1 lít xăng, chạy hơn 100 km
Với xe môtô, xe gắn máy khi áp dụng giải pháp này, chỉ cần 1 lít xăng có thể chạy được trên 100 km thay vì 45 - 50 km và với xe ga đạt gần 80 km thay vì 25 - 30 km như trước kia. Còn áp dụng thử nghiệm với ôtô có dung tích 2.000 phân khối, chạy 100 km chỉ mất khoảng 7-8 lít xăng trong khi thông thường nó ngốn từ 14-15 lít.
Năm 2002, trước tình trạng môi trường ngày càng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi khí thải của các phương tiện giao thông, ông Nam đã nảy ra ý tưởng làm thế nào để xe có thể tiêu thụ ít xăng, đốt cháy tối đa nhiên liệu, không còn xăng thừa trước khi thải ra môi trường.
Là một người đã từng kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng ông Nam chưa được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào về máy móc cơ khí, động cơ... Ông đã tự mày mò nghiên cứu tài liệu, sách vở và hỏi bạn bè trong các lĩnh vực cơ khí, máy móc, động cơ đốt trong... để nắm được quy trình, nguyên lý vận hành của động cơ ôtô, xe máy.
Để có thể tìm được giải pháp này, ông Nam đã tự lập ra một dàn bài tập trung vào 5 vấn đề liên quan đến buồng đốt, gồm: bộ chế hòa khí, bình gió, điện, thoát nhiệt và tổng hợp ma sát mà ông cho là yếu tố cơ bản quyết định đến hiệu quả cháy của nhiên liệu và sự vận hành của động cơ.
Không can thiệp sâu vào trong động cơ mà chỉ cần một số thiết bị lắp đặt ở phần bên ngoài với chi phí thấp (khoảng 1,5 triệu với xe máy) nhưng sẽ làm cho động cơ giải nhiệt tốt hơn, đánh lửa nhạy hơn, cung cấp lượng xăng và gió tốt hơn hài hòa sự cháy, giảm ứng suất ma sát trong máy. Và điều quan trọng là hiệu suất đốt cháy đạt trên 90%, có nghĩa động cơ đốt tối đa nhiên liệu, giảm lượng phát thải ra môi trường.
Theo ông Nam thì trong 5 giải pháp trên, giải pháp chế hòa khí là quan trọng nhất vì hiện tại bộ chế hòa khí luôn bị dư xăng, nhất là khi xe chạy ở tốc độ cao từ 5.000 vòng - 10.000 vòng/phút thì sức hút của píttông rất lớn, xăng bị hút lên nhiều nên cháy không hết.
Thường 1 gr xăng thì phải có đủ 15,84 gr gió thì sự cháy mới được hoàn hảo nhưng trong trường hợp này thì rất khó có thể phân chia tỷ lệ này hợp lý. Để khắc phục tình trạng này, ông Nam đã cài một con cóc thiết kế bằng mút vào ống cao su và cài chặt vào ống thông hơi xếp bậc.
Khi động cơ khởi động, bộ chế hòa khí làm việc đẩy hơi ra ống cao su bị con cóc hãm lại tạo thành áp suất làm ống cao su căng cứng, xăng bị nén hút tung lên hạt nhỏ đều hơn và làm vô hiệu hóa lỗ kim phun xăng. Lúc này, nó chỉ là một mặt sàng lớn nằm phía dưới. Ở giải pháp này, xăng và gió hòa khí hoàn hảo ở bất kỳ tốc độ nào, theo tỷ lệ thuận giữa sức hút píttông tạo nên áp suất hòa khí nên không còn hiện tượng thừa hoặc thiếu xăng. Đặc biệt khi tắt máy, con cóc còn có tác dụng như một nút đóng kín làm xăng không bay hơi.
Giải pháp này đã được ông Nam đăng ký sở hữu công nghiệp tại Cục sở hữu trí tuệ và chuẩn bị xin phép sản xuất rộng rãi. Mặc dù vẫn đang trong thời điểm chạy thử nghiệm nhưng giải pháp này đã được nhiều người sử dụng thử đánh giá cao và có triển vọng nếu như được áp dụng ngoài cuộc sống. Hiện tại, ông đã lắp giải pháp này thử nghiệm trên khoảng gần 100 chiếc xe gồm cả ôtô và xe máy, trong đó chủ yếu ở Tp.HCM.
Riêng ở miền Bắc, lần thử nghiệm đầu tiên được lắp trên chiếc xe Dream II trước sự chứng kiến và ngạc nhiên của nhiều người. Xả hết xăng trong máy, đổ 1/4 lít xăng vào bình, xe chạy được 29,5 km trên đường Hà Nội mới dừng hẳn. Chị Nguyễn Thị Minh (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội), chủ chiếc xe được lắp đặt chạy thử nghiệm cho biết: đã mấy năm trong quá trình chạy thử, máy êm, động cơ nổ giòn, đều, không phát nhiệt máy, không có tác dụng phụ, không gây sự cố và đặc biệt là tốn rất ít xăng.
Là một người kinh doanh, giải pháp tiêt kiệm xăng của ông Nam là sản phẩm của một nhà khoa học “chân đất”. Giải pháp này không những sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn bảo vệ môi trường, giảm lượng khí thải. Điều mong muốn lớn nhất của ông Nam hiện nay là mong được các cơ quan thẩm tra đánh giá để giải pháp này sớm đến được tay người tiêu dùng.
Nguồn: vneconomy.com.vn 10/2/2006