4 yếu huyệt của Việt Nam trên biển Đông và mưu đồ Trung Quốc
PV đã có trao đổi thêm với ông về vấn đề này.
Ông đã từng nghiên cứu và đưa ra 4 yếu huyệt của Việt Nam trên biển Đông? Chúng được xác định dựa trên cơ sở nào?
KS Doãn Mạnh Dũng: Bốn yếu huyệt bảo vệ sự an ninh lãnh thổ Việt Nam từ hướng biển được xếp theo thứ tự : Cam Ranh, Sơn Dương, Nam Du và Côn đảo. Trước đây tôi cho rằng chỉ có 3 điểm, nhưng sau vụ tàu Viking bị tấn công phá cáp nên thấy rằng cần sử dụng Côn Đảo cho vai trò bảo vệ các vùng dầu khí.
Bốn yếu huyệt này được xác định dựa vào những yếu tố địa lý tự nhiên. Vì với một nước nhỏ, nghèo, mọi việc từ xây dựng đến bảo vệ đất nước phải biết sử dụng những đặc điểm địa lý tự nhiên. Hải quân Việt Nam phải có các căn cứ quân sự đủ sức phòng ngự và tấn công. Các căn cứ hải quân phải có độ sâu tối thiểu trên 10m, độ rộng mặt nước đủ năng lực tiếp nhận nhiều tàu quân sự, có núi cao để che chắn và thuận lợi trong cung ứng hậu cần. Và sự hợp tác với các đối tác nước ngoài trong xây dựng kinh tế ở các yếu huyệt trên cần gắn chặt nhu cầu nếu xảy ra chiến tranh vệ quốc.
Cụ thể như thế nào, thưa ông?
Trước hết, chúng ta cần biết đặc tính tự nhiên ảnh hưởng đến hàng hải qua biển Đông. Do đặc điểm dòng chảy và gió mùa, về mùa đông, tàu biển di chuyển từ phía Bắc xuống Nam biển Đông đều phải đi sát bờ biển miền Trung Việt Nam (đường màu xanh - hình dưới). Còn từ phía Nam lên hướng Bắc thì tàu biển phải tránh xa bờ miền Trung để tránh dòng nước ngược (đường màu đỏ).
Về mùa gió Tây Nam, dù từ Bắc xuống Nam hay từ Nam lên Bắc đều đi cùng một tuyến chung (đường màu đen). Do bão biển Đông xoáy ngược chiều kim đồng hồ, nên khi gặp bão, các tàu thuyền đều có xu hướng bị đẩy vào bờ biển Việt Nam.
Do các đặc điểm tự nhiên trên, các chủ tàu qua biển Đông đều mong muốn có sự hỗ trợ của Việt Nam khi gặp sự cố. Đây là lý do chúng ta phát hiện nhiều xác tàu thuyền bị chìm từ nhiều thế kỷ trước gần bờ biển miền Trung và Nam Bộ.
Tuyến bờ biển từ vịnh Vân Phong đến cảng Cam Ranh là tuyến bờ biển đến đường hàng hải quốc tế gần nhất.
Cảng Cam Ranh (vị trí 3) có vùng nước rộng, kín sóng gió, nước sâu -20m và có 2 cửa ra vào thuận kiểm soát. Xung quanh cảng có núi cao nên khó bị tấn công. Nơi đây có thể tiếp nhận cùng lúc các loại tàu chiến hiện đại nhất. Vì vậy cảng Cam Ranh là căn cứ hải quân tốt nhất Đông Nam Á. Từ đây chỉ cần tàu ngầm mini chạy dầu là đủ lo ngại cho các tàu lớn tại biển Đông. Cảng Cam Ranh xứng đáng là trung tâm hải quân của Việt Nam và là yếu huyệt kiểm soát biển Đông.
Các vị trí được đánh số - Nơi xảy ra sự kiện tấn công tàu Bình Minh (1), tàu Viking (2) - Vị trí Cam Ranh (3), Sơn Dương (4), Côn Đảo (5), Nam Du (6) |
Ở vịnh Bắc Bộ là cảng Sơn Dương nằm phía nam Vũng Áng thuộc Hà Tĩnh có vị trí khá đặc biệt (vị trí 4).
