Ẩn dụ bổ sung - Một phương tiện tu từ đặc sắc trong văn chương
1. Ẩn dụ bổ sung (Métaphore complétive) là một kiểu nhỏ thuộc nhóm ẩn dụ tu từ, còn có tên gọi khác là “ẩn dụ chuyển đổi cảm giác” hay “cùng cảm nhận” (synesthésie) “là sự thay thế một cảm giác này bằng một cảm giác khác trong nhận thức cũng như trong diễn đạt ngôn ngữ” (Đinh Trọng Lạc và Nguyễn Thái Hoà, tr. 196).
Nói đến ẩn dụ bổ sung (ADBS) người ta thường nghĩ đến các bài thơ “Huyền diệu”, “Nhị hồ”, “Nguyệt cầm” của Xuân Diệu, trong đó ông đã học tập Baudelaire và du nhập vào thơ Việt Nam. Quả tình Xuân Diệu đã có những học hỏi ở trường thơ tượng trưng của Pháp với cách dùng ngôn từ mới mẻ:
Này lắng nghe em khúc nhạc thơm
Say ngườinhư rượu tối tân hôn…
(Huyền diệu)
nhưng trong lời nói giao tiếp hàng ngày của người Việt sự thể hiện giao thoa cảm giác hầu như thường trực:
(Tôi) nghe | đói (mệt, khoẻ…) vui (buồn, bực…) ấm (nóng lạnh…) thơm (khét, thối…) cay (đắng, ngọt…) đói (mệt khoẻ…) |
(Tôi) thấy | buồn (vui, bực…) nóng (ấm, lạnh…) khét (thơm, thối…) đắng (cay, ngọt…) |
và còn nữa “một giọng chua chát (ngọt ngào, cay độc)”, “tiếng cười giòn tan”, “giọng khê nằng nặc”, “mùi lạnh giá (ấm nóng, đầm ấm)” v.v…
Trên cơ sở đó, trong văn chương, nhất là thơ trữ tình, các nhà thơ đã khai thác nhiều hình ảnh tân kì mới lạ. Rồi không chỉ trong địa hạt thơ trữ tình, trong văn xuôi, nhất là tuỳ bút, kí, đã xuất hiện một số cách diễn đạt mới, những kết hợp cảm giác khác thường và những kết hợp lí thú nhất, thường là những kết hợp xét về mặt logic, không hợp lí, về câu chữ, vi phạm quy tắc kết hợp. Nhưng chính sự bất hợp lí, sự lệch chuẩn đó lại tạo nên sự khác lạ, đem lại giá trị thẩm mĩ cho hình tượng nghệ thuật. Thí dụ:
“Bãi lạnh bờ dâu sẫm lá tơ
Làng bên ẩm ướt giọng chuông mờ
Chiều xuân lưu luyến không đành hết
Lơ lửng mù sương phảng phất mưa”.
(Nguyễn Bính - Mưa xuân, 1958)
“Buổi sáng, mọi người đổ ra đường. Ai cũng muốn ngẩng lên cho thấy mùi hồi chín chảy qua mặt. Rừng hồi ngào ngạt, xanh thẫm trên các quả đồi quanh làng”.
(Tô Hoài - Rừng đồi xứ Lạng)
2. Xây dựng hình tượng nghệ thuật bằng ADBS, thơ ca Việt Nam không chỉ có tính dân tộc mà còn hiện đại bởi sự kết tinh giữa kinh nghiệm của thơ phương Đông và thành tựu của thơ ca hiện đại phương Tây, giúp nhà thơ thể hiện khát khao giao cảm với thiên nhiên và cuộc đời một cách tinh tế.
“Hãy tự buông cho khúc nhạc hường
Dẫn vào thế giới của Du Dương:
Ngừng hơi thở lại xem trong ấy
Hiển hiện hoa và phảng phất hương”.
(Xuân Diệu - Huyền Diệu)
Sự chuyển đổi cảm giác của ADBS chính là sự chuyển đổi trường nghĩa, chuyển đổi khung quy chiếu, làm phong phú khả năng khám phá và diễn đạt những biến thái tinh vi của thiên nhiên cũng như thế giới nội tâm của con người, mài sắc thêm các giác quan của nhà thơ, nâng cao tính nhạc của thơ.
“Tiếng chim hót sáng trên cành
Tự bao giờ gió thổi xanh mặt hồ
Lá vàng với lộc non tơ
Tôi nâng niu cả hai bờ thời gian”.
