Anh nông dân sáng chế gạch... nổi trên nước
Một khối bê tông thường nặng 2,7 tấn, nhưng với một vật liệu cùng kích cỡ làm bằng vật liệu siêu nhẹ do anh Lượng chế tạo chỉ có ba tạ, lại không hề thấm nước.
Bán hai xe tải, một lô đất để… có tiền nghiên cứu
Nhà anh Lượng nằm cách quốc lộ 1A hơn 3 Km, trên con đường được trải nhựa phẳng lì. Chỉ cần hỏi anh Lượng sản xuất gạch siêu nhẹ thì người dân từ đầu làng tới cuối xã đều biết.
Anh Lượng kể: “năm 2001, tôi vào TP HCM xây dựng cơ sở sản xuất bột bả ma-tít. Đầu năm 2002, tôi bắt đầu quan tâm đến vật liệu siêu nhẹ khi quen một người nghiên cứu chế tạo loại vật liệu này nhưng không thành công. Và rồi, tôi tự đặt ra mục đích: phải chế tạo một loại vật liệu xây dựng vừa nhẹ vừa thân thiện với môi trường”.
Vì vậy, dù công việc rất thuận lợi, nhưng năm 2005 anh Lượng quyết về quê để thực hiện giấc mơ. Tới tháng 3/2006, anh Lượng thành lập công ty TNHH Hồng Giang chuyên về vật liệu xây dựng và bắt đầu công việc nghiên cứu của mình.
Để có được chiếc máy ép gạch có tốc độ quay máy như ý muốn, anh đã bổ ra, chỉnh lại tới 8 lần. Mỗi lần như vậy, lại phải bỏ tiền ra để mua vật liệu, nguyên liệu mới để thử nghiệm lại. Để có tiền nghiên cứu, anh phải bán hai chiếc xe ô tô tải, một lô đất.
Cuối cùng, công sức của anh Lượng cũng được đền đáp xứng đáng. Tháng 4/2009, viên gạch siêu nhẹ đầu tiên của anh ra đời, có thể nổi được trên mặt nước lại cách âm, cách nhiệt, thân thiện với môi trường.
Nhiều ứng dụng
Một hệ thống từ máy nhào trộn, máy tạo bọt, cho tới máy nghiền, sàng, máy đẩy vữa đều do anh Lượng nghiên cứu và chế tạo ra.
Loại vật liệu xây dựng siêu nhẹ của anh Lượng được làm từ phế phẩm như: lõi ngô, thân cây ngô, rơm, bã mía, xơ dừa, trấu, các loại mùn cưa, gỗ vụn, xi măng…
Một yếu tố quyết định đến sự thành công của loại vật liệu siêu nhẹ này đó chính là chất tạo bọt do anh Lượng dày công nghiên cứu. Nó được làm từ da động vật, nhựa cây và một số chất tạo bọt khác.
Từ những tính năng của vật liệu siêu nhẹ, công ty của anh Lượng sản xuất các loại vật liệu dùng để chống nóng, cách âm, chống cháy, gạch để xây tường và dùng để kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển… Sáng chế của anh Lượng đã được Viện Vật liệu xây dựng công nhận là vật liệu siêu nhẹ.
Khi được hỏi về mong muốn của mình, anh Lượng bộc bạch: “Tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho những người có nhu cầu sản xuất loại gạch siêu nhẹ này. Thời gian tới, tôi nghiên cứu để sử dụng nước lợ vào chế tạo vật liệu siêu nhẹ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây chủ yếu là nước lợ, nguyên liệu để sản xuất rất sẵn. Bớt được cước phí vận chuyển thì giá thành rẻ, mọi người đều sử dụng được".