Áp dụng phương pháp Teacch trong can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ
Trị liệu và giáo dục cho trẻ tự kỷ và trẻ có khó khăn về giao tiếp (treatment and education of autistic and related communication handicapped children - TEACCH) được tiến hành từ năm 1966 bởi các chuyên gia tâm lý, các nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học North Carolina, Mỹ. Ngày nay, TEACCH được sử dụng khá phổ biến tại hầu hết các bang ở Mỹ.
Phương pháp này cũng được phổ biến tại nhiều nước thuộc châu Âu, châu Á và Nam Mỹ, đặc biệt là tại Anh. Có thể nói, TEACCH là một trong những phương pháp can thiệp trẻ RLPTK phổ biến, uy tín nhất hiện nay. TEACCH tập trung và giải quyết một cách có hiệu quả những khó khăn của trẻ RLPTK bằng việc cấu trúc hóa hoạt động dạy học. Những khó khăn mà trẻ RLPTK gặp phải trong quá trình học tập được khắc phục rất nhiều.
Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu Trường đại học sư phạm Hà Nội đã tiến hành giáo dục cho bé P. 54 tháng tuổi. Bé đang học tại trường chuyên biệt sau một năm học tại trường hòa nhập mà không đạt hiệu quả. Chẩn đoán theo thang đánh giá CARS đạt 44 điểm (rối loạn tự kỷ mức độ nặng). Kết quả đánh giá phát triển bằng thang đánh giá Pep-R cho thấy các lĩnh vực phát triển đạt được tương đương các độ tuổi như sau: bắt chước 19 tháng, tri giác 18 tháng, vận động tinh 22 tháng, vận động thô 30 tháng, phối hợp tay mắt 19 tháng, nhận thức thể hiện 14 tháng và nhận thức ngôn ngữ 15 tháng. Tuổi phát triển đạt được là 18 tháng, chậm hơn so với tuổi thực là 29 tháng. Chỉ số phát triển DQ = 33. Bé P. chưa có ngôn ngữ, thường xuyên thể hiện hành vi chống đối và không hợp tác khi chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác. Chưa nhận biết được các khu vực trong lớp học, do đó trong giờ hoạt động giáo viên luôn phải dành thời gian để đưa trẻ vào đúng góc hoạt động. Kỹ năng vận động tinh cũng gặp nhiều hạn chế, chưa biết cầm bút đúng cách, chưa biết cầm muỗng xúc ăn. Bé cũng chưa nhận biết được các bộ phận cơ thể; nhận thức về môi trường xung quanh rất hạn chế. Tuy nhiên, bé sẽ giảm thiểu bối rối khi tham gia các hoạt động được cấu trúc hóa rõ ràng. Từ kết quả này, nhóm nghiên cứu xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân (KHGDCN) cho P. như sau:
Mục tiêu 1: Nhận biết các khu vực trong trường học. Để thực hiện được mục tiêu này, nhóm nghiên cứu cấu trúc hóa những khu gần gũi với trẻ một cách rõ ràng và được ký hiệu bởi hệ thống hình ảnh.
Mục tiêu 2: Xúc gạo từ chén này sang chén khác không rơi vãi. Chuẩn bị một chiếc khay, trong đặt một chén đựng gạo, một chén không và muỗng. Chia nhỏ nhiệm vụ, dán hình ảnh các bước thực hiện vào một tấm bìa đặt phía trước để trẻ dễ quan sát. Giáo viên thực hiện mẫu, sau đó yêu cầu trẻ nhìn vào tranh và thực hiện nhiệm vụ. Giáo viên luôn phải động viên, khuyến khích trẻ thực hiện, tránh bỏ dở giữa chừng.
Mục tiêu 3: Nhận biết màu sắc. Giáo viên sử dụng phương pháp TEACCH hình ảnh hóa thông tin và cấu trúc môi trường hoạt động của trẻ. Cụ thể: đặt 3 chén nhựa có dán 3 màu sắc xanh, đỏ, vàng ở đáy chén, một rổ nhỏ đựng những chiếc kẹp có các màu tương ứng. Yêu cầu lựa chọn và kẹp những chiếc kẹp đó vào các chén có màu sắc tương ứng. Sau khi trẻ nhận biết được 3 màu này chuyển sang các màu sắc khác.
Mục tiêu 4: Nhận biết 4 bộ phận của cơ thể. Khả năng nhận thức của trẻ còn khá hạn chế, nên khi dạy trẻ nhận biết cần tiến hành từng nhiệm vụ một. Đầu tiên cho trẻ nhận biết 1 - 2 bộ phận, sau đó tăng lên. Chuẩn bị khay gỗ trong khay chia làm 4 ngăn, gắn lần lượt hình ảnh của 4 bộ phận trên khuôn mặt: mắt, mũi, miệng, tai. Ở giữa khay đặt 1 chiếc đĩa chứa các bộ phận để trẻ lựa chọn. Sau khi giáo viên hướng dẫn cách thức thực hiện, yêu cầu trẻ tìm hình ảnh thích hợp đặt vào khay tương ứng. Sau 6 tháng can thiệp cho P. theo TEACCH, bé đã có những tiến bộ rõ rệt như trên. Để có được những tiến bộ của P., đòi hỏi sự kiên định trong việc lựa chọn phương pháp, sự đồng nhất của các giáo viên can thiệp và gia đình. Kết quả cho thấy, TEACCH là phương pháp phù hợp với P. tại thời điểm này.