(Lữ Huy Nguyên - Thời gian)
Sự chuyển đổi trường nghĩa chiếu vào nguyên tắc kết hợp của ADBS có khả năng tạo ra ngữ cảnh tu từ trong đó có điểm nhấn tu từ để xây dựng hình tượng nghệ thuật, khiến bức tranh miêu tả sinh động, có hồn, làm nên ý nghĩa thẩm mĩ cho văn chương.
Không chỉ được sử dụng nhiều trong thơ, địa hạt của trữ tình, thường hướng vào nội tâm, ADBS còn được sử dụng trong văn xuôi, lĩnh vực ít chất trữ tình nhưng giàu sự kiện của cuộc sống. Có thể thấy rõ giá trị của ADBS nếu so sánh những trang viết của Nguyễn Tuân trong “ Sông Đà”, Tô Hoài trong “ Rừng hồi xứ Lạng”, với những trang viết của Ngô Tất Tố trong “ Tắt đèn”, Nguyễn Công Hoan trong “ Đống rác cũ”, hay những trang viết của Lí Biên Cương trong “ Mười hai cửa bể”, Ngô Văn Phú trong “ Người lang thang với mùa thu”, Lê Quốc Hán trong “ Sông quê” với những trang viết của Lại Văn Long trong “ Kẻ sát nhân lương thiện”, Phan Thị Vàng Anh trong “ Kịch câm”, v.v…
Thí dụ: “Ông lại đắm đuối vào những nốt nhạc tài hoa, nẩy từ cây đàn do một bàn tay đen đúa, ông nghe cái giọng sáu câu vọng cổ từ một cổ họng khê khàn, tiếng đụcnhiều hơn tiếng trong, giữa những hơi rượuđã bắt đầu chếnh choáng…”.
(Ngô Văn Phú - Người lang thang với mùa thu)
Và: “ Cay đắngnó nghĩ đến cuộc sống gia đình đen tốimà nó sẽ phải có. Nó sẽ không được hồn nhiên trời phú như mẹ nó.
(Phan Thị Vàng Anh - Kịch câm)
Tâm tư tình cảm của con người, nỗi nhớ thương, buồn vui hay đau khổ… đều có thể thể hiện sâu sắc qua các hình ảnh văn học được xây dựng bằng những phương tiện tu từ chuyển đổi cảm giác, đi sâu vào thế giới nội tâm con người:
“Nó quay vào căn phòng tối tăm và mát mẻ, chỉ có tiếng đồng hồđang rắcvào khoảng vắng những hạt thời gian.Nó nhúng bàn tay vào vết ánh sángxiên qua cửa sổ. Một thẻo nắng mỏngvà nhẹ, rưng rưng đọng trong lòng bàn tay nó”.
(Trần Tấn Quang Huy - Tuổi thơ vạn dặm)
Những hình ảnh “ tiếng đồng hồ rắc từng hạt thời gian, nhúng bàn tay vào vết ánh sáng, thẻo nắng mỏng, nhẹ, rưng rưng đọng trong lòng bàn tay” là những hình ảnh rất sáng tạo, sinh động, nói lên đầy đủ nội tâm giằng xé âm thầm đau đớn, buồn khổ, cay đắng đến tái tê của đứa trẻ đa cảm tinh tế. Nỗi buồn đau của trẻ thơ thành nỗi buồn đau của người lớn.
Trong kí Nguyễn Tuân, ADBS chiếm tỉ lệ rất cao (chúng tôi đã thống kê được 118 thí dụ trên 2500 trang viết), kiểu loại phong phú (16 kiểu), tập trung nhiều nhất ở nhóm thị giác, thính giác. Đặc biệt các kiểu chuyển đổi từ thị giác sang xúc giác, thị giác sang vị giác, thị giác sang cảm giác cơ thể… xuất hiện thường xuyên.
Xu hướng nghệ thuật nổi bật của nhà văn Nguyễn Tuân là cầu kì trong sử dụng ngôn từ. Ý thức tìm tòi sáng tạo trong sử dụng ngôn từ cùng với ảnh hưởng trực tiếp của lối tư duy bằng liên tưởng, bằng ấn tượng, bằng giác quan, bằng mối quan hệ giao thoa giữa các giác quan khi cảm thụ thế giới và phong cách tự do phóng túng, ý thức sâu sắc về “cái tôi cá nhân” uyên bác, tài hoa cùng với tình yêu đắm say “những tính cách độc đáo, những tình cảm, cảm giác mãnh liệt, những phong cảnh tuyệt mỹ của gió, của bão, của núi cao, rừng thiêng, của thác ghềnh dữ dội” (Nguyễn Đăng Mạnh, Giáo trình Cao học) đã giúp Nguyễn Tuân có những phát hiện tinh tế và sáng tạo được những ADBS độc đáo, có tác dụng miêu tả sâu sắc mà ngay từ những ngày đầu cầm bút đã thấy khá nhiều trong sáng tác của ông (chúng tôi đã thống kê được 21 trường hợp trên 500 trang “Tuỳ bút viết trước 1945”) như:
“Nhưng ở vào phút nghiêm trọng này của một thế hệ, tôi muốn người ta ngồi lên yên một con ngựa chiến ô lĩnh mà gieo một vần thơ hoà nó vào tiếng trống giục bóng trăng thanh rớt xuống một mảnh thành”.
