ nước ngoài có giá bán cao quá nên tôi không dám đầu tư. Sản phẩm của các bạn trẻ này giá chỉ khoảng 30 triệu đồng mà tỉa cùng lúc 4 hàng nên rất hợp với túi tiền chúng tôi”. Ông Hùng cũng cho biết máy gieo hạt của nhóm kỹ sư này còn có ưu điểm tỉa đều, khoảng cách hạt không phụ thuộc vào vận tốc của máy; dễ dàng điều chỉnh khoảng cách hàng, số hàng...