350.000 đồng và 3 sáng chế
Hai năm trước, Đình Sơn đến gặp cô Nguyệt Thu - phó hiệu trưởng - để xin... thùng rác và hứa chắc nịch: “Em hứa với cô trước khi ra trường sẽ phát minh thùng rác tự động”. Tuy đáp ứng yêu cầu ngộ nghĩnh đó của cậu học sinh lớp 10, nhưng khi tận mắt nhìn thấy chiếc thùng rác tự động vào hai năm sau, cô Nguyệt Thu vẫn hoàn toàn bất ngờ.
Được sự hỗ trợ từ giáo viên, ba cậu học sinh bắt tay thực hiện thùng rác tự động. Thay phần nắp nhựa bằng nắp nhôm theo ý mình, ba học sinh gắn thêm môtơ, mạch điện, ròng rọc... và làm hẳn đường ray để chiếc nắp có thể chạy lên chạy xuống.
Cô Nguyệt Thu - phó hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi - nhận xét: “Từ những kiến thức học được, ba em học sinh Sơn, Huy, Thanh đã phát minh thùng rác tự động, thể hiện quyết tâm bảo vệ môi trường sống, hạn chế việc xả rác bừa bãi trong nhà trường”. |
“Nếu được đầu tư thêm, tụi em sẽ cố định phần máy móc vào một cái hộp bên trong thùng để tránh trường hợp bị người ta cố tình làm hỏng. Tụi em cũng sẽ nâng cấp nó lên bằng cách gắn bình ắcquy 12V để sử dụng được khoảng nửa năm. Khi đó. thùng rác tự động sẽ không cần điện nguồn và có thể sử dụng ở nhiều nơi công cộng” - Sơn chia sẻ. Nhờ tính năng cảm ứng nên thùng rác chỉ tự động mở nắp “xin rác” khi có người đến gần. Đặc biệt hơn, thùng rác còn biết đóng lại sau một hồi “mở miệng” xin rác. Ngoài việc có nắp đậy để tránh “hương trong thùng theo gió bay xa”, chiếc thùng rác dễ thương này sẽ giúp nhiều bạn học sinh không còn cảm giác ghê ghê khi phải dùng tay mở nắp thùng rác.
Trong lúc vừa học vừa làm thùng rác tự động, Đình Sơn quyết định làm thêm máy sấy tay. Sơn giải thích: “Em sử dụng máy sấy và mạch cảm ứng ánh sáng để làm máy sấy tay. Khi mình đưa tay vào che mất một phần ánh sáng, mạch cảm nhận được sự thay đổi ánh sáng này sẽ kích rờle cấp nguồn cho máy sấy hoạt động”. Theo Sơn, có thể sử dụng máy trong các băng chuyền. Nhờ đặc điểm có thể sấy ngắt quãng, máy giúp tiết kiệm điện và hạn chế hư hỏng do tỏa nhiệt nhiều khi hoạt động liên tục.
“Mạch chống trộm có thể gắn ở cửa ra vào hoặc ở nơi công cộng để cảnh báo. Người sử dụng có thể điều chỉnh thời gian hú còi theo ý mình” - Trung Huy phấn khởi nói về sáng chế vừa hoàn thành của mình. Nhìn ba sản phẩm dễ thương này, ít ai đoán được tổng chi phí thực hiện chưa đến 400.000 đồng.
Sau khi tham dự phần thi sáng tạo khoa học giữa các cụm tại Liên hoan học sinh tiên tiến và Hội trại truyền thống 9-1 vừa qua do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, một số giáo viên nước ngoài đã đề nghị ba bạn trẻ gửi cho họ một bài thuyết trình các sáng chế này bằng tiếng Anh để nghiên cứu. Cô Nguyệt Thu cho biết sẽ xem xét việc triển khai sử dụng phát minh của các học sinh trong phạm vi nhà trường.