( Những ngọn đèn xanh)
về sau, trong tập kí “Sông Đà”, Nguyễn Tuân đã viết những câu văn đẹp như thơ:
“Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tansau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm, âm ấmnhư gặp lại cố nhân”.
( Người lái đò Sông Đà)
Hình ảnh tu từ do sự chuyển trường nghĩa từ thị giác sang xúc giác “ thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm” đã tăng cường tính biểu thái cho niềm vui bất chợt khi gặp lại con sông như thấy ánh nắng bừng lên rực rỡ sau nhiều ngày mưa dầm ẩm ướt tối tăm, như tiếng reo giòn tan hân hoan sảng khoái của đôi bạn tri âm, tri kỉ bỗng được gặp lại nhau sau nhiều ngày xa cách.
Hay để nói thái độ không trung thực, che giấu sự thực thua kém, không chịu thừa nhận không quân Mĩ bị thua đau trên bầu trời Hà Nội của đế quốc Mĩ qua phát ngôn trên đài tiếng nói Hoa Kì, Nguyễn Tuân viết:
“… Trong khi ấy, ở chỗ xa tít tắp nào đó của bờ Thái Bình Dương, Đài tiếng nói Hoa Kì lại tự bào chữa một cách không cần thiết, giọng khê nồng hằn học với cả áng mây không chịu tan trên bầu trời Hà Nội”.
( Đèn điện phố phường Hà Nội)
“Giọng khê nồng hằn học” cũng là một sự chuyển đổi trường nghĩa, một ẩn dụ bổ sung vừa được dùng để miêu tả luận điệu xấu xa của đế quốc Mĩ, vừa bình giá thái độ tình cảm của nhà văn coi thường khinh miệt luận điệu lừa bịp đổ quanh nực cười của chúng. Ở đây, ý nghĩa biểu cảm của ẩn dụ bổ sung đã trở thành vũ khí phê phán thói hợm hĩnh, hợm của, hiếu chiến mà hèn nhát, không đủ gan thừa nhận sự bại trận nhục nhã của đế quốc Mĩ.
Sự chuyển đổi trường nghĩa các cảm giác của ẩn dụ bổ sung cũng có khả năng rất lớn trong việc cung cấp, khắc sâu nhận thức và phát triển tư duy, bởi sự bình giá tinh tế tạo ra sự chờ đợi hụt hẫng, gây bất ngờ ở người đọc. Nó có thể làm mới, làm phong phú, có khi làm thay đổi cả nhận thức thẩm mĩ của người đọc, “uốn” lại theo cảm xúc thẩm mĩ của tác giả nhờ tạo ra trường nghĩa mới và sự bình giá cảm xúc cả khách thể và chủ thể cảm nhận và ý nghĩa hàm ẩn được tạo ra từ sự chuyển đổi trường nghĩa các cảm giác làm lên giá trị tu từ to lớn, tạo ra lối tư duy mới cả về phương diện miêu tả sự vật, hiện tượng cụ thể và những triết lí sâu xa.
Không chỉ trong kí Nguyễn Tuân, hiện thời ADBS đã xuất hiện khá nhiều trong các bài phóng sự báo chí và tham gia đắc lực vào việc xây dựng hình ảnh nghệ thuật, diễn đạt những cảm nhận tinh tế, những trạng thái tình cảm phong phú hay những ý tưởng của người “thư kí của thời đại”. Trong tập “Bút kí được giải Báo Văn nghệ, 1996-1997” chúng tôi đã thống kê được 14 ADBS. Chúng tôi còn tìm được 230 thí dụ như thế trên các tờ báo có tiếng như Nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao động, Tiền phong, Văn nghệ, Nghề báo…
“Và rồi Trường Sơn tỉnh giấc, đường Hồ Chí Minh công nghiệp hoá, hiện đại hoá hình thành, cây đàn nước Việt như được tiếp thêm nguồn âm thanh mới, hào sảng, bề thế và lộng lẫy”.
(Lương Ngọc Anh - Đi suốt Trường Sơn, Văn nghệ trẻ, số 21/2005)
“… vẫn rung lên trong tâm thức tôi những tiếng ngọt ngào êm dịunhư tiếng mẹ ru hời, tiếng rì rào lá reo, tiếng róc rách mạch ngầm nước chảy, tiếng con chịm gọi bạn vọng về: Quê đồi yêu dấu!”