Vị trí này cùng vĩ tuyến với cảng Tam Á, có hạm đội nguyên tử của Trung Quốc. Vị trí cảng Sơn Dương cũng nằm ngay phía Bắc đèo Ngang nơi có đường Quốc Lộ 1A với đường đèo và hầm qua núi. Độ sâu cảng Sơn Dương sau khi xây đê 3.000m từ mũi Ròn đến hòn Sơn Dương thì vùng cảng kín sóng gió và đạt độ sâu đến trên -16m với vùng nước rộng rãi.
Vì vậy, cảng Sơn Dương là yếu huyệt của vịnh Bắc Bộ, kiểm soát đường biển và đường bộ từ Nam Bộ và Trung Bộ tiếp tế cho miền Bắc Việt Nam.
Ở bờ biển Nam bộ có Côn Đảo có hình con kỳ lân, lưng theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, mặt nhìn về hướng Đông (vị trí 5).
Vùng bờ phía Đông, các vùng nước đều bị cạn. Nhưng phía Tây Nam Côn Đảo có Bến Đầm. Phía đông bắc Bến Đầm có núi Thánh Giá cao 577m, phía Tây Nam là Hòn Bà cao 242m, còn phía Nam có Hòn Bò cao 324m. Độ sâu Bến Đầm khá lý tưởng -13m, kín gió Đông Bắc và gió Tây Nam, thuận lợi cho một cảng nước sâu cho hải quân và thương mại. Vị trí này gần đường hàng hải quốc tế qua vùng biển Nam Bộ.
Đây là yếu huyệt của bờ biển Nam Bộ. Nếu Việt Nam có một căn cứ hải quân hùng mạnh ở đây sẽ giúp kiểm soát đường hàng hải ra vào bờ biển Nam Bộ, giữ an toàn cho các mỏ dầu phía Đông Nam Bộ.
Trong vịnh Thái Lan, thềm lục địa bờ biển Rạch Giá - Hà Tiên rất cạn. Việc xây dựng cảng nhân tạo có nước sâu tại khu vực này rất tốn kém, nhất là chi phí duy tu.
Quần đảo Nam Du nằm giữa con đường từ Phú Quốc đến Cà Mau, cách bờ biển khoảng 50km (vị trí 6). Độ sâu tự nhiên giữa quần đảo Nam Du đạt -10m, có núi cao 309m phía tây. Các dãy đảo phía đông che kín gió mùa Đông Bắc. Vì vậy khu vực này thích hợp cho tàu thuyền neo đậu, thuận lợi cho một cảng hải quân tốt nhất ở bờ biển Tây Nam Việt Nam. Quần đảo Nam Du là yếu huyệt bảo vệ bờ biển Tây Nam của Việt Nam.
Khi kênh Kra của Thái được mở thì vị trí quần đảo Nam Du càng trở nên quan trọng trong việc bảo vệ luồng hàng hải quốc tế băng qua vịnh Thái Lan.
Đưa ra 4 yếu huyệt của Việt Nam trên biển Đông, nó được hiểu và có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Theo cuốn Tư Mã Thiên sử ký - trang 669 - NXB Văn học - 2003, năm 111 trước Công nguyên, quân Hán tấn công nước Việt. Vua Việt là Kiến Đức, hậu duệ của Úy Đà cùng tướng Lữ Gia "lấy thuyền đi về hướng Tây". "Hiệu úy Tư Mã Tô Hoằng là người Việt đầu hàng Hán bắt được Kiến Đức". "Quan lang người Việt là Đô Kê bắt được Gia".
Tướng Lữ Gia hiện có tên đường tại Hà Nội và TP.HCM.
Như vậy, từ xa xưa giặc phương Bắc muốn chiếm đất Việt phải sử dụng đường biển và phải nhờ Việt gian. Đoạn văn mô tả Lữ Gia "lấy thuyền đi về hướng Tây" chứng tỏ kinh đô xưa của nước Việt ở khu vực Hồng Kông - Quảng Châu. Chiến lược bành trướng xâm lược của người Hán không thay đổi trong hơn 2.000 năm qua và dựa vào 2 yếu tố cơ bản: yếu tố mua chuộc người Việt để làm nội ứng và yếu tố đường biển.
Các cuộc chiến tranh xâm lược đất Việt sau này của giặc phương Bắc, hay Xiêm, Pháp và Mỹ cũng từ hướng biển.
