Anh bộ đội chế tạo máy bón phân
Anh kể lại:"Mới đầu, tôi trao đổi ý tưởng với cộng sự thì bị mọi người phản đối vì chưa tin vào hiệu quả của nó. Sự phản đối của đồng nghiệp làm tôi thấy phân vân nhưng vợ tôi thì lại ủng hộ. Và đó là động lực để tôi mạnh dạn thực hiện ý tưởng của mình". Tuy nhiên, địa bàn đóng quân của đơn vị là vùng sâu, vùng xa (huyện Bù Đốp - Bình Phước), các cơ sở cơ khí trên địa bàn vừa ít vừa nhỏ lẻ nên việc tìm nguyên vật liệu rất khó khăn. Trung úy Lê Ngọc Anh phải về thị xã Đồng Xoài để tìm nguyên vật liệu từ các cơ sở cơ khí. Nhiều lần thử nghiệm đủ kiểu, tháo ra, lắp vào, cuối cùng, một ngày cuối năm 2008, chiếc máy bón phân đầu tiên đã ra đời, nhưng khi đem máy ra hoạt động thì lượng phân bón không đều do gặp vấn đề lồng sóc.
Sản phẩm đầu tiên đem chạy thử không đạt như ý muốn, nhưng không nản lòng Lê Ngọc Anh tiếp tục tìm tòi nghiên cứu để khắc phục nhược điểm trên. Anh nhận thấy nếu thay hệ thống băng tải bằng hệ thống trục vít thì lượng phân bón ra không còn ảnh hưởng đến sự lồng sóc của máy. Nhưng do nhu cầu phân bón của cây cao su ở thời kỳ là khác nhau nên lượng phân bón ra cũng phải khác nhau, vậy là anh phải tính toán và làm lại sao cho guồng định lượng phù hợp với trục vít, cánh trục vít phải phù hợp với vòng tua của máy. Với lần chỉnh sửa này anh đem chạy thử nghiệm và đã thành công.
Để có được chiếc máy hoàn chỉnh, Trung úy Lê Ngọc Anh và các cộng sự của mình đã mất gần hai năm nghiên cứu chế tạo và chỉnh sửa . Máyđược vận hành trên đầu một chiếc máy cày kéo thêm một rơ-moóc chứa phân bón . Khi hoạt động, máy có thể bón phân trên nhiều địa hình lô cao su được thiết kế cơ bản và có thể định lượng được lượng phân bón ra. Máy cóthùng chứa khoảng 6 tạ phân bón, công cụ rạch hàng bón phân đất cứng năng suất mỗi ngày 25 - 30 ha mà chỉ tốn 20 lít dầu, tương đương 10 công nhân. Phân bón sẽ được điều tiết theo tỷ lệ đã chọn để xuống ống dẫn, đưa ra luống cao su , lưỡi lấp đất sau cùng sẽ kéo đất lấp lại như cũ.Đặc biệt, lưỡi rạch và lấp có thể thay đổi độ sâu, người sử dụng có thể điều chỉnh theo ý muốn. Giá thành mỗi máy bón phân cao su khoảng 80 triệu đồng/chiếc, kể cả đầu máy kéo. So sánh giá trị kinh tế, nếu cơ giới hóa hoạt động bón phân, người trồng cao su sẽ tiết kiệm được khoảng 80.000 đồng/ha. Tuy nhiên hạn chế của máy là chỉ bón được các loại phân dạng hạt và phân có độ ẩm thấp. Vì vậy Trung úy Lê Ngọc Anh đang nghiên cứu cải tiến để máy có thể bón được nhiều loại phân khác nhau.
Theo thiếu tá Nguyễn Văn Lĩnh - Phó trung đoàn trưởng KT Trung đoàn 717, kể từ khi đưa máy bón phân vào hoạt động đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho đơn vị, giúp đơn vị bón phân kịp thời vụ, lượng phân bón cây đồng đều hơn và không thất thoát, giải phóng được sức lao động thủ công. Sau một năm sử dụng, trừ đi tất cả các chi phí đầu tư chế tạo, chiếc máy đã tiết kiệm cho đơn vị gần 700 triệu đồng.
Chế tạo thành công được máy bón phân góp phần thay thế sức lao động thủ công và hạn chế lượng phân bị thất thoát, trung úy Lê Ngọc Anh rất vui. Vui hơn là sản phẩm của anh được lãnh đạo Trung đoàn coi trọng. Nhờ sáng tạo đó, vào tháng 5/2010, trung úy Lê Ngọc Anh đã vinh dự nhận bằng khen sáng tạo của UBND tỉnh Bình Phước và trong thời gian tới Trung tâm Khuyến công tỉnh cũng sẽ có phương hướng hỗ trợ anh tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện thêm các tính năng của máy.