(Tạ Ngọc Tấn - Quê đồi, Những nẻo đường hành hương, NXBVH, HN, 2005, tr 5).
Yves Agnès nói: “Nhà báo giỏi là người truyền đạt được một cách chính xác những gì anh ta thấy, nghe và cảm nhận” ( Manuel de Journalisme, tr. 186). Để “truyền đạt được một cách chính xác “ những gì đã “thấy, nghe và cảm nhận”, nhà báo phải quan tâm đến việc lựa chọn phương tiện biểu đạt. Các phương tiện tu từ, trong đó có ADBS, sẽ giúp anh ta đạt được yêu cầu đó.
Trịnh Cẩm Nhi cũng đã làm được như vậy nhờ biết sử dụng ADBS để miêu tả tiếng đàn của nghệ sĩ violon Hilary Hahn trong đêm biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội, khi viết: “Những khoảng ngắt giữa hai hợp âm chủ đạo, người nghe tưởng như dòng âm thanh đang tuôn trào bỗng nhẹ đitheo hơi thở”, “ thả trôi tiếng đàncủa mình như nỗi bối rối ngơ ngác trước một hạnh phúc chợt đến”, “sự tế nhị và duyên dáng của người nghệ sĩ piano đã thành một điểm tựa yên ảcho cây violon”… Cách sử dụng ADBS trong bài viết “Lời tâm tình của thiên sứ” (Lao Động, số 126/2005) của Trịnh Cẩm Nhi đã giúp chị vừa miêu tả chính xác vừa bình giá sâu sắc tiếng đàn đẹp, tài hoa, tinh tế của một nghệ sĩ tài năng, đồng thời cũng bình giá khả năng cảm nhận của chính tâm hồn tác giả, và truyền sức lay động của tiếng đàn tài hoa ấy sang độc giả.
3. Ẩn dụ bổ sung quả là một phương tiện tu từ có giá trị đặc sắc. So với các phương tiện tu từ khác, nó có lợi thế hơn hẳn ở sự chuyển đổi trường nghĩa rất linh hoạt để trở thành một chất liệu sinh động có thể sử dụng làm công cụ xây dựng tác phẩm, thể hiện hình tượng. Trước 1945, ADBS được dùng nhiều trong thơ trữ tình với các tác giả tiêu biểu như: Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính… đã góp phần làm nên những thành công cho thơ ca hiện đại Việt Nam. Sau 1945 và hiện nay, ẩn dụ và ADBS được dùng nhiều trong văn xuôi, đặc biệt là các bài phóng sự, kí. Người có ảnh hưởng lớn đến văn xuôi không ai khác là Nguyễn Tuân, người sớm đưa ADBS vào văn xuôi, từ đó gây ảnh hưởng đến câu văn trong thể loại phóng sự, kí sự báo chí. Có thể nói, mấy chục năm qua các nhà văn, nhà báo sử dụng phương tiện ẩn dụ bổ sung đạt nhiều thành tựu đã không chỉ giúp họ tạo nên những tín hiệu thẩm mĩ, những hình tượng văn học để thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm, mà còn làm phong phú thêm cách diễn đạt, làm đẹp thêm tiếng nói dân tộc và khẳng định sự phát triển của ngôn ngữ nghệ thuật văn chương Việt Nam.
___________
Tài liệu tham khảo
1. Đỗ Hữu Châu, 1997 - Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, NXBĐHQG HN.
2. Đỗ Hữu Châu, 1974 - Trường từ vựng ngữ nghĩa và ngôn ngữ văn học, TCNN số 3.
3. Nguyễn Thái Hoà, 1983 - Phân tích phong cách học, ĐHSP HN.
4. Đinh Trọng Lạc - Nguyễn Thái Hoà, 1993 - Phong cách học tiếng Việt, NXBGD.
5. Đinh Trọng Lạc, 1992 - Vấn đề xác định phân loại và miêu tả các phương tiện tu từ, Ngôn ngữ, số 4.
6. Nguyễn Đăng Mạnh, 1999 - Giáo trình Cao học, tài liệu sử dụng nội bộ, ĐHSP HN.
7. Yves Agnès, 2002 - Manuel de Journalisme, NXB La Découverte, Paris.
8. Một số tác phẩm của Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, các báo: Nhân Dân, Lao Động, Tiền Phong, Quân Đội Nhân Dân, Văn Nghệ, các tập bút kí báo chí.
Nguồn: Ngôn ngữ & Đời sống, số 11 (121), 2005, tr 19 - 22