Trong vụ việc Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong thềm lục địa của Việt Nam suốt nhiều tháng, lực lượng Trung Quốc đã liên tục chủ động khiêu khích, phun vòi rồng, đâm va vào tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của Việt Nam - Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam |
Hiện nay cả thế giới đang bước vào nền văn minh mới. Đó là nền kinh tế tri thức. Những nước dân chủ chấp nhận nền kinh tế thì trường thì hầu như họ tập trung đưa chất xám vào hàng hóa hay dịch vụ để cạnh tranh. Còn ở các nước độc tài hay có truyền thống độc tài thì hầu như những kẻ giàu có là nhờ bán tài nguyên.
Những đại gia này, họ không thể cạnh tranh bằng tri thức nên những nước độc tài hay có truyền thống độc tài thường có xu hướng mở rộng lãnh thổ. Đó là nguyên nhân bất ổn từ Trung Quốc mà cả nhân loại đang lo lắng.
Việt Nam là mắt xích yếu nhất để Trung Quốc thực hiện chiến lược bành trướng về phía Nam. Sự yếu kém không chỉ ở sự lệ thuộc vào kinh tế mà cả hệ tư tưởng. Đó là nỗi đau mà những kẻ biết đọc sách không thể không trăn trở.
Để kháng cự lại sự bành trướng của Trung Quốc, việc đầu tiên là cần nâng cao dân trí. Thứ đến là cần xây dựng các căn cứ hải quân mạnh để kiểm soát toàn bộ bờ biển. Bài học Trung Quốc đưa chính sách diệt chủng vào Campuchia cuối thập niên 1970 đã chỉ cho chúng ta không chỉ cần phòng ngự bờ biển Đông mà cả bờ biển Tây Nam Bộ.
Từ xa xưa giặc phương Bắc muốn chiếm đất Việt phải sử dụng đường biển và phải nhờ Việt gian. Thời nào cũng có bọn Mã Tô Hoằng, Đô Kê, Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống... nên chúng ta cần luôn luôn cảnh giác.
Với quan điểm trên, việc định vị những căn cứ hải quân chính cho Việt Nam cần được nghiên cứu nghiêm túc.
Trung Quốc đang ngày càng bành trướng trên biển Đông bằng nhiều hành động như xây đảo nhân tạo, thăm dò và khai thác dầu khí vùng nước sâu, mượn chiêu bài nghiên cứu khảo sát địa chất, nghiên cứu khảo cổ... Bốn yếu huyệt mà ông đã xác định còn có ý nghĩa, tác dụng gì trong việc bảo vệ lãnh thổ biển đảo của Việt Nam?
Trung Quốc đang xây dựng các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa là từng bước muốn vô hiệu hóa Cam Ranh. Mục tiêu của họ là tài nguyên dầu, thủy sản và kiểm soát hàng hải biển Đông.
Nhưng bờ biển Đông có một đặc tính rất đặt biệt là các tàu thuyền khi bị chết máy, hay người bị trôi dạt thì đều bị đẩy vào bờ biển miền Trung Việt Nam trong 9 tháng gồm tháng 1, 2, 3, 4, 8, 9, 10, 11, 12. Đó là một hiểm họa đáng sợ của hải quân Trung Quốc nếu có chiến tranh ở biển với Việt Nam.
Ngoài động tác tìm cách vô hiệu hóa Cam Ranh, Trung Quốc đang thể hiện mưu đồ rất rõ trong việc chiếm hữu Sơn Dương - Hà Tĩnh dưới hình thức đầu tư.
Với quần đảo Nam Du sẽ giữ vai trò kiểm soát tuyến qua kênh Kra trong tương lai, Trung Quốc thông qua các doanh nghiệp Việt Nam để vô hiệu hóa nó bằng các dự án kinh tế.
Vì vùng mỏ dầu tập trung khu vực bờ biển Đông Nam Bộ nên cần đầu tư cho Côn đảo.
Giới hàng hải Việt Nam cũng đang lo lắng nghe tin các doanh nghiệp nước ngoài do Trung Quốc điều hành đang tìm cách vào vịnh Vân Phong.
Thời nào cũng có bọn Mã Tô Hoằng, Đô Kê, Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống... nên chúng ta cần luôn luôn cảnh giác. Chúng ta không đối đầu với Trung Quốc nhưng cần hiểu Trung Quốc và có ứng xử thích hợp. May chăng khi nền dân chủ thật sự đến với người dân Trung Quốc thì nỗi lo lắng mới có thể dịu đi!
Cám ơn ông nhiều!